Chủ động nguồn nước cho vụ hè thu ở Nam Trung Bộ

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với nguồn nước trữ trong các hồ chứa thủy lợi, thủy điện ở khu vực Nam Trung Bộ, khả năng khoảng 44.000 đến 49.000 ha lúa thiếu nước tưới. Hiện Bộ tiếp tục tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp tình hình nguồn nước, chủ động điều chỉnh thời vụ gieo trồng đối với các khu vực khó khăn về nguồn nước.

Nông dân xã Phước Nam, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) sử dụng nước giếng khoan phục vụ trồng trọt. Ảnh: VĂN NỶ
Nông dân xã Phước Nam, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) sử dụng nước giếng khoan phục vụ trồng trọt. Ảnh: VĂN NỶ

★ Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, ngày 5-6, các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 độ C đến 37 độ C, có nơi hơn 38 độ C; riêng các tỉnh Bắc Trung Bộ có nơi hơn 39 độ C. Ðợt nắng nóng này có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới; có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao cháy rừng ở các tỉnh Trung Bộ. Cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng: cấp 1.

★ Ngày 4-6, UBND tỉnh An Giang cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 13 vụ sạt lở bờ sông, kênh rạch tại năm huyện, thị xã, thành phố, trong đó huyện Châu Phú nhiều nhất với năm vụ sạt lở. Các vụ sạt lở trên địa bàn có tổng chiều dài 410m, làm mất 1.907 m2 đất, ảnh hưởng 56 hộ dân cần di dời, gây thiệt hại về đất và tài sản hơn hai tỷ đồng.

★ Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh Bình Thuận, mưa to kèm theo lốc xoáy cục bộ ở huyện Tánh Linh làm tốc mái 11 nhà, hai héc-ta cao-su bị gãy đổ, ước tính thiệt hại khoảng 400 triệu đồng. Tại tỉnh Cà Mau, trên địa bàn ấp Trại Lưới, xã Ðất Mới, huyện Năm Căn xảy ra sạt lở đất ven sông làm 7 m đường bê - tông nông thôn bị sạt lở.

★ Vụ lúa hè thu 2020 tỉnh Bạc Liêu xuống giống khoảng 60.000 ha. Tuy nhiên, do năm nay mưa đến muộn, trễ lịch thời vụ hơn một tháng nên mới xuống giống đạt khoảng 25% diện tích gieo cấy. Hiện ngành nông nghiệp tỉnh đang chỉ đạo các địa phương, nông dân xuống giống theo thông báo hướng dẫn thời vụ sản xuất lúa 2020; thực hiện đồng bộ các biện pháp ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn; tăng cường kiểm tra đồng ruộng, xử lý sâu bệnh, để đạt kế hoạch đề ra.

★ Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) có dấu hiệu bùng phát trở lại, lây lan tại nhiều tỉnh, thành phố. Ðể chủ động phòng, chống dịch, UBND tỉnh Thái Bình vừa ban hành Chỉ thị số 13 nhằm triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống DTLCP. Theo đó, yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, UBND huyện, thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống DTLCP tái phát theo quy định. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng dịch là chính, áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học...

★ UBND tỉnh Phú Yên vừa yêu cầu các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung phòng, chống DTLCP tái phát. Theo đó, UBND tỉnh giao ngành nông nghiệp chủ động phối hợp các địa phương triển khai giám sát để phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm ngay khi phát hiện DTLCP, không để lây lan diện rộng. Ðồng thời tăng cường công tác kiểm dịch lợn và sản phẩm từ lợn; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn xuất nhập tỉnh, nhất là vận chuyển lợn để nuôi thương phẩm và lợn đến cơ sở giết mổ nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch tái phát.

★ Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Bình, từ đầu năm đến nay, địa phương đã xuất hiện sáu ổ dịch cúm gia cầm H5N6 tại các huyện Yên Mô, Nho Quan và Gia Viễn, buộc tiêu hủy hơn 8.500 con gia cầm. Hiện tỉnh đang tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn dịch lây lan trên diện rộng.