Chủ động đối phó sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long

Hiện nay, đồng bằng sông Cửu Long có hơn 500 điểm sạt lở ven sông, biển. Mỗi năm, sạt lở làm mất khoảng 300 ha đất, rừng ngập mặn ven biển, hơn 19 nghìn hộ dân ven sông phải di dời khỏi vùng nguy hiểm.

Năm 2020 là năm hạn mặn lịch sử và xu hướng xâm nhập mặn, sạt lở ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng nhiều hơn đến đời sống người dân. Ðồng thời những tác động như khai thác cát bừa bãi, khai thác nước ngầm quá mức, tàu bè đi lại trên sông... đều tạo ra những lực tác động vào bờ khiến sạt lở mạnh hơn.

★ Theo Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu đồng bằng sông Cửu Long, cần lập ra một bản đồ sạt lở, xác định các "điểm đen" sạt lở. Theo đó, những nơi có nguy cơ sạt lở cao không được bố trí khu dân cư, nhà cửa và các công trình trọng điểm. Các vùng ven biển, chỗ nào trồng cây được thì trồng, nơi xung yếu phải làm đê kè. Ðồng thời hạn chế việc khai thác cát sông, có giải pháp thay thế cát trong xây dựng.

★ Tại xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự (Ðồng Tháp) vừa xảy ra vụ sạt lở bờ sông cặp tuyến đường liên xã, có chiều dài 55 m, sâu vào đất liền 5 m, đe dọa đời sống người dân và hàng trăm học sinh hai điểm Trường mầm non Thường Lạc và tiểu học Thường Lạc 2. UBND tỉnh Ðồng Tháp cũng vừa quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông Cần Lố, với chiều dài 210 m.

★ Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, địa phương có hơn 30 nghìn hộ dân sống ven sông từ lâu đời tại những nơi hiện có khả năng xảy ra sạt lở. Riêng huyện Chợ Mới có 2.106 nhà ở ven sông, kênh rạch, trong đó 490 căn thuộc khu vực sạt lở. Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về tình huống sạt lở khẩn cấp ở rạch Cái Sắn. Rạch này từ năm 2019 đến nay đã xảy ra bốn đợt sụt lún, sạt lở; lần gần đây nhất với chiều dài 175 m, ảnh hưởng đến 39 hộ dân. Dự báo, sạt lở rạch Cái Sắn thời gian tới sẽ diễn ra phức tạp, có xu hướng gia tăng mức độ ảnh hưởng, với chiều dài cảnh báo là 2.300 m.

★ Tại tỉnh Cà Mau, mùa mưa năm nay bắt đầu chưa lâu nhưng trên địa bàn đã xảy ra hàng loạt vụ sạt lở đất ven sông, làm hư hại 3,2 km đường giao thông, thiệt hại 44 căn nhà của người dân. Mới đây, tại xã Tân Tiến (huyện Ðầm Dơi) tiếp tục xảy ra sạt lở bờ sông làm thiệt hại bốn căn nhà và 20 m đường nhựa.

★ Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, không khí lạnh nén rãnh áp thấp kết hợp hội tụ gió trên mực 1.500 m đã gây mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to cho các tỉnh vùng núi Bắc Bộ. Sáng nay (24-9), ở Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông với lượng mưa phổ biến 50 - 100 mm/24 giờ; riêng các tỉnh Lai Châu, Ðiện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn có nơi lượng mưa hơn 150 mm/24 giờ; các tỉnh Bắc Trung Bộ có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Hiện, mực nước thượng lưu các sông thuộc hệ thống sông Hồng - Thái Bình, sông Kỳ Cùng - Bằng Giang đang biến đổi chậm theo xu thế lên, phổ biến ở mức thấp hơn báo động (BÐ) 1 từ 1 đến 4 m; riêng trên thượng lưu sông Cầu đã xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên 2 đến 3 m. Cảnh báo, trên lưu vực hệ thống sông Hồng - Thái Bình và sông Kỳ Cùng - Bằng Giang sẽ xuất hiện một đợt lũ nhỏ với biên độ lũ lên ở thượng lưu 2 đến 4 m, hạ lưu 1 đến 2 m. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất, ngập lụt ở vùng trũng các tỉnh miền núi khu vực Bắc Bộ.

★ Ngày 23-9, nhiều địa phương trong tỉnh Lào Cai có mưa lớn, kéo dài, gây sạt lở đất đá làm ách tắc giao thông tuyến đường 4D từ TP Lào Cai lên thị xã Sa Pa; ngập úng ở các huyện Bát Xát, Si Ma Cai, Mường Khương và thành phố Lào Cai gây thiệt hại tài sản của người dân. Công an tỉnh Lào Cai đã điều động phương tiện và lực lượng của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ xuống hiện trường di chuyển người dân khỏi nơi bị ngập úng sâu, nguy hiểm. Các sở: Giao thông vận tải, Xây dựng huy động lực lượng và phương tiện máy móc đến các điểm sạt lở trên tuyến quốc lộ 4D, bốc xúc đất đá, kè ta-luy, khẩn trương thông đường.