Chăn nuôi trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường ở xã Cư Êbur

NDO -

Nhiều năm nay, người dân ở xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk luôn sống trong cảnh khổ sở do các trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. 

Một trang trại nuôi gà quy mô lớn ở thôn 3, xã Cư Êbur.
Một trang trại nuôi gà quy mô lớn ở thôn 3, xã Cư Êbur.

Mặc dù người dân đã nhiều lần phản ánh với chính quyền và ngành chức năng của địa phương về tình trạng này, nhưng đến nay, vẫn chưa có giải pháp xử lý, khắc phục triệt để, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của nhân dân. Điều đáng nói, Cư Êbur đã được công nhận là xã nông thôn mới nhưng môi trường bị ô nhiễm nặng, khiến người dân hết sức bức xúc.

Cuộc sống bị đảo lộn

Nhận được phản ánh của người dân xã Cư Êbur về tình trạng ô nhiễm môi trường, chúng tôi đã tìm về đây dưới tiết trời nóng bức của những ngày đầu tháng 7.

Ghé thăm gia đình anh Phạm Văn Thương ở thôn 8, xã Cư Êbur khi gia đình anh đang chuẩn bị bữa cơm trưa, biết chúng tôi là nhà báo về tìm hiểu tình trạng ô nhiễm môi trường theo nguyện vọng của người dân, anh Thương hết sức vui mừng. Bởi lâu nay, anh cùng nhiều hộ dân trong thôn đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị với thôn, xã, nhưng mọi việc đâu vẫn vào đó.

IMG_0305-1594021607950.jpg
Không chỉ bu bám các vật dụng trong nhà, ruồi nhặng còn bu bám đầy nhà cửa của các hộ dân sinh sống gần trang trại nuôi gà, khiến cuộc sống bị đảo lộn. 

Dẫn chúng tôi vào nhà, chỉ tay vào những vật dụng như bàn ghế, tủ và trên các cánh cửa… đâu đâu cũng bám dính một màu đen mà theo anh Thương đó là dấu chân ruồi đậu.

Anh Thương than thở: “Mặc dù mới sáng nay, tôi đã bơm thuốc diệt ruồi, nhưng chỉ chưa đầy một giờ sau, ruồi đã bay vào đậu đầy trên các vật dụng và trên sàn nhà”.

Theo anh Thương, tình trạng ô nhiễm môi trường từ trang trại chăn nuôi gà xảy ra từ năm 2018 đến nay và ngày càng thêm trầm trọng. Mỗi khi trời nắng, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, không chịu được. Hằng ngày, cứ đến giờ ăn cơm, ruồi nhặng bay bám đầy nhà. Để ăn được cơm phải mắc màn ngồi ăn hoặc một người quạt đuổi ruồi, một người ăn. Do mùi hôi thối từ trang trại gà bốc ra phải đeo khẩu trang, kể cả lúc đi ngủ khiến cuộc sống của gia đình bị đảo lộn. Cũng chính từ khi môi trường bị ô nhiễm đến nay, anh Thương bị viêm xoang phải đi khám và điều trị nhiều nơi nhưng bệnh ngày càng nặng thêm.

Khi chúng tôi trò chuyện với anh Thương, chị Quách Thị Giang (vợ anh Thương) đang chuẩn bị bữa cơm trưa cho gia đình dưới bếp đi lên nói: “Khổ nhất là phụ nữ chúng tôi, ngày nào cũng lo cơm nước ba bữa cho gia đình, nhưng mỗi khi chế biến thức ăn là ruồi nhặng bay đậu đầy nhà, nồi niêu, chén đũa. Khi ăn cơm có thể vào trong màn ngồi ăn chứ lúc chế biến, nấu ăn biết làm thế nào được? Không chỉ vậy, nhà cửa mỗi ngày tôi lau chùi không biết bao nhiêu lần nhưng cứ lau xong, ruồi nhặng lại bay vào, khiến cuộc sống của gia đình bị đảo lộn hoàn toàn. Với tình trạng này, không biết sức khỏe của các thành viên trong gia đình tôi sẽ thế nào?”.

Không chỉ gia đình anh Thương, chị Giang mà hàng chục gia đình sống chung quanh trang trại nuôi gà ở đây đều chung hoàn cảnh tương tự. Từ sự phản ánh của người dân, trong thời gian qua, có nhiều đoàn công tác của xã Cư Êbur và TP Buôn Ma Thuột về kiểm tra nhưng xong lại về. Còn tình trạng ô nhiễm vẫn tiếp diễn và hậu quả người dân chịu đủ.

“Vấn đề chúng tôi đề nghị cần làm rõ rằng: Tại sao cơ quan chức năng lại cấp phép cho xây dựng trang trại chăn nuôi gà với quy mô lớn, nằm ngay trong khu dân cư? Hậu quả của việc cấp phép này đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây hưởng lớn đến sức khỏe và đời sống của người dân chúng tôi ngày hôm nay?”, anh Thương bức xúc nói.  

Rời khu vực thôn 8, chúng tôi đến thôn 2 và thôn 3, xã Cư Êbur, khi vừa đặt chân đến khu vực giáp ranh giữa hai thôn, mùi hôi nồng nặc từ các trang trại, gia trại chăn nuôi gà... xộc vào mũi rất khó chịu.

IMG_0306-1594021607549.jpg
 Ruồi nhặng do các trang trại nuôi gà gây ra khiến người dân xã Cư Êbur luôn ám ảnh.

Chúng tôi ghé thăm gia đình bà Lê Thị Kim Oanh, có trang trại chăn nuôi 3.000 con gà đẻ trứng và ba chuồng nuôi nai lấy nhung nằm ngay phía sau nhà. Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại nuôi gà, bà Oanh cho biết, gia đình bà làm chuồng trại nuôi gà đẻ trứng được 10 năm nay, đây cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình.

“Gia đình tôi biết rằng, nuôi gà trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của chính mình và những hộ dân chung quanh, nhưng vì không có đất nơi khác để di dời trang trại. Do đó, gia đình mong muốn UBND xã Cư Êbur sớm xây dựng, hoàn thiện khu quy hoạch chăn nuôi tập trung để gia đình tôi di dời trang trạng ra khỏi khu dân cư, phát triển chăn nuôi ổn định lâu dài”.

Tương tự, gia đình bà Hoàng Thị Thùy Trang ở thôn 2, xã Cư Êbur xây dựng trang trại chăn nuôi hơn 4.500 con gà đẻ trứng ngay trong khu dân cư đã nhiều năm nay. Mặc dù nuôi gà với số lượng lớn nhưng lại không đầu tư hệ thống xử lý môi trường, cứ ba ngày, bà Thùy thuê người thu dọn phân gà bỏ vào bao bán cho các gia đình làm phân bón cho cây trồng. Vì vậy, chung quanh khu vực trang trại nuôi gà lúc nào cũng bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương.

Bà N.T.T.D, một trong những hộ dân ở khu vực này bức xúc: “Cuộc sống của người dân chúng tôi ở đây khổ lắm, ngày/đêm hít phải mùi hôi thối nồng nặc từ các chuồng trại bốc ra. Mỗi ngày đi làm về thời tiết đã nóng bức khó chịu, nay lại thêm mùi hôi xộc vào nhà, không sao thở nổi. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với lãnh đạo UBND xã có giải pháp xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, nhưng nhiều năm nay tình trạng vẫn vậy”.

Theo phản ánh của người dân, tình trạng ô nhiễm môi trường do các trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tại xã Cư ÊBur đã xảy ra nhiều năm nay. Do nể nang, người dân chịu đựng từ năm này qua năm khác. Tuy nhiên, vào tháng 4-2018, xã Cư Êbur được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, người dân liên tục phản ánh về tình trạng sống trong môi trường bị ô nhiễm, đề nghị chính quyền địa phương phải xử lý dứt điểm vấn đề này để đúng với danh hiệu.

Bao giờ mới hết ô nhiễm?

Dẫn chúng tôi đi kiểm tra các hộ chăn nuôi trong xã, bà H’Blôn Ênuôl, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Cư Êbur cho biết: Nhằm giảm tình trạng ô nhiễm môi trường, với trách nhiệm của mình, Hội Liên hiệp phụ nữ xã thông qua các buổi sinh hoạt hội ở các thôn, buôn lồng ghép tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các hội viên về giữ gìn môi trường sống, nhất là những hộ chăn nuôi. Qua đó, một số gia đình đã di dời trang trại chăn nuôi ra ngoài rẫy xa khu dân cư, nhưng vẫn còn nhiều hộ chưa di dời được do không có nương rẫy và tốn kém…

Là người trực tiếp đi kiểm tra và tham mưu cho UBND xã xử lý về hành vi gây ô nhiễm môi trường, ông Trần Hoài Nam, cán bộ địa chính, xây dựng, môi trường UBND xã Cư Êbur cho biết: Chỉ trong vòng ba năm gần đây, UBND xã đã ra quyết định xử phạt hành chính khoảng 14 chủ trang trại, gia trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường và yêu cầu ký cam kết bảo đảm môi trường trong quá trình chăn nuôi… Tuy nhiên, do các chuồng trại chăn nuôi nằm trong khu dân cư và chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý môi trường nên tình trạng ô nhiễm môi trường là khó tránh khỏi.

IMG_0310-1594021607459.jpg
 Một trang trại nuôi gà nằm ngay trong khu dân cư thuộc thôn 3, xã Cư Êbur, gây ô nhiễm môi trường.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Cư Êbur Nguyễn Mạnh Hà cho biết: Xã Cư Êbur nằm vùng ven của TP Buôn Ma Thuột, toàn xã hiện có 4.847 hộ dân với hơn 19.700 nhân khẩu, người dân chủ yếu làm nông nghiệp và chăn nuôi là chính. Hiện nay, trên địa bàn xã Cư Êbur có 47 trang trại và gia trại chăn nuôi lợn, gà, trong đó nhiều trang trại nằm trong khu dân cư, tập trung chủ yếu ở thôn 2 và thôn 3. Phần lớn các trang trại đều có quy mô chăn nuôi lớn từ vài nghìn đến vài chục nghìn con gà và hàng trăm con lợn.

Trong những năm qua, từ sự phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường do các trang trại chăn nuôi lợn, gà gây ra, chính quyền địa phương đã thành lập đoàn công tác thường xuyên đến kiểm tra và truyên truyền, vận động những hộ chăn nuôi thực hiện tốt công tác bảo đảm môi trường, di dời trang trại ra khỏi khu đông dân cư, không để ảnh hưởng đến những hộ dân xung quanh. Tuy nhiên, nhiều chủ trang trại, gia trại vẫn chưa quan tâm đến vấn đề xử lý môi trường làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương.

Từ năm 2017 đến nay, UBND xã đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra và xử phạt hành chính nhiều chủ trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, đồng thời yêu cầu chủ trang trại ký cam kết bảo đảm môi trường nhưng tình trạng này vẫn tiếp tục tái diễn.

Nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, UBND TP Buôn Ma Thuột đã quy hoạch một khu chăn nuôi tập trung với diện tích 84 ha và khu giết mổ tập trung với diện tích 32 ha trên địa bàn xã để vận động các hộ dân vào đây chăn nuôi. Công tác quy hoạch được thực hiện hơn 10 năm nay nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư cơ sở vật chất, điện, nước.

Trong nhiều cuộc họp của TP Buôn Ma Thuột, lãnh đạo UBND xã đã nhiều lần ý kiến với thành phố cần quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng khu chăn nuôi tập trung này để các hộ chăn nuôi di dời chuồng trại vào đây, nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, nhưng đến nay, TP Buôn Ma Thuột vẫn chưa bố trí được kinh phí nên người dân chưa có nơi để di dời. Trong khi đó, nhiều hộ dân trong xã chủ yếu sống bằng nghề chăn nuôi, gây rất nhiều áp lực cho xã. Vậy đến khi nào mới xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường này, vị lãnh đạo UBND xã cũng chịu.

Qua gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều hộ dân ở xã Cư Êbur, tất cả họ đều cho rằng: Xã Cư Êbur đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ tháng 4-2018, nhưng tình trạng chăn nuôi trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường tại một số thôn trong xã diễn ra nhiều năm nay vẫn chưa được giải quyết, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nhân dân địa phương.

Vì vậy, đề nghị các cấp chính quyền và ngành chức năng cần sớm có giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng này, để trả lại môi trường sống trong lành cho người dân và đúng thực chất là xã nông thôn mới.