Cầu Thăng Long cần được kiểm soát tải trọng để bảo đảm tuổi thọ

NDO -

Các ý kiến chuyên gia cho rằng, để bảo đảm được tuổi thọ của công trình cầu Thăng Long, việc quản lý, khai thác cần theo đúng quy định, trong đó việc kiểm soát tải trọng xe được cho là một trong những yếu tố đóng vai trò quyết định.

Sau khi đưa vào khai thác trở lại, cầu Thăng Long sẽ được kiểm soát tải trọng 24/7.
Sau khi đưa vào khai thác trở lại, cầu Thăng Long sẽ được kiểm soát tải trọng 24/7.

Kiểm soát tải trọng đóng vai trò quyết định đối với tuổi thọ của cầu

Theo kế hoạch, sáng 7-1, cầu Thăng Long sẽ chính thức được thông xe và đưa vào khai thác trở lại sau thời gian sửa chữa. Việc làm chủ được công nghệ sửa chữa và hoàn thành dự án đúng tiến độ được cho là một thành công của dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long. Tuy nhiên, theo ý kiến các chuyên gia, giai đoạn quản lý khai thác cầu để bảo đảm duy trì tuổi thọ công trình sau khi sửa chữa là công việc vô cùng quan trọng.

Trao đổi tại một cuộc hội thảo giới thiệu về công nghệ sửa chữa cầu Thăng Long mới đây, TS Nguyễn Ngọc Long – Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam, cho rằng, mặt trực hướng của cầu Thăng Long trong quá trình khai thác vận hành vừa qua bị bong tróc, biến dạng lồi lõm và nhiều chỗ đọng nước phần lớn là do bị quá tải. “Chúng ta tưởng tượng xem nếu như ở trên mặt cầu Thăng Long không quá tải, tải trọng thực không vượt lên từ 2,5 đến ba lần thì liệu bản thép trực hướng đó có bị biến dạng như thế không. Tôi nghĩ câu trả lời sẽ là không”, TS Nguyễn Ngọc Long nói.

Theo TS Nguyễn Ngọc Long, khi nhóm làm dự án sửa chữa cầu Thăng Long chuyển giao công trình cho TP Hà Nội quản lý khai thác cần bàn giao hai quy trình kèm theo, đó là: quy trình kiểm soát tải trọng và quy trình bảo dưỡng.

“Chúng ta phải làm như đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là trạm cân cố định kèm theo đường từ chối phục vụ, xe đi vào quá tải là mời đi ra ngay, chứ không phải dừng lại để xử lý rồi lại cho đi tiếp. Như thế thì chúng ta mới giữ được công trình”, TS Nguyễn Ngọc Long nói.

Liên quan đến tuổi thọ của mặt cầu Thăng Long sau sửa chữa, Phó Tổng Cục trưởng Đường bộ Việt Nam Nguyễn Mạnh Thắng cho biết, với công nghệ áp dụng sửa chữa cầu Thăng Long bảo đảm chất lượng hiện nay, tuổi thọ của lớp bê-tông siêu tính năng (UHPC) trên mặt cầu có thể khẳng định là hơn 10 năm, còn với lớp nhựa bên trên thì có tuổi thọ như bê-tông nhựa thông thường thời gian trùng tu là 5 năm, đại tu là 10 năm.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Thắng cũng cho rằng, đường có tốt đến mấy nhưng xe quá tải cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng lâu dài của công trình.

“Các chủ phương tiện, chủ doanh nghiệp làm sao phải sử dụng các xe đúng trọng tải quy định. Trước mắt có thể không vấn đề gì nhưng chúng ta biết là một xe quá tải vượt 200%, tức là gấp hai lần so với xe bình thường thì nó tương đương sức phá hoại của 16 xe không vượt tải. Xe quá tải là một trong những tác nhân phá hoại đường rất lớn mà một đồng tiền thu về từ vận tải chúng ta phải bỏ ra 10 đồng để xử lý, bảo trì”, ông Nguyễn Mạnh Thắng nhấn mạnh.

Sẽ kiểm tra tải trọng xe tại khu vực hai đầu cầu Thăng Long 24/7

Theo thông báo phát đi chiều ngày 6-1, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Tổng cục và Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã xây dựng kế hoạch phối hợp kiểm soát tải trọng xe bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông cầu Thăng Long.

Theo đó, sẽ tập trung kiểm soát tải trọng đối với các phương tiện lưu thông qua cầu Thăng Long - đường Vành đai 3, đường Võ Văn Kiệt.

Tổ kiểm tra sẽ phát hiện các trường hợp phương tiện có dấu hiệu cơi nới kích thước thùng chở hàng; chở hàng quá tải trọng lưu thông trên đường bộ đi qua cầu Thăng Long; dừng phương tiện, kiểm tra các phương tiện có dấu hiệu vi phạm về tải trọng phương tiện, tải trọng cầu, đường, kích thước thành thùng xe; tiến hành cân kiểm tra, xác định việc chở hàng quá tải; đo kích thước xác định việc cơi nới, cải tạo thành thùng xe; xác định hành vi vi phạm hành chính và xử lý vi phạm theo đúng quy định.

Thời gian bắt đầu thực hiện phối hợp kiểm soát tải trọng xe từ ngày thông xe cầu Thăng Long đến khi có chỉ đạo mới của cấp có thẩm quyền. Công tác phối hợp kiểm soát tải trọng xe được thực hiện 24/7, phân thành ba ca trực hằng ngày.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đề nghị lực lượng cảnh sát giao thông, công an quận trên địa bàn phối hợp xử lý đối với các trường hợp chống đối lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ, cố tình không chấp hành việc kiểm tra, xử lý của lực lượng thanh tra giao thông vận tải hoặc gây mất an ninh trật tự.