Cảnh báo cháy rừng ở nhiều tỉnh phía bắc

Cục Kiểm lâm cảnh báo, nhiều khu vực ở các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đang ở mức nguy cơ cháy rừng cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm). Cụ thể, các khu vực Phù Yên (Sơn La); Điện Biên, Mường Nhé, TP Điện Biên Phủ, Mường Lay, Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Tuần Giáo (Điện Biên); Mường Tè, Than Uyên (Lai Châu) là các khu vực đã nhiều ngày không mưa, nắng nóng, thời tiết khô hanh, có nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Cục Kiểm lâm đề nghị chủ rừng thuộc các địa phương chữa cháy rừng theo quy định.

Cán bộ ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La đánh giá mức độ thiệt hại do sương muối trên vườn cà-phê tại xã Chiềng Cọ, TP Sơn La. Ảnh: ĐẮC THANH
Cán bộ ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La đánh giá mức độ thiệt hại do sương muối trên vườn cà-phê tại xã Chiềng Cọ, TP Sơn La. Ảnh: ĐẮC THANH

* Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, từ nay đến ngày 20-12, khu vực Bắc Bộ có sương mù, trời rét về đêm và sáng sớm. Khu vực Trung Bộ có mưa, Bắc Trung Bộ đêm 19-12 trời chuyển rét. Mực nước các sông chính khu vực Bắc Bộ tiếp tục biến đổi chậm ở mức thấp. Một số sông khu vực thượng lưu và sông miền núi có khả năng xuất hiện dao động nhỏ với biên độ 0,5 đến 1 m.

Trong sáu tháng tới, nguồn nước trên các sông suối trên toàn quốc tiếp tục thiếu hụt nhiều. Mùa khô năm 2019 - 2020, tình hình khô hạn, thiếu nước có nguy cơ cao xảy ra tại một số tỉnh khu vực Tây Bắc, Đông Bắc, các tỉnh ven biển Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên, đặc biệt gay gắt ở khu vực Nam Bộ. Tại khu vực Bắc Bộ, nguồn nước tiếp tục thiếu hụt so trung bình nhiều năm (TBNN), thiếu hụt nhiều nhất tập trung trong tháng 12-2019 và tháng 1-2020 (20 đến 40%); khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên nguồn nước thiếu hụt 30 đến 60%, một số sông thiếu hụt hơn 70%, tại một số sông ở ven biển Trung Bộ khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất lịch sử.

Tại khu vực Nam Bộ, dòng chảy trên sông Mê Công về đồng bằng sông Cửu Long từ tháng 12-2019 đến tháng 2-2020 rất ít (khả năng thiếu hụt 30 đến 45% so TBNN), tổng lượng nước về đồng bằng sông Cửu Long khoảng 26 tỷ m3 thiếu hụt so TBNN khoảng 3,5 tỷ m3. Tình trạng thiếu nước và xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ ở mức sớm hơn, sâu hơn và gay gắt hơn so TBNN.

* Đợt rét đậm, rét hại, gây ra sương muối xảy ra đầu tháng 12 vừa qua làm hơn 1.000 ha cà-phê của người dân tỉnh Sơn La bị rụng lá, sản lượng quả thiệt hại hơn 3.000 tấn. Ngành nông nghiệp tỉnh đã có hướng dẫn, cảnh báo đối với các địa phương thực hiện phòng, chống rét đối với cây trồng, vật nuôi.

* Do ảnh hưởng không khí lạnh, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã xảy ra rét đậm, rét hại, xuất hiện sương muối và băng mỏng. Chủ động ứng phó, ngành nông nghiệp tỉnh đã đề nghị các địa phương thường xuyên cập nhật diễn biến không khí lạnh để thông tin kịp thời đến người dân, đặc biệt là người chăn nuôi ở vùng cao nhằm chủ động có biện pháp phòng tránh trong sản xuất, chăn nuôi. Được biết, đầu năm 2019, tổng đàn gia súc của tỉnh đạt gần năm triệu con, chủ yếu là trâu, bò, dê và lợn.

* Hiện nay, nước mặn đang xâm nhập sâu vào nội đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 600 ha hoa phục vụ Tết Nguyên đán của người dân huyện Chợ Lách (Bến Tre). Để hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng mặn, các ngành chức năng huyện khuyến cáo các biện pháp kỹ thuật cho người dân áp dụng như: nâng sức chịu đựng mặn cho cây, tưới nước tiết kiệm, che nắng gốc giảm thoát hơi nước, thậm chí vận chuyển nước ngọt từ nơi khác về để phục vụ cho sản xuất phục vụ thị trường Tết.

* Tỉnh Trà Vinh vừa khuyến cáo nông dân ngừng xuống giống lúa vụ đông xuân 2019-2020, do mặn đã xâm nhập nội đồng, nguy cơ lúa bị thiệt hại do thiếu nước tưới, chuyển sang trồng các loại rau màu để bảo đảm đủ nước tưới cho sản xuất. Vụ đông xuân này, tỉnh dự kiến xuống giống 66 nghìn ha nhưng đến nay chỉ mới xuống giống hơn 40% kế hoạch. Ngành nông nghiệp đang phối hợp các địa phương khuyến cáo nông dân chuyển lúa sang trồng các loại cây khác.

* Toàn tỉnh Cà Mau có 46 trong số 54 điểm sạt lở bờ sông, với tổng chiều dài hơn 100 km và sáu trong số 19 điểm sạt lở bờ biển nguy hiểm, dài hơn 5 km. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan cắm biển cảnh báo khu vực sạt lở đất trên địa bàn. Trong đó, ưu tiên thực hiện trước tại các khu vực sạt lở nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm và khu vực đông dân cư. Trong năm 2018, tỉnh đã triển khai cắm được 218 biển/109 điểm sạt lở trong tổng số 134 điểm sạt lở bờ sông trên địa bàn.

Cấp cứu thuyền viên bị nạn trên biển

Đến sáng 14-12, lực lượng cứu nạn tàu SAR 412 đã đưa thuyền viên Nguyễn Văn Sơn về đến Đà Nẵng an toàn và bàn giao cho cơ quan chức năng. Nhờ được cấp cứu kịp thời, nạn nhân bước đầu đã qua cơn nguy kịch. Trước đó, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam nhận được thông tin báo nạn từ thuyền trưởng tàu QNg 94848 TS. Theo thông tin, khi tàu đang hành nghề tại vị trí cách đảo Đá Bắc - quần đảo Hoàng Sa khoảng 18 hải lý, thuyền viên Nguyễn Văn Sơn bị ngã từ trên cao xuống dẫn đến bất tỉnh.