Cần tháo gỡ khúc mắc, đưa gói hỗ trợ đến người dân bị ảnh hưởng do đại dịch

NDO -

Từ đầu năm đến nay, đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại lớn trong phát triển kinh tế - xã hội và làm xáo trộn cuộc sống người dân ở Quảng Nam. Do vậy, ngay sau khi có Nghị quyết số 42/NQ-CP (ngày 9-4-2020) và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg (ngày 24-4-2020) của Chính phủ về hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, tỉnh Quảng Nam đã khẩn trương triển khai, đưa gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ của Chính phủ đến với người dân ở địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai chủ trương này cũng còn nhiều vướng mắc cần phải được tiếp tục tháo gỡ.

Cấp tiền cho người dân khó khăn do dịch Covid-19 tại huyện miền núi Nam Trà My.
Cấp tiền cho người dân khó khăn do dịch Covid-19 tại huyện miền núi Nam Trà My.

Kịp thời đưa gói hỗ trợ đến người dân

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho biết, Quảng Nam là một tỉnh có số lượng đối tượng chính sách đông (chiếm hơn 20% dân số). Trong đó, có đến 135 nghìn thân nhân liệt sĩ, hơn 30.500 thương bệnh binh, hơn 46 nghìn người có công giúp đỡ cách mạng; gần 12 nghìn người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; hơn 33 nghìn người tham gia kháng chiến được tặng thưởng huân, huy chương và hơn sáu nghìn người tham gia kháng chiến... Do vậy, công tác rà soát, thống kê danh sách cần phải thực hiện khẩn trương và chính xác để đưa tiền hỗ trợ đến kịp thời, đúng đối tượng theo quy định của Chính phủ.

Thực hiện kế hoạch của tỉnh, bắt đầu từ ngày 9-5, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) tỉnh phối hợp Bưu điện tỉnh tổ chức chi trả tiền hỗ trợ cho người dân huyện miền núi Nam Trà My. Nhờ triển khai tốt quy trình cấp phát đến tận các địa phương, nên đến ngày 25-6, các địa phương trong tỉnh Quảng Nam đã cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ đối với người có công cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hằng tháng tại cộng đồng, người thuộc hộ nghèo và người thuộc hộ cận nghèo.

Trong đợt đầu đã có 219.285 người ở địa phương được nhận hỗ trợ, với tổng kinh phí chi trả hơn 254,7 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 99,84% tổng kinh phí đã phê duyệt. Số người còn lại chưa nhận hỗ trợ: 127 người, với số tiền còn lại hơn 190 triệu đồng. Nguyên nhân, là do nhiều người đi làm ăn xa hoặc đang điều trị bệnh, nên không có mặt tại địa phương. Đáng lưu ý là có 194 người không nhận hỗ trợ (với số tiền hơn 205 triệu đồng) do lập danh sách trùng đối tượng, do có người đã chết, chuyển đi địa phương khác và có nhiều người tự nguyện không nhận chế độ hỗ trợ này để nhường lại cho các đối tượng khác còn khó khăn hơn.

Còn đối với đối tượng kinh doanh, theo báo cáo của các địa phương, đến ngày 31-7, tổng số người/hộ kinh doanh đã xét duyệt qua cấp xã trên địa bàn tỉnh có hơn 21.260 trường hợp, với tổng số tiền đề nghị chi hỗ trợ khoảng 25 tỷ đồng. Trong đó, tổng số người/hộ kinh doanh đã có quyết định chi trả ở cấp huyện là 12.357/người hộ, với tổng số tiền đã chi trả hơn 13 tỷ đồng.

Tháo gỡ khúc mắc, đưa tiền đến đúng đối tượng 

Cần tháo gỡ khúc mắc, đưa gói hỗ trợ đến người dân bị ảnh hưởng do đại dịch -0
Các cơ sở may trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn do dịch Covid-19.  

Giám đốc LĐ, TB&XH Huỳnh Tấn Triều chia sẻ, việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định 15 có những vướng mắc cần được quan tâm tháo gỡ. Trong đó, quy định điều kiện hỗ trợ đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trong doanh nghiệp (DN) phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương. Thời điểm tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương của người lao động kể từ ngày 1-4-2020 và làm việc tại các DN không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương.

Trong khi đó, thực tế, có nhiều DN do ảnh hưởng của dịch bệnh, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động trước thời điểm ngày 1-4-2020; nhiều DN không đáp ứng điều kiện về doanh thu, nguồn tài chính để trả lương theo quy định nên người lao động không được hỗ trợ.

Mặt khác, điều kiện hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động cũng tương tự như quy định trên, nên đến thời điểm hiện nay chưa có DN nào làm thủ tục, hồ sơ để vay vốn trả lương cho người lao động.

Ngoài ra, nhiều nhóm nghề, công việc mang tính đặc thù của địa phương không có trong hướng dẫn; đồng thời việc xác định thu nhập của người lao động, xác định công việc người lao động đi làm việc ngoài địa phương cũng rất khó khăn đã dẫn đến sự không thống nhất về đối tượng, công việc được hỗ trợ giữa các địa phương.

Mới đây, Sở LĐ, TB&XH tỉnh Quảng Nam đã có văn bản kiến nghị Bộ LĐ, TB&XH tham mưu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung điều kiện hỗ trợ người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trong DN phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương, người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động.

Theo đó, đề nghị sửa đổi bổ sung về thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc của người lao động trước thời điểm ngày 1-4-2020; đồng thời sửa đổi điều kiện về doanh thu, nguồn kinh phí trả lương của DN theo hướng doanh thu giảm, nguồn kinh phí của DN không bảo đảm để trả lương cho người lao động.

Đáng lưu ý, gần đây, dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại, gây ảnh hưởng rất lớn hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa phương. Hiện nhiều DN trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khóa khăn do các đối tác ở thị trường: châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… cắt giảm đơn hàng, dẫn đến tình trạng người lao động phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương và ngừng việc. Do vậy, tỉnh Quảng Nam đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kéo dài thời hạn thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NĐ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg; sớm sửa đổi bổ sung về thời điểm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 để tính hỗ trợ và tăng thời gian hỗ trợ cho người lao động, hộ kinh doanh và DN.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ bổ sung nhóm đối tượng hỗ trợ là người lao động làm việc trong các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục. Bởi đây là những người chịu ảnh hưởng đầu tiên từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý và kéo dài cho đến khi nới lỏng giãn cách xã hội. Tuy nhiên, tại Nghị quyết số 42/NQ-CP, những người lao dộng làm việc trong loại hình này không thuộc nhóm hỗ trợ...

“Trước hết, Bộ LĐ, TB&XH sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể nhóm đối tượng hỗ trợ là người lao động không có giao kết, hợp đồng lao động bị mất việc làm như: Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa chỉ cố định, tự làm hoặc làm trong các hộ kinh doanh ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe… để các địa phương có cơ sở thực hiện”, Giám đốc LĐ, TB&XH Quảng Nam Huỳnh Tấn Triều đề nghị.