Cần nhân rộng mô hình lò đốt rác tại gia đình

NDO -

Trong khi việc xử thu gom và xử lý rác thải ở nông thôn miền núi ở Nghệ An còn gặp nhiều khó khăn thì người dân huyện 30a miền núi biên giới Quế Phong đã thực hiện mô hình xử lý rác tại gia đình, trong đó có việc xây lò đốt rác mi-ni. Cách làm này đến nay đã dần đi vào nề nếp và mang lại hiệu quả thiết thực về môi trường và cần được nhân rộng ra nhiều địa phương khác.

Để hạn chế khói phát tán ra môi trường khi đốt, người dân đã phơi rác và tập trung đốt.
Để hạn chế khói phát tán ra môi trường khi đốt, người dân đã phơi rác và tập trung đốt.

Ông Quang Văn Vừng ở bản Na Phày, xã Mường Nọc (Quế Phong) dẫn chúng tôi đi xem “lò” đốt rác thải sinh hoạt của gia đình. Nói là “lò” nhưng thật ra đó chỉ là một hộp cỡ 1,5m3, xây bằng táp-lô, sát đáy có vỉ song sắt phi 8 đan lưới ô vuông để giữ rác, dưới cùng có lỗ để hút không khí khi đốt.

Vừa hướng dẫn “nguyên tắc hoạt động” của lò đốt rác, ông Vừng vừa cho biết: Rác sinh hoạt của gia đình ông cũng như nhiều gia đình trong bản nhiều năm nay đã được phân loại ngay từ đầu.

Các loại rác hữu cơ thì sẽ được chôn lấp ở một vị trí để làm phân cho cây trồng. Rác thải rắn sẽ tiếp tục phân loại, những thứ bán phế liệu được thì cất giữ; loại sành sứ và thủy tinh sẽ được tập trong vào hố ở góc vườn; còn lại được phơi khô mới đem vào lò để đốt. Nhằm giảm thiểu ô nhiễm từ khói, gia đình ông vài tuần mới tập trung lại đốt một lần.

“Do ở địa bàn miền núi, nên từng gia đình ở cách nhau khá xa, nên khói từ lò xử lý rác không ảnh hưởng đến những gia đình xung quanh”. Ông Quang Văn Vừng cho biết thêm.

Qua tìm hiểu được biết, lò đốt mi-ni kiểu này được xây dựng bằng gạch, lò rộng và dài khoảng 1m, thân lò cao 1,5m, dàn thép đỡ rác được đặt cách đáy lò 0,3m; ở bên dưới được thiết kế một cửa đốt và hai cửa hút gió hai bên. Rác thải sau khi phân loại được cho vào lò đốt.

Với quy mô này, có thể đốt rác hàng ngày hoặc nhiều ngày một lần, đáp ứng nhu cầu tiêu hủy rác thải cho từ 5-7 gia đình. Chi phí vật liệu làm mỗi lò đốt khoảng hơn 500 nghìn đồng, khá phù hợp với túi tiền của bà con miền núi nơi đây.

Ông Quang Văn Phương, Chủ tịch UBND xã Mường Nọc cho biết: Năm 2018, lò đốt rác đầu tiên được người dân xây ở bản Tám. Thấy hiệu quả, xã hỗ trợ kinh phí làm thí điểm bốn lò ở bản Cỏ Nông và mời dân bản đến thăm quan. Thông qua các buổi họp bản, cấp ủy, chính quyền, Ban công tác Mặt trận Tổ quốc cùng các chi hội, đoàn thể đã tổ chức tuyên truyền đến người dân trong xã thực hiện các tiêu chí xây dựng gia đình "ba sạch", (sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ) và nhân rộng mô hình xây lò đốt xử lý rác này.

Cùng với đó, các bản đã tổ chức thành lập tổ, nhóm để luân phiên xây lò cho từng hộ. Sau ba năm triển khai, đến nay toàn xã có khoảng 80% số hộ dân đã làm lò đốt xử lý rác. Ban Công tác Mặt trận Tổ quốc bản còn đến từng gia đình để hướng dẫn bà con cách thực hiện phân loại cũng như cách xử lý rác thải...

Đến xã Tiền Phong là xã cửa ngõ của huyện Quế Phong, chúng tôi thấy mọi nẻo đường của các bản đều sạch sẽ, không có tình trạng rác thải vứt bên đường, mương thoát nước...như ở một số nơi khác.

Thậm chí nhiều người còn so sánh, vệ sinh môi trường ở đây còn tốt hơn nhiều xã ở miền xuôi. Để có được kết quả này, nhiều năm nay, cấp ủy, chính quyền xã Tiền Phong ngay từ đầu năm đã xây dựng kế hoạch vệ sinh môi trường trên địa bàn xã, trong đó có nội dung thu gom rác và làm lò đốt rác tại gia đình.

Là hộ được thực hiện thí điểm mô hình xử lý rác thải tại hộ gia đình từ năm 2019, chị Lương Thị Loan ở bản Mường Hin, cho biết, gia đình chị luôn chú trọng đến việc vệ sinh môi trường xung quanh nhà sạch sẽ, thoáng mát.

Trong nhà, chị trang bị ba giỏ đựng rác được phân loại theo các loại rác, như: rác thải nhựa, ni-lông; rác hữu cơ; rác xây dựng, thủy tinh... Đối với rác hữu cơ sẽ được đem đổ vào hố rác để phân hủy thành phân hữu cơ bón cho cây trồng. Rác thải nhựa, ni-lông, kim loại được phân loại bán phế liệu. Các loại rác còn lại được gia đình phơi khô và đốt ở lò mi-ni. Riêng rác thủy tinh, sành sứ được thu gom vào chỗ cố định để không gây tổn hại đến các thành viên trong gia đình.

Chủ tịch UBND xã Tiền Phong Võ Khánh Toàn cho biết: Ngay từ đầu năm, cấp ủy, chính quyền xã đã ban hành “Kế hoạch tuyên truyền và vận động vệ sinh môi trường, xây dựng lò xử lý rác thải tại gia đình” nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân và xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, tránh gây ô nhiễm môi trường trước mắt và lâu dài.

Xã đã vận động 100% nhà dân có các thùng hoặc sọt thu gom rác, phân loại rác, xử lý rác ngay tại nhà, trong đó có đốt rác. Tuyệt đối không vứt rác bừa bãi…Sau thời gian triển khai, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Công tác Mặt trận Tổ quốc và các chi hội, đoàn thể, mô hình đã dần đi vào nề nếp, mang lại hiệu quả cao.

Hiện, trong khu dân cư không còn điểm rác thải bừa bãi; trên 75% số hộ đã xây dựng lò xử lý rác thải tại gia đình. Nhận thức của người dân trong xã về việc bảo vệ môi trường sống ngày càng được nâng cao. Môi trường trong từng bản làng từng bước xanh, sạch, đẹp.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết thêm, trong bối cảnh khu vực xử lý rác tập trung của huyện còn chưa xây dựng xong thì nhiều gia đình trên địa bàn tự thu gom xử lý tại vườn nhà đã góp phần không nhỏ trong việc giữ gìn môi trường ở nông thôn miền núi.

Việc áp dụng mô hình này đơn giản, dễ thực hiện, giải quyết tại chỗ rác thải sinh hoạt của các gia đình, không tốn diện tích và hạn chế gây ô nhiễm môi trường, tạo cho người dân ý thức giữ gìn vệ sinh bản làng sạch, đẹp. Đến nay, nhiều xã trên địa bàn đã làm tốt việc xử lý rác tại chỗ khá hiệu quả, trong đó có việc xây dựng lò đốt rác mi-ni tại vườn.

Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề này, chính quyền địa phương cũng tích cực tuyên truyền đến bà con việc đốt rác cần tập trung đốt một hoặc hai tuần/lần để giảm thiểu khói ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Về lâu dài, UBND huyện đã lựa chọn địa điểm và đang kêu gọi nhà đầu tư vào để xây dựng khu xử lý rác thải sinh hoạt với công nghệ tiên tiến ở xã Tiền Phong.

Thiết nghĩ, mô hình xử lý rác tại hộ, trong đó có xây lò đốt rác mi-ni mà huyện Quế Phòng đang triển khai là khá phù hợp, các địa phương miền núi khác có thể học tập, làm theo.