Các tỉnh phía nam chủ động ứng phó biến đổi khí hậu (Kỳ 1)

Những năm gần đây, những biểu hiện của biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng rõ rệt. Thời tiết thất thường, mưa trái mùa, hạn kéo dài, mặn xâm nhập sâu, đã ảnh hưởng trực tiếp, nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của người dân các tỉnh phía nam - vùng sản xuất cây lúa, cây ăn quả lớn nhất cả nước. Ứng phó với BĐKH một cách hiệu quả, thích nghi với điều kiện thực tế từng vùng, miền, hiện là vấn đề hệ trọng vừa cấp bách, vừa lâu dài…

Người dân thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) góp vốn đào giếng, lắp hệ thống tưới nước tiết kiệm. Ảnh: NGUYỄN TRUNG
Người dân thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) góp vốn đào giếng, lắp hệ thống tưới nước tiết kiệm. Ảnh: NGUYỄN TRUNG

Bài 1 : Hạn, mặn lấn sâu, nông dân khốn đốn

Không còn là khái niệm, BĐKH đã hiện hữu, tác động tới tất cả các vùng, miền, các lĩnh vực về tài nguyên, môi trường và kinh tế - xã hội ở nước ta. Nông dân, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các tỉnh ven biển thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ là đối tượng chịu tác động mạnh nhất.

Chống chọi với nắng hạn

Những năm gần đây, nông dân ở ĐBSCL, các tỉnh ven biển thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ luôn phải “căng mình” chống chọi với nắng hạn, lũ lụt. Tại tỉnh Ninh Thuận, mùa khô năm nay, nắng hạn kéo dài với cường độ gay gắt khiến nông dân khốn đốn bởi hàng loạt cừu của các hộ dân bị chết vì khát. Nhiều chủ trại phải “bán tháo bán đổ” số cừu gầy còm còn lại để tránh thiệt hại nặng hơn và họ đang đối diện với cảnh “trắng tay”. Đến xã Phước Trung, huyện Bác Ái (Ninh Thuận), chúng tôi chứng kiến cảnh ruộng đồng xơ xác vì nắng nóng thiêu đốt, cây cỏ cháy vàng, đất ruộng nứt nẻ, khô khốc...

Anh Trần Công Hòa, thôn Đồng Dày nuôi hơn một nghìn con cừu, đến nay hàng trăm con đã chết. Mỗi ngày, những người chăn cừu phải lùa đàn cừu băng đường rừng khô khốc hơn chục cây số để kiếm thức ăn, nước uống. “Gia đình trồng 2 ha cỏ và thuê máy đào một ao nước gần trang trại, nhưng nắng hạn, nguồn thức ăn chủ động đã hết, nước ao cũng cạn nhiều, số cừu suy yếu ngày càng tăng. Trước đây, giá cừu cái bán ra hơn ba triệu đồng/con, giờ tụt xuống 600 nghìn đồng/con, hầu hết người chăn nuôi đều bị thua lỗ nặng”, anh Hòa than thở.

Do tần suất nắng hạn ngày càng tăng, từ năm 2016 đến nay, Ninh Thuận bị thiệt hại nặng về sản xuất, chăn nuôi… Theo nhận định của Đài khí tượng thủy văn Ninh Thuận, nếu không xuất hiện lũ tiểu mãn vào giữa tháng 6 và hạn kéo dài đến tháng 9 tới thì nhiều vùng sẽ bị hạn gay gắt. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Ninh Thuận, toàn tỉnh có hơn 10 nghìn người đang thiếu nước sinh hoạt, sản xuất và chăn nuôi trầm trọng. Vụ hè thu năm nay, tỉnh có 21.213 ha đất sản xuất, nhưng do thiếu nước tưới, cho nên tạm ngưng sản xuất hơn 6.000 ha. Tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân giảm diện tích trồng lúa, tăng diện tích cây trồng cạn, ít sử dụng nước như: ngô, đậu xanh, sắn, cỏ chăn nuôi, nho, táo và một số cây ăn quả khác.

Trong khi đó, Bình Thuận là tỉnh có lượng mưa trung bình hằng năm thấp so với cả nước. Mùa khô thường kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 5 năm sau, các sông, suối gần như khô kiệt. Tình trạng thiếu nước ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Những năm gần đây, do chịu tác động của hiện tượng El Nino diễn ra hết sức gay gắt, làm cho nền nhiệt độ tăng cao, thiếu hụt lượng mưa là nguyên nhân gây ra hạn hán. Mùa khô năm 2016, lượng nước tích trữ trong các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn còn khoảng 100 triệu m3, chỉ đạt hơn 46% dung tích thiết kế. Mực nước ngầm cũng thiếu hụt nghiêm trọng, các giếng đào, giếng khoan khô cạn, 142.500 người thiếu nước sinh hoạt.

Tại huyện Hàm Tân, người dân phải đi mua nước sinh hoạt với giá 100 nghìn đồng/m3 và mua nước đóng bình để nấu ăn. Trong hai năm 2015 và 2016, Bình Thuận đã chi hơn 187 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và Trung ương để hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại cây trồng và thiếu nước sinh hoạt; chi hơn 14 tỷ đồng thực hiện các công trình cấp bách cấp nước sinh hoạt cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng.

Giám đốc Sở NN và PTNT Bình Thuận Mai Kiều, cho biết: “Vào mùa khô, năm nào địa phương cũng phải cắt giảm diện tích sản xuất. Giai đoạn 2006 - 2010, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do hạn hán là 17.000 ha, tổng giá trị thiệt hại hơn 30,5 tỷ đồng. Riêng vụ đông xuân 2015-2016, tỉnh phải cắt giảm 15.423 ha diện tích gieo trồng, không bố trí sản xuất do không đủ nguồn nước tưới, ảnh hưởng lớn đến việc làm, kinh tế của hơn 200 nghìn hộ. Tổng diện tích bị thiệt hại do hạn hán gây ra là hơn 12.000 ha, trong đó hơn 2.500 ha cây trồng và hơn 9.500 ha thanh long bị khô héo, thiệt hại hơn 380 tỷ đồng.

Còn tại ĐBSCL, nắng hạn và mặn lấn sâu đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân nhiều năm qua. Xâm nhập mặn lấn sâu vào đất liền, khoảng 100 km từ cửa biển vào các nhánh sông chính xảy ra vào năm 2016. Viện Khoa học thủy lợi miền nam nhận định, đây là đợt xâm nhập mặn cực đoan nhất trong vòng 100 năm qua, làm ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của 11 trong số 13 tỉnh ĐBSCL. Đến thời điểm hiện nay, người dân tỉnh Bến Tre vẫn còn ám ảnh về đợt hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra từ cuối năm 2015 kéo dài đến tháng 3-2016, làm mất trắng 17.416 ha lúa, 458 ha hoa màu, 183 ha cây giống, 5.240 ha cây ăn trái, 1.783 ha diện tích nuôi trồng thủy sản…, với tổng thiệt hại ước tính khoảng 1.496 tỷ đồng.

Theo thống kê, đợt nắng hạn kỷ lục năm 2016 gây thiệt hại hơn 15.700 tỷ đồng cho sản xuất nông nghiệp ở Nam Bộ, chưa kể hậu quả nặng nề do xâm nhập mặn đã ngấm vào lòng đất, khó có thể khắc phục trong thời gian ngắn.

Tăng cường các công trình ngăn mặn, trữ ngọt

Công trình ngăn mặn, trữ ngọt để điều tiết mặn - ngọt phục vụ sản xuất của từng địa phương là rất cần thiết, cấp bách. Tuy nhiên, do đầu tư chưa đồng bộ, quy hoạch thiếu tầm nhìn cho nên đã xảy ra tranh chấp giữa các địa phương. Cụ thể, tại vùng giáp ranh huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) và thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng), hằng năm, đến mùa khô, xâm nhập mặn lấn sâu thì hai địa phương này luôn xảy ra tình trạng tranh chấp mặn - ngọt. Bạc Liêu cần nước mặn để phục vụ cho việc sản xuất khoảng 23.000 ha tôm - lúa và 2.000 ha chuyên canh tôm nước lợ, trong khi Sóc Trăng cần nước ngọt để phục vụ cho việc sản xuất khoảng 18.700 ha lúa thơm ST chất lượng cao.

Vào mùa hạn, nếu Bạc Liêu mở cửa cống lấy nước mặn vào nuôi tôm, thì dòng nước mặn theo kênh Quản Lộ Phụng Hiệp đẩy thẳng lên thị xã Ngã Năm, xâm nhập vào đồng ruộng, làm ảnh hưởng đến năng suất cây lúa. Năm 2015 - 2016, xảy ra tranh chấp gay gắt nhất, khi Bạc Liêu điều tiết nước mặn, làm nước mặn theo kênh Quản Lộ Phụng Hiệp lấn sâu vào địa phận thị xã Ngã Năm và huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) làm gần 18.000 ha lúa của thị xã Ngã Năm bị ảnh hưởng nặng.

Nông dân Huỳnh Văn Phó, ở ấp Chủ Chọt, xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) canh tác 4 ha tôm - lúa nói: “Ở đây mô hình tôm - lúa không gì thay thế được. Năm nào nước mặn về nhiều, nuôi tôm đạt hiệu quả cao, thu lãi 200 triệu đồng. Kết thúc vụ tôm, đến mùa mưa trồng lúa đặc sản thu thêm khoảng 100 triệu đồng lãi. Nếu nước mặn, ngọt về đúng quy luật là nông dân ở huyện Hồng Dân sản xuất tôm - lúa đều giàu hết. Nông dân nuôi tôm thì cần nước mặn, còn người trồng lúa giáp ranh địa phương chúng tôi cần nước ngọt. Hiện chưa có sự phối hợp điều tiết nguồn nước giữa vùng nuôi tôm Bạc Liêu với vùng chuyên trồng lúa Sóc Trăng. Do đó, rất cần Bộ NN - PTNT sớm thi công cống điều tiết mặn - ngọt trên kênh Quản Lộ Phụng Hiệp”.

Tình hình xâm nhập mặn trên các sông Cái Lớn, sông Cái Bé cũng đang làm ảnh hưởng đến gần một triệu héc-ta của nông dân ba tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang và Bạc Liêu. Mỗi khi đến mùa hạn, các địa phương này phải tốn hàng chục tỷ đồng đắp hàng trăm con đập tạm dọc hai bên sông để bảo vệ lúa, mía, khóm và nước sinh hoạt phục vụ dân sinh. Mùa khô năm nay, nước mặn từ sông Cái Lớn, sông Cái Bé xâm nhập sâu vào đất liền về đến địa phận tỉnh Hậu Giang khoảng 40 đến 50 km với độ mặn 2,7‰ đã xuất hiện tại cống Ba Cô, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ. Để sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, ba địa phương nói trên kiến nghị sớm thực hiện dự án xây dựng cống điều tiết mặn - ngọt để chuyển đổi sản xuất nông nghiệp.

“Cống điều tiết mặn - ngọt trên sông Cái Lớn, sông Cái Bé nếu được xây dựng thì Hậu Giang không còn sợ tình trạng mặn cực đoan như hồi năm 2016. Không chỉ Hậu Giang mà các địa phương khác cũng rất cần vì cống điều tiết mặn - ngọt này không được triển khai thì hằng năm vẫn phải chi ngân sách lớn để đắp đập tạm bảo vệ sản xuất nông nghiệp”, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi Hậu Giang Trần Thanh Toàn nói.

Theo Viện Quy hoạch thủy lợi miền nam, hàng chục năm trước đây, việc phát triển công trình thủy lợi chủ yếu phục vụ cho cây lúa. Trong bối cảnh BĐKH như hiện nay, rất cần các công trình thủy lợi đa mục tiêu, nhất là yêu cầu sử dụng nước cho thủy sản nước mặn, lợ. Song, công tác quy hoạch nhìn chung còn hạn chế trong việc lồng ghép, phối hợp giữa các ngành. Trong khi đó, theo Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), ở ĐBSCL, hơn 90% lượng dòng chảy bình quân năm được sản sinh từ nước ngoài.

Hiện nay, trên thượng nguồn sông Mê Công đã hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình thủy điện, gây tác động đáng kể lên cả chế độ dòng chảy, chế độ phù sa, bùn cát về phía hạ du. Trước kia, khi chưa có các công trình thủy điện này, tổng lượng phù sa đến vùng hạ lưu sông Mê Công khoảng 85 triệu tấn/năm (cả phù sa lơ lửng và bùn cát đáy). Tuy nhiên, cho đến nay, theo tính toán sử dụng mô hình phù sa bùn cát, tổng lượng phù sa đã sụt giảm mạnh, chỉ còn 10,4 triệu tấn/năm, tức giảm 78%.

(Còn nữa)

Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH của Chính phủ ngày 17-11-2017 chỉ rõ: BĐKH và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn với dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân… Trong khi đó, công tác quản lý Nhà nước trong một số lĩnh vực, phân cấp giữa địa phương và Trung ương còn chồng chéo, thiếu sự phối hợp chặt chẽ; các cơ chế điều phối phát triển vùng ĐBSCL chưa phát huy tác dụng; quy hoạch kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương chưa đồng bộ, tính khả thi chưa cao, thiếu tính liên kết vùng, chưa gắn kết chặt chẽ với TP Hồ Chí Minh, Vùng kinh tế trọng điểm phía nam và Tiểu vùng sông Mê Công. Việc huy động, sử dụng nguồn lực cho đầu tư phát triển còn hạn chế…