Các tỉnh phía bắc chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới

Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, tối 17-8, áp thấp nhiệt đới (ATNÐ) đã đi vào vùng biển Ðông Bắc của Bắc Biển Ðông. Hồi 19 giờ, vị trí tâm ATNÐ ở vào khoảng 19,5 độ vĩ bắc; 119,6 độ kinh đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNÐ mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Dự báo ATNÐ di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 15 đến 20 km và có khả năng mạnh thêm. Ðến 19 giờ hôm nay (18-8), vị trí tâm ATNÐ ở khoảng 20,4 độ vĩ bắc; 115,5 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 520 km về phía đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNÐ mạnh cấp 7, giật cấp 9. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, ATNÐ di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 15 đến 20 km và có khả năng mạnh lên thành bão. Ðến 19 giờ ngày 19-8, vị trí tâm bão ở khoảng 21,1 độ vĩ bắc; 111,3 độ kinh đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 100 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.

* Ngày 17-8, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai ( PCTT) - Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) có Công điện số 08/CÐ-TWPCTT gửi Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và các đơn vị liên quan về việc ứng phó ATNÐ trên Biển Ðông. Theo đó, các đơn vị phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNÐ, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNÐ để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền...

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, ngày 18-8 trên các sông, suối khu vực thượng lưu sông Hồng - Thái Bình sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 3 đến 5 m, hạ lưu từ 2 đến 3 m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên thượng lưu sông Thao, sông Lô có khả năng lên mức báo động 2 và hơn báo động 2, thượng lưu sông Chảy và các sông suối nhỏ lên mức báo động 2 đến báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở nhiều tỉnh miền núi khu vực Bắc Bộ, nhất là các tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng; ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, các khu đô thị, các tỉnh và thành phố như: Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Lai Châu, Quảng Ninh.

* Ngày 17-8, Ðồn Biên phòng Nậm Chẩy (Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai) cho biết, trận mưa to đêm 16, rạng sáng 17-8 làm sạt lở tuyến đường vào thôn Lao Chải, xã Nậm Chẩy, huyện Mường Khương. Một tảng đá to khoảng 20 m3, cùng với đất từ trên núi sạt xuống, lấp hết đường đi vào thôn, ảnh hưởng trực tiếp đến việc đi lại của hơn 30 hộ dân sinh sống tại thôn cũng như giao thông trong khu vực này. Cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Nậm Chẩy đã huy động lực lượng đến nạo vét bùn đất để bà con lấy đường đi lại tạm thời.

* Theo Văn phòng Ban Chỉ đạo PCTT và TKCN tỉnh Quảng Ninh, từ đêm 16-8 đến 5 giờ ngày 17-8, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra mưa lớn diện rộng gây ngập lụt, thiệt hại tại nhiều địa phương. Tại TP Hạ Long, mưa lớn gây sạt lở khiến hai người bị thương, 15 khu dân cư bị ngập úng cục bộ. Tại huyện Hải Hà, mưa lớn gây ngập úng cục bộ hơn 10 ha diện tích lúa và hoa màu tại các xã Ðường Hoa, Quảng Thịnh, Quảng Sơn, Quảng Thành, Quảng Phong và Quảng Long. Ðồng thời, gây sạt lở tại một số điểm trên quốc lộ 18A đoạn qua xã Quảng Long... Hiện lực lượng chức năng đang nỗ lực giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai.

* Ngày 17-8, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) ghi nhận có năm trận động đất xảy ra trong ngày tại huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La), trong đó, trận có độ lớn (M) lớn nhất là 4.3, cấp độ rủi ro thiên tai tại khu vực tâm chấn là 1. Theo Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, đây là các trận dư chấn của trận động đất có độ lớn 5.3 xảy ra ngày 27-7 vừa qua tại huyện Mộc Châu. Các trận dư chấn này nằm trong dự báo của các nhà chuyên môn, sau khi các trận động đất lớn xảy ra (có thể sau vài tháng), thường có các trận dư chấn, với độ lớn suy giảm dần và không gây ảnh hưởng nhiều. Huyện ủy Mộc Châu cho biết, năm trận dư chấn không gây thiệt lớn, chỉ có một số công trình bị nứt nhỏ. Hiện, huyện đang chỉ đạo các xã, bản trên địa bàn rà soát cụ thể.

* Vào lúc 1 giờ ngày 17-8, tàu QNa-90909 TS do anh Huỳnh Văn Thuật (sinh năm 1977, trú tại xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) làm thuyền trưởng, đang hành nghề giã cào tại vị trí cách Cù Lao Chàm khoảng 12 hải lý về hướng đông bắc thì gặp lốc, dông gây phá nước và bị chìm. Rất may bốn ngư dân trên tàu đã được tàu cá hoạt động gần đó cứu nạn. Do nước sâu, thời tiết xấu cho nên đến chiều 17-8, tàu QNa-90909 TS vẫn chưa được trục vớt.

Trước đó, vào lúc 10 giờ ngày 16-8, tàu QNa - 92151 TS do ông Nguyễn Nhất ở phường Thanh Hà, TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) làm thuyền trưởng, đang hành nghề lưới rê tại vị trí cách bờ biển Cửa Ðại khoảng 132 hải lý về hướng đông thì bị hỏng máy, thả trôi tự do và phát thông tin cấp cứu. Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam đã liên lạc với các tàu cá đang hoạt động đánh bắt gần nơi tàu QNa-92151 TS gặp sự cố đến ứng cứu và lai dắt tàu vào bờ.

* Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Sơn La, đến chiều 17-8 trên địa bàn tỉnh có 11 vị trí tại các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ bị sạt lở, ách tắc. Trong đó, trên các tuyến quốc lộ có sáu vị trí bị sạt lở ta-luy, đất đá và sa bồi (quốc lộ 12 có hai vị trí thuộc địa phận xã Yên Hưng và xã Chiềng En, huyện Sông Mã; quốc lộ 37 có bốn vị trí, thuộc địa phận các xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên và xã Nà Ớt, huyện Mai Sơn). Ðến 18 giờ ngày 17-8, ngành giao thông vận tải tỉnh Sơn La đã khắc phục, bảo đảm giao thông chín vị trí, còn hai vị trí gồm cầu tràn xã Chiềng En, huyện Sông Mã và cầu tràn xã Yên Hạ, huyện Phù Yên nước vẫn ngập sâu, hạn chế các phương tiện qua lại.

Hà Nội mưa lớn, nhiều tuyến đường ngập sâu

Từ khoảng 16 giờ đến 17 giờ 30 phút ngày 17-8, trên địa bàn TP Hà Nội xuất hiện mưa lớn. Lượng mưa đo được tại phố Nguyễn Hữu Huân (quận Hoàn Kiếm) là hơn 96 mm; phố Vân Hồ 3 (quận Hai Bà Trưng) hơn 91 mm; khu vực Trấn Vũ (quận Ba Ðình) hơn 87 mm; xã Hải Bối (huyện Ðông Anh) hơn 108 mm... Mưa lớn tập trung trong giờ cao điểm đã khiến nhiều khu vực như ngã tư Lý Thường Kiệt - Phan Bội Châu, phố Nguyễn Khuyến, Thụy Khuê, Minh Khai - Mạc Thị Bưởi, Cao Bá Quát ngập sâu từ 20 đến 40 cm; giao thông ùn tắc kéo dài. Công ty Thoát nước Hà Nội đã chủ động bố trí lực lượng vớt rác tại các miệng thu nước, khơi thông dòng chảy; phối hợp lực lượng chức năng cảnh báo, hướng dẫn phương tiện giao thông, mở các cửa cống giúp nước tiêu thoát nhanh.