Các tỉnh miền trung sơ tán dân để ứng phó bão số 6

NDO -

NDĐT - Song song với việc giúp người dân chằng chống nhà cửa, trong ngày 10-11, chính quyền các địa phương Quảng Ngãi, nhất là các xã ven biển và huyện đảo Lý Sơn đã huy động lực lượng nỗ lực trong việc sơ tán người dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.

Các lực lượng chức năng giúp người già ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ sơ tán tránh bão số 6.
Các lực lượng chức năng giúp người già ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ sơ tán tránh bão số 6.

Mặc trời mưa nặng hạt, gió rít từng cơn, áo quần ướt sũng, các chiến sĩ bộ đội biên phòng cùng lực lượng dân quân xã vẫn lăn xả giúp người dân thôn Sơn Trà, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn chằng chống nhà cửa, chặt cây xanh và hỗ trợ các gia đình neo đơn, người già ở vùng nguy hiểm đi sơ tán tránh trú bão số 6. Chủ tịch UBND xã Bình Đông Nguyễn Thanh Vũ cho biết, trong sáng 10-11, toàn xã đã sơ tán xen ghép 500 hộ dân nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của bão, lũ.

Các tỉnh miền trung sơ tán dân để ứng phó bão số 6 ảnh 1

Giúp dân thôn Sơn Trà, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn chằng chống nhà cửa.

Tại bờ kè xóm Khê Tân, thôn Cổ Lũy xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi, khu vực nhiều năm liền bị triều cường tấn công làm sụp đổ hàng chục ngôi nhà của người dân, những con sóng dữ liên tiếp ập vào tuyến đê đang được triển khai thi công theo lệnh khẩn cấp của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi. Bà Trần Thị Reo ở xóm Khê Tân chia sẻ: Cứ mỗi mùa mưa, bão nhiều gia đình nơi đây sống trong cảnh nơm nớp lo âu. Giờ có kè cũng yên tâm nhưng nghe nói bão số 6 gió rất mạnh, triều cường dâng cao cho nên sau khi được chính quyền vận động nhiều gia đình đã sơ tán để bảo đảm an toàn tính mạng.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi Võ Quang, không chỉ ở khu vực kè xóm Khê Tân, chính quyền TP Quảng Ngãi còn tiến hành di dời 600 hộ dân với 2.500 khẩu thuộc các xã Tịnh Khê, Tịnh Kỳ và Nghĩa An. Trong khi đó, tại huyện Mộ Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Phạm Ngọc Lân cho biết, toàn huyện di dời 1.700 hộ với hơn 6.400 khẩu, chủ yếu ở các xã ven biển.

Các tỉnh miền trung sơ tán dân để ứng phó bão số 6 ảnh 2

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính (người đội mũ trắng) kiểm tra công tác ứng phó bão số 6 tại vùng xung yếu Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ.

Vượt hơn 40 km trong mưa gió tầm tã, khi phóng viên Báo Nhân Dân điện tử đến khu vực kè thôn Thạch By, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ cũng là lúc lực lượng bộ đội biên phòng và dân quân xã đang đến từng hộ gia đình vận động người dân đi sơ tán.

Các tỉnh miền trung sơ tán dân để ứng phó bão số 6 ảnh 3

Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ Trần Phước Hiền động viên người dân sơ tán đến nơi an toàn.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh Vũ Minh Tâm cho biết, nằm tiếp giáp với tỉnh Bình Định cho nên xã Phổ Thạnh là địa phương được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão. Vì vậy, ngay từ sáng sớm, chính quyền xã phối hợp với các lực lượng vận động, sơ tán 140 hộ với 440 khẩu ở vùng nguy hiểm. Trong đó, chủ yếu sơ tán các hộ dân ở xen ghép chung với nhà người thân có nhà kiên cố. Riêng những người già, neo đơn được chuyển đến ở tạm tại trường học.

Các tỉnh miền trung sơ tán dân để ứng phó bão số 6 ảnh 4

Lực lượng dân quân giúp dân vận chuyển tài sản lên nơi cao ráo.

Cũng trong ngày 10-11, sau khi kiểm tra thực tế tại nhiều địa phương ven biển của tỉnh Quảng Ngãi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính cho biết, đến chiều 10-11, việc sơ tán khoảng 10 nghìn hộ dân vùng ven biển trong tỉnh để tránh trú bão số 6 đã hoàn thành.

Các tỉnh miền trung sơ tán dân để ứng phó bão số 6 ảnh 5

Chiều 10-11, nhiều vùng ven biển tỉnh Quảng Ngãi đã có sóng to, gió lớn.

“Trong những ngày qua, các cấp chính quyền ở tỉnh Quảng Ngãi đã huy động nguồn lực và nhân lực ứng phó với bão số 6. Tất cả ở những vùng xung yếu đều có lực lượng ứng trực, trong đó có sự trợ giúp rất lớn của lực lượng bộ đội, công an tham gia chằng chống nhà cửa, sơ tán người dân”, đồng chí Nguyễn Tăng Bính cho biết.

* Cả ngày hôm nay, 10-11, trên địa bàn tỉnh Phú Yên mưa rất to và từ chiều nay gió đã bắt đầu mạnh dần lên. Mọi công tác nỗ lực phòng chống bão số 6 đang rất gấp rút, khẩn trương.

Các tỉnh miền trung sơ tán dân để ứng phó bão số 6 ảnh 6

Người dân xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) phát dọn cây xanh, buộc lại dây điện băng qua đường tránh bão đổ sập nguy hiểm.

Từ sáng sớm 10-11, từ miền biển đến miền núi của tỉnh Phú Yên tiếp tục công tác chuẩn bị phòng chống bão số 6. Thị xã Sông Cầu vẫn được xem là vùng xung yếu sẽ bị ảnh hưởng lớn của bão. Tại Sông Cầu có hai khu vực nuôi trồng thủy sản nhiều nhất cả tỉnh là Vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông. Với hơn 3.000 hộ thả nuôi trên 2.000 bè nổi, trong đó có 70 nghìn lồng tôm hùm thịt, 23.800 lồng tôm hùm ươm và gần 6.000 lồng cá biển. Trong cơn bão số 5 vừa qua đã gây thiệt hại cho bà con hàng chục tỷ đồng. Dự báo bão số 6 sẽ mạnh hơn, do vậy mọi người đang nỗ lực chằng chống, gia cố lồng bè và mở thả lồng nuôi sát đáy nước để tránh sóng gió. Ông Phan Sông Thu, ở thôn Hòa Phú, xã Xuân Hòa, thị xã Sông Cầu cho biết: “Sáng nay, trời mưa đã mưa to, nhưng tài sản dưới nước còn 2.000 con cá gần thu hoạch, gia đình chúng tôi phải cố gắn giữ. Nhưng theo lệnh của thị xã, chúng tôi phải rời khỏi lồng bè trước 12 giờ trưa hôm nay để bảo đảm an toàn tính mạng”.

Các tỉnh miền trung sơ tán dân để ứng phó bão số 6 ảnh 7

Đoàn công tác của Bộ NN - PTNT kiểm tra công tác phòng, chống bão số 6 tại Phú Yên.

Trao đổi với chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu Đào Mỹ, được biết cả thị xã hai ngày qua đặt trong tình trạng báo động đỏ. Lệnh cấm biển, phương án sơ tán người dân ra khỏi khu vực triều cường và khu vực nuôi trồng thủy sản đã được thực hiện nghiêm túc. “Theo báo cáo từ cơ sở, đến 11 giờ trưa nay, toàn bộ 3.000 hộ dân trên các lồng bè đã vào bờ; toàn bộ hộ dân ven các vùng trọng điểm bị triều cường uy hiếp như: thôn Hòa An, xã Xuân Hòa; thôn 1, xã Xuân Hải đã được di dời đến nơi ở an toàn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải cắt cử lực lượng kiểm tra, kiên quyết không cho bất cứ trường hợp nào quay trở lại lồng bè trong đêm nay”, ông Đào Mỹ khẳng định.

Cũng trong sáng nay, Đồn Biên phòng Xuân Hòa, Bộ Đội Biên phòng Phú Yên tiếp tục đưa lực lượng xuống các địa bàn xung yếu, cùng với các lực lượng địa phương di dời nhân dân tránh bão; đồng thời tổ chức bố trí, sắp sếp chỗ ở cho nhân dân tránh bão ngay tại đồn. Tính đến 15 giờ chiều nay, trên địa bàn Đồn Biên phòng Xuân Hòa phụ trách, 293 hộ dân/1.144 nhân khẩu đã được di dời đến nơi tránh bão an toàn.

Thiếu tá Dương Đức Tứ Hải, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Xuân Hòa cho biết, tính tới thời điểm 12 giờ trưa 10-11, đã có 143/ 465 nhân khẩu thuộc thôn Hòa An, xã Xuân Hòa, thị xã Sông Cầu, nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 6 và triều cường đã được di dời về Đồn Biên phòng Xuân Hòa để tránh bão. “Chúng tôi đã tổ chức bố trí nơi nghỉ an toàn tại đơn vị, đồng thời khám bệnh, chăm sóc sực khỏe cho những người ốm đau, ngoài ra đơn vị còn phối hợp địa phương bảo đảm lương thực, nước uống cho nhân dân trong thời gian này”, Thiếu tá Dương Đức Tứ Hải tâm sự.

Ông Lê Văn Điểu, thông Hòa An, xã Xuân Hòa, thị Sông Cầu cho biết, khu vực nhà ở của bà con nằm ngay ngọn sóng, nhiều ngày qua đã bị triều cường xâm thực, khả năng đêm nay bão vào sẽ không an toàn. “Chúng tôi được cán bộ chiến sĩ biên phòng hỗ trợ sơ tán, có nơi ăn chốn ở tránh trú bão rất an toàn...”. Ngoài ra, lực lượng bộ đội biên phòng địa phương cũng tích cực phối hợp các lực lượng địa phương kêu gọi, cưỡng chế hơn 3.000 hộ dân nuôi trồng thủy sản trên các vùng nuôi trồng thủy hải sản ven biển thị xã Sông Cầu vào đất liền tránh bão và cương quyết xử lý nghiêm các trường hợp người dân cố tình không di dời.

Huyện Đồng Hòa cũng là địa phương xung yếu, sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp khi bão vào. Ông Võ Đình Tiến, Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa cho biết: Hiện nay, tại Vũng Rô, số hộ nuôi thủy sản bằng lồng bè là 283 hộ/294 bè nuôi với 13.713 ô lồng. Đây là những hộ và lồng bè sẽ ảnh hưởng trực tiếp khi bão số 6 đổ bộ vào. Vì vậy, huyện đã nghiêm túc thực hiện đúng theo Công điện của Chủ tịch UBND tỉnh. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) huyện đã triển khai các phương án di dời, bảo đảm an toàn tính mạng tài sản cho bà con trước 12 giờ ngày 10-11. Huyện thành lập hai đoàn công tác trực tiếp đi kiểm tra tại các khu vực xung yếu có nguy cơ triều cường và vùng nuôi thủy sản. Trong trường hợp, phát hiện còn đối tượng nào trốn tránh tại lồng bè trước khi bão vào, huyện sẽ cưỡng chế và áp tải vào bờ trước 14 giờ ngày 10-11.

Các tỉnh miền trung sơ tán dân để ứng phó bão số 6 ảnh 8

Lực lượng quân y biên phòng thăm khám, chăm sóc sức khỏe cho người dân xã Xuân Hòa, thị xã Sông Cầu tránh trú bão tại đơn vị Đồn Biên phòng Xuân Hòa.

Trong lúc các huyện ven biển đang sơ tán tránh triều cường, sóng biển, thì tại ba huyện miền núi của Phú Yên là Đồng Xuân, Sơn Hòa và Sông Hinh cũng gấp rút sơ tán dân chạy lũ. Tại huyện Đồng Xuân, nằm ở hạ lưu sông Kỳ Lộ, có nhiều vùng xung yếu, trũng thấp thường xuyên bị ngập nước, huyện đã huy động bốn ca-nô, 663 áo phao với các phương tiện trang thiết bị khác để bảo đảm công tác ứng phó, phòng chống bão số 6. Lực lượng tham gia phòng chống bão số 6 trên toàn huyện là 1.036 người. Đến trưa 10-11, các địa phương tổ chức di dời dân được 149 hộ với 418 khẩu và gia súc gia cầm đến nơi an toàn. Ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết, huyện chỉ đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng phối hợp Công an huyện và các Đội quản lý đường bộ ứng trực tại những đoạn đường thường bị ngập nước là: cầu đường bộ La Hai cũ, đoạn cổng chào khu phố Long An, thị trấn La Hai; đoạn cầu tràn Phước Lộc, xã Xuân Quang 3 và tuyến đường trũng thấp đi qua các xã Xuân Quang 1 và Phú Mỡ, nghiêm cấm các loại xe và người không qua lại.

Để chủ động triển khai ứng phó bão số 6 và tình hình mưa lũ sau bão, triều cường, sạt lở đất kịp thời hiệu quả, ngày 10-11, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục ban hành công điện yêu cầu các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể và UBND các huyện, thị xã, thành phố, nhân dân nghiêm túc triển khai thực hiện. Yêu cầu các huyện, thị xã và thành phố ven biển tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc ra khơi và hoạt động của tàu thuyền; tập trung rà soát, kiểm đếm các phương tiện, tàu thuyền, thông tin kịp thời và hướng dẫn các phương tiện còn hoạt động trên biển di chuyển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm về nơi tránh trú an toàn. Hướng dẫn, kiểm tra tổ chức sắp xếp, neo đậu tàu thuyền chắc chắn, tránh va đập, bừa neo, trôi dạt để hạn chế thiệt hại tại nơi neo đậu. Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm lệnh cấm biển của UBND tỉnh. Đồng thời, chủ động sơ tán người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, vùng ven biển, cửa sông… Rà soát phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng sơ tán khẩn cấp dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu, nhất là tại khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở do nước dâng cao, sóng lớn, trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản trên biển và ven biển (kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm khi bão đổ bộ vào); tổ chức di dời trước 12 giờ ngày 10-11.

Các tỉnh miền trung sơ tán dân để ứng phó bão số 6 ảnh 9

Ngư dân phường 6 về tránh trú tại Đại đội thông tin 18, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên.

Trong hôm nay, các đoàn công tác của Trung ương và của tỉnh Phú Yên cũng đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác chuẩn bị tại các địa phương xung yếu. Chiều nay, sau khi đi kiểm tra tại một số địa bàn, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp đã làm việc với Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh Phú Yên. Thứ trưởng NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý: “Riêng đối với ngư dân trên lồng bè, tàu thuyền, thường bà con thấy bão giảm là ra ngay vì tiếc của, nên lực lượng chức năng cần phải kiểm soát. Dứt khoát bão tan mới cho bà con ra kiểm tra. Đối với vùng hạ lưu sông Ba, phải đề phòng mưa cục bộ để xả lũ theo kịch bản. Theo dự báo, trọng tâm bão sẽ là Phú Yên nên không được chủ quan và theo dõi kỹ diễn biến. Tiếp tục rà soát, chằng chống kỹ nhà cửa, lồng bè, tàu thuyền để tránh thiệt hại như bão số 5.

Đồng chí Phạm Đại Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cùng đoàn công tác của tỉnh đi kiểm tra tình hình phòng, chống bão, di dời lồng bè tại khu vực Vũng Rô, Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa và vùng bị triều cường xã An Chấn, huyện Tuy An. Sau khi nghe báo cáo, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, lãnh đạo các địa phương ven biển phải phân công các thành viên xuống các địa bàn xung yếu; phối hợp lực lượng biên phòng, kiểm ngư kiên quyết sơ tán dân từ các khu vực nuôi trồng thủy sản vào bờ an toàn. Nếu trường hợp nào cố tình trốn tránh, huyện kiên quyết cưỡng chế đưa vào bờ, không được để một trường hợp nào ở trên lồng bè khi bão số 6 đổ bộ vào.