Các địa phương ven biển chủ động ứng phó bão Bailu

Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, hồi 13 giờ ngày 24-8, vị trí tâm bão Bailu ở vào khoảng 22,3 độ vĩ bắc; 120,5 độ kinh đông, ngay trên khu vực phía nam Ðài Loan (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90 đến 100 km/giờ), giật cấp 12.

Cây mía trồng ở vùng gò đồi, xã Xuân Sơn Bắc, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) bị khô héo do nắng hạn kéo dài.
Cây mía trồng ở vùng gò đồi, xã Xuân Sơn Bắc, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) bị khô héo do nắng hạn kéo dài.

Dự báo bão di chuyển theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 km, đi vào đất liền các tỉnh Phúc Kiến, Quảng Ðông (Trung Quốc). Ðến 13 giờ ngày hôm nay (25-8), vị trí tâm bão ở khoảng 24,8 độ vĩ bắc; 115,2 độ kinh đông, trên đất liền các tỉnh Phúc Kiến, Quảng Ðông, Giang Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 đến 75 km/giờ), giật cấp 10. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 đến 20 km, đi sâu vào đất liền Trung Quốc và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp.

* Ngày 24-8, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai ban hành Thông báo số 401/T.Ư PCTT - VP gửi Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Ðịnh. Theo đó, để chủ động ứng phó trong tình huống bão có thể thay đổi hướng và ảnh hưởng tới vùng biển nước ta trong những ngày tới, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương nêu trên thường xuyên theo dõi diễn biến của bão để kịp thời thông báo cho tàu, thuyền đang hoạt động trên biển chủ động các biện pháp phòng tránh; duy trì thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra…

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, ngày 24-8, một số nơi thuộc các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi rất to. Lượng mưa đo được từ 9 đến 12 giờ cùng ngày tại Hương Trạch (Hà Tĩnh) là 15 mm; Troóc, Ba Ðồn, Phúc Trạch, Sơn Trạch (Quảng Bình) từ 18 đến 99 mm…

Chiều 24-8, các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình vẫn tiếp tục có mưa vừa, mưa to với tổng lượng mưa phổ biến từ 30 đến 60mm, có nơi hơn 80mm. Lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ có nguy cơ xảy ra tại một số nơi thuộc các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, nhất là tại các huyện Hương Khê, Kỳ Anh (Hà Tĩnh); Bố Trạch (Quảng Bình). Từ hôm nay (25-8) đến ngày 27-8, khu vực Bắc Bộ có mưa dông vài nơi, ngày trời nắng, nhiệt độ cao nhất phổ biến 32 đến 35oC, có nơi hơn 35oC, riêng từ đêm 26-8 đến đêm 27-8 nhiệt độ giảm, phổ biến 31 đến 33 oC do mưa dông, kèm gió giật mạnh. Vùng núi có nguy cơ sạt lở đất do đã mưa nhiều ngày. Khu vực Trung Bộ có mưa rào và dông, riêng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế có mưa to, có nơi mưa rất to. Từ ngày 26 đến 30-8, mưa dông xuất hiện chủ yếu vào chiều tối. Nhiệt độ phổ biến 32 đến 35oC. Các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa tiếp tục tình trạng thiếu nước, khô hạn, xâm nhập mặn, nhất là từ Quảng Nam đến Phú Yên.

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, từ cuối tháng 8 đến tháng 9, trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Bình và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện một đến hai đợt lũ; các sông ở Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế xuất hiện một đến hai đợt lũ dao động. Lượng dòng chảy trên phần lớn các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 15 đến 50%; riêng mực nước các sông ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Ðịnh, Phú Yên thấp hơn khoảng 70%.

* Theo nhận định của Ðài Khí tượng - Thủy văn tỉnh Quảng Trị, mùa mưa năm 2019, khu vực Quảng Trị có khả năng bắt đầu sớm hơn trung bình nhiều năm (TBNN). Lượng mưa vùng đồng bằng có khả năng ở mức thấp hơn TBNN từ 15 đến 30%, vùng núi ở mức xấp xỉ TBNN. Trên các sông ở Quảng Trị có khả năng xuất hiện bốn đến năm đợt lũ, đỉnh lũ đạt từ báo động 3 đến hơn báo động 3 và ở mức cao hơn đỉnh lũ TBNN. Thời kỳ xuất hiện đỉnh lũ lớn nhất năm vào khoảng cuối tháng 9 đến cuối tháng 10.

* Sáng 24-8, Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh và Hội đồng hương Thanh Hóa ở huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã đến thăm hỏi, trao quà tặng các hộ gia đình bị thiệt hại do mưa lũ ở huyện Quan Sơn 40 triệu đồng và 14 thùng quà; huyện Bá Thước và Quan Hóa mỗi đơn vị 10 suất quà trị giá 10 triệu đồng.

* Tại Nghệ An, đến ngày 23-8, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 3.065 hộ, 545 xóm, 167 xã, 18 huyện, thị xã, thành phố. Tổng số lợn đã tiêu hủy 13.383 con, tổng trọng lượng 614.768 kg. Ðược biết, số lợn đã tiêu hủy chiếm gần 1,5% tổng đàn lợn của tỉnh.

* Tại Hà Tĩnh, những ngày qua ngư dân các xã Kỳ Phú, Kỳ Khang, Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh) ra khơi đánh bắt thủy hải sản và trúng đậm luồng cá bạc má. Nhiều thuyền mỗi ngày đánh bắt được 0,5 đến 1,5 tấn cá, thu lãi hàng chục triệu đồng. Ðược biết, thương lái đến tận bãi biển thu mua cá bạc má với giá 25 nghìn đồng/kg.

* Chiều 24-8, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam cho biết, tàu SAR 412 của trung tâm đã kịp thời cứu nạn và đưa một ngư dân bị tai nạn, hôn mê trên vùng biển phía nam quần đảo Hoàng Sa về cảng Quy Nhơn (Bình Ðịnh) an toàn. Nhờ được cấp cứu kịp thời, tình trạng sức khỏe của nạn nhân đã qua cơn nguy kịch và ngư dân tiếp tục được đưa vào bệnh viện địa phương để chữa trị. Trước đó, vào hồi 19 giờ ngày 22-8, tàu cá QNg 97252 TS trong lúc đang hành nghề tại khu vực biển phía nam quần đảo Hoàng Sa, thì ngư dân Trần Ngọc Hợi (25 tuổi) đang làm việc trên tàu bị tai nạn lao động, đứt gân chân không cầm được máu, khiến nạn nhân sốt cao, co giật và hôn mê, bất tỉnh. Trước tình thế khẩn cấp, thuyền trưởng tàu QNg 97252 TS đã liên lạc yêu cầu Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam cứu nạn khẩn cấp.

Ðà Nẵng tập trung khôi phục cấp nước sinh hoạt

Trước tình hình thiếu nước sạch tại TP Ðà Nẵng thời gian qua, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân chủ yếu là do nguồn nước thô tại sông Cầu Ðỏ bị nhiễm mặn. Diễn biến độ mặn và thời tiết trong thời gian tới còn phức tạp, UBND thành phố Ðà Nẵng yêu cầu Sở Xây dựng, Công ty CP Cấp nước Ðà Nẵng (Dawaco) và các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình cấp nước, chủ động theo dõi, rà soát tình hình thiếu nước của người dân trên địa bàn để kịp thời cung cấp nước; vận động, tuyên truyền người dân sử dụng tiết kiệm nước. Ðồng thời, chuẩn bị đầu tư và triển khai xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên công suất 120 nghìn m3/ngày đêm, dự kiến khởi công vào cuối tháng 9-2019 và hoàn thành trong năm 2020; triển khai dự án mở rộng hệ thống cấp nước Ðà Nẵng, trước mắt sẽ đầu tư bốn tuyến ống cấp nước cấp bổ sung cho khu vực hai quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà, khởi công vào tháng 9 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2019; đẩy nhanh tiến độ tuyến ống Diuke qua sông Hàn và sông Cầu Ðỏ, hoàn thành trong tháng 9-2019…