Các địa phương chủ động phòng, chống cháy rừng

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên xảy ra hai vụ cháy rừng với tổng diện tích thiệt hại là 6,21 ha. Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên đã chủ động triển khai các lớp huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) cho lực lượng chuyên ngành, cán bộ lâm nghiệp, chủ rừng và các tổ đội chữa cháy rừng ở cơ sở. Xây dựng các bảng nội quy bảo vệ rừng và PCCCR, biển cấm lửa, biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng.

Cán bộ kiểm lâm huyện Trấn Yên (Yên Bái) tuyên truyền, hướng dẫn người dân cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.
Cán bộ kiểm lâm huyện Trấn Yên (Yên Bái) tuyên truyền, hướng dẫn người dân cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.

* Tại tỉnh Yên Bái, từ đầu mùa khô (tháng 10-2019) đến nay, xảy ra bốn vụ cháy rừng, gây thiệt hại hơn 4 ha, chủ yếu là rừng trồng sản xuất. Ðể chủ động PCCCR, Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để PCCCR.

* Ðến nay, tại tỉnh Thừa Thiên Huế xảy ra chín vụ cháy rừng, với diện tích bị cháy là 7,76 ha. Tỉnh chỉ đạo lực lượng kiểm lâm tiếp tục bám sát hiện trường rừng và phối hợp chính quyền địa phương triển khai tốt công tác PCCCR; hướng dẫn người dân xử lý đốt thực bì có kiểm soát, tăng cường kiểm lâm viên xuống các địa bàn trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao.

* Với phương châm phòng ngừa là chính, lực lượng kiểm lâm Quảng Ngãi đang tăng cường các biện pháp PCCCR, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do hỏa hoạn gây ra. Năm 2019, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 62 vụ cháy rừng, làm thiệt hại 210 ha rừng và khiến bốn người chết. Hầu hết các vụ cháy rừng đều xuất phát từ sự chủ quan trong việc đốt thực bì dẫn đến cháy lan sang diện tích rừng trồng.

* Tại Quảng Bình, lượng nước của 143 hồ chứa hiện chỉ còn khoảng 20% dung tích thiết kế, thậm chí hàng chục hồ đã cạn khô. Do nước sông Gianh bị nhiễm mặn lấn sâu về phía thượng nguồn cho nên nhiều xã ven sông thuộc huyện Tuyên Hóa không thể bơm nước tưới cho cây trồng. Hiện nay, toàn tỉnh có 841 ha lúa hè thu bị hạn, trong đó nghiêm trọng nhất là tại huyện Tuyên Hóa với 223 ha. Dự kiến nếu không có mưa, đến cuối tháng 7, diện tích lúa bị hạn tăng lên hơn 1.500 ha.

* Nắng nóng đã khiến sản xuất nông nghiệp tại Nghệ An gặp nhiều khó khăn. Toàn tỉnh hiện có hơn 11.000 ha cây trồng bị hạn; trong đó, gần 2.000 ha lúa bị chết, cháy khô không còn khả năng cứu vãn. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả, đất bị hạn thiếu nước sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.

* Tỉnh An Giang vừa hỗ trợ 54 hộ dân bị ảnh hưởng bởi vụ sạt lở sông Hậu xảy ra tại hai xã Vĩnh Thạnh Trung và Bình Mỹ, huyện Châu Phú gồm các nhu yếu phẩm trị giá hơn 600 nghìn đồng/phần quà và 10 triệu đồng tiền mặt/hộ. Trong tháng 5 và tháng 7-2020, tại xã Vĩnh Thạnh Trung và xã Bình Mỹ nhiều lần xảy ra sạt lở đất bờ sông, ảnh hưởng 25 hộ dân xã Vĩnh Thạnh Trung và 29 hộ xã Bình Mỹ. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng di dời tài sản của 54 hộ ra khỏi vùng nguy hiểm.

* Sạt lở bờ sông Tiền, sông Hậu xảy ra tại 16 xã, phường, thị trấn của bốn huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Ðồng Tháp với chiều dài sạt lở 29,3 km. Ước giá trị thiệt hại khoảng 6,856 tỷ đồng.

* Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, hôm nay 20-7, khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ tiếp tục có nắng nóng; riêng các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị có nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 đến 38°C, có nơi hơn 39°C. Nắng nóng ở Trung Bộ còn có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới.

* Khu vực vùng núi Bắc Bộ có mưa to và nguy cơ xảy ra lũ trên khu vực thượng lưu sông Hồng - Thái Bình; lũ quét và sạt lở đất tại các tỉnh: Lai Châu; Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái Nguyên. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Ðợt mưa này có khả năng kéo dài trong hai đến ba ngày tới.

* Ngày 19-7, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai có Văn bản số 272/VPTT gửi Ban Chỉ huy PCTT các tỉnh miền núi phía bắc về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất. Theo đó, đề nghị triển khai thực hiện việc theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, người dân chủ động các giải pháp phòng tránh lũ, lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng các phương án để chủ động ứng phó khi có tình huống; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện tại chỗ triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân, nhất là việc sơ tán di dời dân cư ở các khu vực có nguy cơ cao…

PV và CTV