Cà Mau ban bố tình huống khẩn cấp bảo vệ đê biển Tây

NDO -

Tỉnh Cà Mau tiếp tục ban bố tình huống sạt lở khẩn cấp bờ biển Tây với chiều dài hơn 5.800m.

Gió tây nam hoạt động mạnh gây sóng lớn đánh trực diện vào các công trình ven bờ biển Tây.
Gió tây nam hoạt động mạnh gây sóng lớn đánh trực diện vào các công trình ven bờ biển Tây.

Quyết định trên (số 1994/QĐ-UBND) được Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân ký ban hành ngày 21-10-2020. Đây cũng là lần thứ hai trong năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ban bố tình huống khẩn cấp nhằm có giải pháp kịp thời bảo vệ đê biển Tây tỉnh Cà Mau (đoạn thuộc huyện Trần Văn Thời và U Minh) trước tình hình sạt lở bờ biển nghiêm trọng, đe dọa làm hư hỏng đê biển và phương hại đến sản xuất, tài sản của người dân.

Theo quyết định mới ban hành, có năm đoạn sạt lở ven biển đặc biệt nguy hiểm với chiều dài hơn 5.800 m trên địa bàn huyện U Minh và Trần Văn Thời sẽ được thực hiện các tình huống bảo vệ khẩn cấp, với tổng kinh phí hơn 69,7 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước. Cụ thể các khu vực sạt lở, gồm: Kênh Mới – Đá Bạc (700m), Đá Bạc – Sào Lưới (885m), Bắc Sào lưới hướng về Ba Tĩnh, đều thuộc huyện Trần Văn Thời; bắc-nam Vàm Khánh Hội (1.250m) và đoạn từ Giồng Cát - Tiểu Dừa, đều thuộc huyện U Minh.

Cà Mau ban bố tình huống khẩn cấp bảo vệ đê biển Tây -0
 Lực lượng chức năng Cà Mau gia cố một đoạn chân đê biển Tây bị sóng dữ phương hại.

Tại các đoạn vừa nêu, theo UBND tỉnh Cà Mau, tình hình sạt lở đang rất phức tạp. Bên ngoài đê không còn hoặc còn rừng phòng hộ mất mỏng, sóng biển uy hiếp thân đê. Đặc biệt, có những đoạn nguy cơ ảnh hưởng đến các khu dân cư, trường học, trạm y tế và đường điện trung, cao thế...

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nôn thôn (NN-PTNT) tỉnh chủ trì, phối hợp UBND huyện Trần Văn Thời và U Minh: Khoanh vùng và thiết lập hành lang an toàn ở các khu vực bị sạt lở; bố trí lực lượng trực, theo dõi diễn biến sạt lở để kịp thời xử lý; nhanh chóng thực hiện khảo sát, lập thủ tục đầu tư chống sạt lở trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

Phía UBND huyện Trần Văn Thời và U Minh có trách nhiệm vận động, sơ tán người dân ra khỏi những khu vực sạt lở nguy hiểm; thực hiện các biện pháp để bảo vệ an toàn cho đê và người dân trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng…

Bờ biển Tây tỉnh Cà Mau có chiều dài khoảng 108 km, qua ba huyện là Phú Tân, Trần Văn Thời, U Minh. Dọc tuyến biển đã xây dựng đê biển. Những năm qua, ảnh hưởng của thời tiết bất lợi và biến đổi khí hậu, khu vực ven biển nêu trên luôn trong tình trạng sạt lở, phá hủy đất đai và rừng phòng hộ ngày càng thưa thớt, đe dọa an toàn đê biển, đặc biệt những tháng cao điểm mùa mưa bão.

Trong tháng 8, ven tuyến trên phát hiện có bốn đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm với chiều dài hơn 3.300 m, đe dọa phá vỡ đê buộc tỉnh Cà Mau phải ban bố tình huống khẩn cấp kịp thời các giải pháp cần thiết trong tình huống gấp.