Bức thư tay của nguyên Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy và số phận anh bộ đội (kỳ 2)

NDO -

NDĐT – Huỳnh Xuân Phong là thương binh ¾, tỷ lệ thương tật 42%. Từ khi mang “án” kỷ luật oan, bị mất tất cả quyền lợi chính trị và kinh tế, người thương binh già lặn lội khắp nơi đi tìm công lý nhưng đều bị ngoảnh mặt làm ngơ. Thấy sai trái không dám đấu tranh mà ngược lại còn bảo vệ, người bị hàm oan tiếp tục bị đổ “tội” oan. Còn những người từng là lãnh đạo, đang lãnh đạo cũng dùng quyền thế để bảo vệ cái sai của mình, không chịu nhận khuyết điểm và sửa chữa.

Đồng chí Nguyễn Minh Ở, nguyên Trưởng Ban Tài chính - Quản trị, Tỉnh ủy Sóc Trăng – người được đồng chí Nguyễn Tấn Quyên gửi bức thư tay.
Đồng chí Nguyễn Minh Ở, nguyên Trưởng Ban Tài chính - Quản trị, Tỉnh ủy Sóc Trăng – người được đồng chí Nguyễn Tấn Quyên gửi bức thư tay.

Kỳ 2: Thương binh già 20 năm ròng đi tìm công lý

Chống chế, bảo vệ cái sai

Phóng viên Báo Nhân Dân đã tìm đến nhà riêng nguyên Trưởng Ban Tài chính -Quản trị, Tỉnh ủy Sóc Trăng, Nguyễn Minh Ở, tại phường 2, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Dẫu đã 82 tuổi nhưng đồng chí Nguyễn Minh Ở vẫn còn minh mẫn và khỏe mạnh, chạy xe máy bình thường. Đồng chí cho biết, trước đây là Giám đốc Sở Thủy sản tỉnh Hậu Giang (cũ). Từ 1992, khi chia tỉnh về làm Trưởng Ban Tài chính - Quản trị Tỉnh ủy Sóc Trăng tới lúc nghỉ hưu năm 2001.

Sau một lúc trò chuyện, đồng chí Nguyễn Minh Ở nhớ lại, có đồng ý tiếp nhận Huỳnh Xuân Phong từ huyện Châu Thành về công tác, nhưng hồ sơ chưa tới cơ quan. Đồng chí Ở còn nhớ rõ, Huỳnh Xuân Phong quê Mỹ Quới, Ngã Năm là con ông Sáu Quới, người cùng quê. Đọc lại bức thư tay do phóng viên Báo Nhân Dân cung cấp, đồng chí Nguyễn Minh Ở trầm ngâm một lúc rồi khẳng định, đúng là đồng chí Nguyễn Tấn Quyên gửi mình. “Khi đọc bức thư của Tấn Quyên nói đồng chí Phong bị kỷ luật khai trừ Đảng thì tôi tin như vậy. Nhưng mà sau đó tôi không thấy hồ sơ của đồng chí này”, đồng chí Nguyễn Minh Ở nói. Theo đồng chí Ở, gia đình ông Sáu Quới có truyền thống cách mạng, có tới mấy người con tham gia chiến đấu từ rất trẻ, trong đó có Huỳnh Xuân Phong. Theo lời đồng chí Ở, ông làm Bí thư huyện Thạnh Trị, tỉnh Hậu Giang cũ từ ngày 14-4-1975. Lúc bấy giờ đồng chí Bảy Lê, Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang xuống huyện công tác có nói là đồng chí Huỳnh Xuân Phong ở Campuchia có sai phạm bị kỷ luật, đòi truy tố. “Nhưng đồng chí Bảy Lê thương cái tình gia đình cách mạng nên xin không bỏ tù nó. Nghe vậy thôi mà hổng biết có hay không, chỉ là mình nghe thôi chứ không thấy. Sau này đọc bức thư của Tấn Quyên gửi nói Phong bị kỷ luật khai trừ Đảng, hai cái đó kết hợp lại mình mới tin. Nhưng mà trước đây thành tích cậu này trong bộ đội lẫy lừng lắm. Tinh thần là con em quê hương mình thì mình giúp, nhận rồi xem coi mức độ tới đâu thì bố trí tới đó. Nhưng mà từ đó tới lúc tôi nghỉ hưu cũng không thấy hồ sơ của Huỳnh Xuân Phong. Cái này chắc hỏi Tấn Quyên sẽ rõ”, đồng chí Nguyễn Minh Ở giải thích thêm.

Ngay khi vừa nhắc đến chuyện của thương binh Huỳnh Xuân Phong, đồng chí Nguyễn Tấn Quyên đã có thái độ khác hẳn. Đồng chí thừa nhận, bức thư tay là do mình viết, nhưng không đồng ý trao đổi làm sáng tỏ vấn đề và “mời’ phóng viên Báo Nhân Dân ra khỏi nhà. “Thằng này tui biết rành lắm, bị khai trừ đảng bên Campuchia”, đồng chí Nguyễn tấn Quyên nói. Phóng viên hỏi lại: “Nhưng mà ổng được kết nạp đảng lần thứ hai rồi mà”. “Thôi đừng nói chuyện này nữa, tôi nghỉ hưu rồi, đừng nói nữa. Tôi hồi đó ở Ban Tổ chức Tỉnh ủy mà. Thôi, dẹp đi đừng nói chuyện đó. Có gì kiếm mấy ông đương chức, còn mấy ông ở Hậu Giang và Sóc Trăng. Thằng này tôi biết rành lắm, đừng có nói tới nói lui nữa”.

Tuy nhiên, từ cuộc làm việc ngắn ngủi và không mấy thuận lợi với đồng chí Nguyễn Tấn Quyên, đối chiếu với nội dung bức thư tay do đồng chí viết năm 1993 thì không… logic. Bởi trong bức thư, đồng chí Nguyễn Tấn Quyên khẳng định, “thời ở bộ đội thì rất quý, thành tích nhiều, nhưng khi về công tác kinh doanh ở huyện Châu Thành bị kỷ luật khai trừ Đảng, sinh hoạt cá nhân, vợ con, gia đình bê bối..”, chứ hoàn toàn không nói đến chuyện bị kỷ luật ở trong quân đội. “Tôi bị kỷ luật trong quân đội là do liên đới trách nhiệm vì binh lính thuộc quyền tôi chỉ huy đã vi phạm kỷ luật. Tôi đã chấp nhận kỷ luật, sau đó phấn đấu, công tác, chiến đấu lập thêm nhiều thành tích mới được kết nạp Đảng lần thứ hai trong quân đội, trước khi chuyển ngành. Bức thư của đồng chí Nguyễn Tấn Quyên kết “án” oan tôi bị kỷ luật thời làm Giám đốc Công ty xuất khẩu là thời điểm sau năm 1985. Mà chuyện đồng chí Tấn Quyên nhắc là chuyện của đồng chí Phan Thế Minh, Giám đốc Công ty xuất khẩu, bị kỷ luật khai trừ Đảng. Bức thư tay chỉ hơn 100 chữ của anh mà giết cả cuộc đời tôi. Còn tôi thì thương tật đầy mình vì xông pha chiến trường, đánh đuổi quân thù, không màng tới cái chết. Vậy mà anh ấy đối xử với tôi như vậy, cái sai do anh làm ra nhưng không dám nhận, vẫn chống chế, bảo vệ cái sai của mình”, đồng chí Huỳnh Xuân Phong nói.

Càng bức xúc hơn, sau khi nhận lại được hồ sơ công tác bị “thất lạc” gần 20 năm trời, ngày 18-9-2012, đồng chí Huỳnh Xuân Phong đã có đơn gửi Thành ủy Cần Thơ yêu cầu phục hồi đảng tịch. Tuy nhiên, ngày 20-3-2013, đồng chí Nguyễn Hữu Lợi, Phó Bí thư Thành ủy Cần Thơ có văn bản trả lời cho đồng chí Huỳnh Xuân Phong: “…Ban Tổ chức Tỉnh ủy Cần Thơ (trước đây) đã làm thủ tục chuyển sinh hoạt Đảng của ông về tỉnh Sóc Trăng từ năm 1993 theo đúng quy định, nhưng ông đã không tiếp tục sinh hoạt Đảng tại nơi mới kể từ thời điểm đó. Căn cứ điều lệ Đảng và các văn bản hướng dẫn của Ban Tổ chức T.Ư, đơn yêu cầu khôi phục đảng tịch của ông không có cơ sở và chứng lý để giải quyết”. Nói về công văn này của Thành ủy Cần Thơ, đồng chí Huỳnh Xuân Phong cho rằng mình tiếp tục bị “kết án” oan. “Hồ sơ của tôi bị thất lạc, bị ém nhẹm, Sóc Trăng nói không nhận được hồ sơ chuyển công tác, còn Cần Thơ nói không giữ thì tôi lấy đâu ra công việc, tìm đâu ra chi bộ để sinh hoạt Đảng mà đồng chí Nguyễn Hữu Lợi nói tôi không tiếp tục sinh hoạt Đảng tại nơi mới”, đồng chí Huỳnh Xuân Phong phân trần.

Ai gây oan sai phải có trách nhiệm bồi thường

Đồng chí Nguyễn Thành Chiến, bộ đội chuyển ngành về tỉnh Hậu Giang cũ là người kề vai chiến đấu và biết rõ quá trình công tác của đồng chí Huỳnh Xuân Phong. Đồng chí Nguyễn Thành Chiến tham gia quân đội từ năm 1964-1982. Cấp bậc khi rời quân đội là Thiếu tá, Trung đoàn Phó Trung đoàn 1, Sư đoàn 330, Quân khu 9. Đồng chí kể, biết rõ Huỳnh Xuân Phong từ năm 1967 khi mới vào quân ngũ, từ làm liên lạc, kế được đi học y tá, sau chuyển qua bộ binh, rồi cán bộ, Đại đội phó, Đại đội trưởng tới Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 303 Trung đoàn 1, Sư đoàn 330, Quân khu 9. Trong giai đoạn đánh Mỹ, đồng chí Phong có nhiều thành tích, chiến đấu rất dũng cảm, chỉ huy thuộc cấp chiến đấu luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Những trận khó khăn, ác liệt nhất đều giao cho đồng chí Phong chỉ huy và đánh thắng. Hết thời gian đánh Mỹ, tới hòa bình, ra đánh đảo cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sau đó vô Nông trường Cờ Đỏ sản xuất, đồng chí Phong cũng là cán bộ lãnh đạo và hoàn thành nhiệm vụ Trung đoàn giao.

Chiến tranh biên giới xảy ra, đồng chí Phong là cán bộ sư đoàn, khi đó là Tiểu đoàn trưởng sang Campuchia giúp bạn. “Có một quân nhân thuộc chỉ huy của đồng chí Phong đã vi phạm kỷ luật. Đồng chí Phong bị thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng, đưa về quân khu vì liên đới trách nhiệm chỉ huy. Hai năm sau mới trả đồng chí Phong trở về đơn vị. Sau khi xóa kỷ luật, đồng chí Phong trở về đơn vị tiếp tục tham gia chiến đấu. Có những trận đánh ác liệt mà nhiều đồng chí khác chỉ huy không hoàn thành, thì đồng chí Phong đã hoàn thành xuất sắc. Từ đó, Sư đoàn mới kết nạp Đảng lần thứ hai và giao cho đồng chí Phong nhiệm vụ Phó Tham mưu trưởng Trung đoàn 1. Đến đầu năm 1985 mới chuyển ngành về tỉnh Hậu Giang cũ”, đồng chí Nguyễn Thành Chiến kể rõ.

Suốt 20 năm ròng rã, người thương binh già Huỳnh Xuân Phong lặn lội khắp nơi đi tìm công lý cho chính cuộc đời mình, để không phải tủi nhục khi nằm xuống vì mang “án” oan kỷ luật khai trừ Đảng suốt đời. Không có tiền lương, không công việc, mất sức lao động, tuổi già, người thương binh phải sống tá túc với gia đình các con mình. Nay ở nhà của người con lớn, mấy hôm lại di chuyển sang nhà người con khác. Giờ đây, ông sống tạm trong căn nhà lấp thấp dưới dạ cầu Ấp Mỹ, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, TP Cần Thơ. “Tôi sẽ theo đuổi tới cùng để đòi lại danh dự, uy tín và những mất mát của cuộc đời mình. Tôi tin những đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng sẽ xem xét, trả lại sự trong sạch cho một đảng viên gánh chịu hàm oan suốt mấy chục năm trời như tôi”, đồng chí Huỳnh Xuân Phong nói.

Nói về chuyện đồng chí Huỳnh Xuân Phong bị oan sai hơn 20 năm ròng, đồng chí Nguyễn Thành Chiến cho rằng, bức thư tay của đồng chí Nguyễn Tấn Quyên là nguyên nhân thì phải được giải quyết chế độ chính sách. “Anh không thể lôi chuyện cũ của người ra để chống chế, bảo vệ cho cái sai của mình”, đồng chí Nguyễn Thành Chiến nói.

Đồng quan điểm, đồng chí Nguyễn Minh Ở, nguyên Trưởng Ban Tài chính - Quản trị, Tỉnh ủy Sóc Trăng nói, nếu thời điểm ở huyện Châu Thành, đồng chí Huỳnh Xuân Phong không bị kỷ luật thì đúng là đã bị hàm oan. “Kể cả người dân cũng vậy, khi bị kết án oan sai còn phải bồi thường mà. Còn chuyện cậu Phong, nếu đúng là oan sai thì đó là lỗi của những người cung cấp thông tin sai này và lỗi Ban Tổ chức, vì anh đã làm sai. Cái chính là do Ban Tổ chức chịu trách nhiệm vì đã nghe lầm thông tin ông Phong bị kỷ luật mà không kiểm tra, xác minh thấu đáo. Nếu có kỷ luật thì phải thể hiện bằng văn bản chứ. Ông Phong ở chi bộ nào, ngành nào, chứ đâu nói khơi khơi được. Chứ tự nhiên anh nghe thông tin của ông này, lại lấy lộn tên ông kia thì anh ở Ban Tổ chức anh phải chịu trách nhiệm bồi thường quyền lợi chính trị cho người ta, mất kinh tế, lương, tiền bạc vật chất cho người ta vì mình đã làm oan sai cho người tốt. Chứ anh không thể lướt rồi bỏ luôn. Đây là danh dự chính trị của người ta. Bên cạnh bồi thường danh dự, chế độ lương anh phải bồi thường cho người ta”, đồng chí Nguyễn Minh Ở nêu quan điểm.

Bức thư tay của nguyên Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy và số phận anh bộ đội (kỳ 2) ảnh 1

Đồng chí Huỳnh Xuân Phong vẫn một lòng tin vào sự lãnh đạo và anh minh của Đảng nên hơn 20 năm vẫn lặn lội đi tìm công lý cho cuộc đời mình.

Bức thư tay của nguyên Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy và số phận anh bộ đội (kỳ 2) ảnh 2

Bị gánh kỷ luật oan, đồng chí Huỳnh Xuân Phong bị mất tất cả, cuộc sống nghèo khó vì không việc làm, mất thu nhập và tủi nhục.

Bức thư tay của nguyên Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy và số phận anh bộ đội (kỳ 2) ảnh 3

Đồng chí Huỳnh Xuân Phong và đồng chí Nguyễn Thành Chiến ôn lại kỷ niệm về các đồng chí đồng đội Trung đoàn 1 U Minh, nơi công tác và chiến đấu.

Ông Huỳnh Thanh Tạo, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang có phần trách nhiệm

Sau khi đặt lịch làm việc không thành, phóng viên Báo Nhân Dân đã liên lạc qua điện thoại với Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang, Huỳnh Thanh Tạo để làm rõ chuyện cất giữ hồ sơ công tác của đồng chí Huỳnh Xuân Phong suốt 20 năm qua...

Vào thời điểm trước, khi ông Huỳnh Xuân Phong chuyển công tác về Ban Tài chính quản trị Sóc Trăng thì ông Huỳnh Thanh Tạo là Phó Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh Cần Thơ. Sau đó ông Tạo về làm Phó rồi Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hậu Giang khi tái thành lập tỉnh Hậu Giang năm 2004, từ TP Cần Thơ. Hiện là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy. Cách đây hơn 5 năm, ông Tạo gọi ông Ngô Văn Gấm để đưa lại bộ hồ sơ của ông Huỳnh Xuân Phong thất lạc mấy chục năm qua. Ông Gấm gọi ông Phong đến nhận lại hồ sơ thì mới vỡ lẽ ra là mấy chục năm qua hồ sơ của mình do ông Tạo cất giữ mà không hề hay biết. “Mặc dù trước đó, tôi nhiều lần hỏi trực tiếp ông Tạo về hồ sơ công tác của tôi nhưng ông Tạo vẫn khẳng định là không biết, không cất giữ”, đồng chí Huỳnh Xuân Phong khẳng định.

* Bức thư tay của nguyên Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy và số phận anh bộ đội