Bức thư tay của nguyên Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy và số phận anh bộ đội (kỳ 1)

NDO -

NDĐT – Ròng rã hơn 20 năm trời, ông Huỳnh Xuân Phong gánh chịu hàm oan bị kỷ luật khai trừ Đảng, hồ sơ chuyển công tác thất lạc, bị ém nhẹm, bị mất sinh hoạt Đảng, không có một đồng chế độ, tiền lương nào cũng từ bức thư tay của ông Nguyễn Tấn Quyên, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sóc Trăng, sau này là nguyên Bí thư Thành ủy Cần Thơ và sự thờ ơ, quan liêu của hàng loạt cán bộ, đảng viên và các cơ quan công quyền.

Bức thư tay của đồng chí Nguyễn Tấn Quyên viết năm 1993 đã gây oan sai và “giết chết” cuộc đời anh bộ đội Huỳnh Xuân Phong.
Bức thư tay của đồng chí Nguyễn Tấn Quyên viết năm 1993 đã gây oan sai và “giết chết” cuộc đời anh bộ đội Huỳnh Xuân Phong.

Kỳ 1: Sai nguyên tắc, thiếu kiểm tra

Năm 1993, từ thông tin nghe được nhưng không kiểm tra xác minh, ông Nguyễn Tấn Quyên, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sóc Trăng lúc bấy giờ đã viết một lá thư tay gửi Ban Tài chính - Quản trị, Tỉnh ủy Sóc Trăng để dừng việc tiếp nhận đồng chí Huỳnh Xuân Phong, cán bộ chuyển công tác từ huyện Châu Thành, tỉnh Cần Thơ (cũ). Nội dung lá thư tay cho rằng, đồng chí Huỳnh Xuân Phong bị kỷ luật khai trừ Đảng, bê bối chuyện cá nhân, vợ con và gia đình. Nhưng thực tế, đó là câu chuyện của một người khác cùng chi bộ với đồng chí Phong.

Bức thư tay viết vội

Nguyên văn bức thư tay của đồng chí Nguyễn Tấn Quyên viết: “Kính gửi Anh Ba. Chiều thứ bảy tuần rồi, tôi về ghé Huyện ủy, UBND huyện Châu Thành (Cần Thơ) hỏi thăm chuyện của đồng chí Phong (Đơn xin về Sóc Trăng mình). Đại thể là tôi và Ban Tổ chức Tỉnh ủy đồng ý, bàn với Ban Tổ chức chính quyền tỉnh tiếp nhận. Nhưng có lẽ sẽ bố trí bên Giao thông vận tải tốt hơn, bởi có mấy chuyện cần lưu ý. Quá trình về Châu Thành công tác, đồng chí Phong từ là cán bộ, sau được đề bạt làm Phó Giám đốc Công ty xuất khẩu huyện, có khuyết điểm, Huyện ủy Châu Thành quyết định kỷ luật khai trừ Đảng. Đồng chí Phong khiếu nại, sau còn lưu lại (sẽ có văn bản xác nhận của Thường vụ Huyện ủy Châu Thành). Và hơn hai năm nay đồng chí nằm chờ huyện phân công nhưng không phân công được, không sinh hoạt Đảng. Về mặt sinh hoạt cá nhân, gia đình vợ con cũng có phần bê bối. Nói chung là đồng chí từ ở bộ đội, ở chiến trường về thì rất quý, có thành tích trong đánh giặc, nhưng về quản lý và kinh doanh quá trình vậy. Thư này sơ bộ báo anh vậy, vì trưa nay tôi bận đi công tác TP Hồ Chí Minh. Sau Quốc khánh gặp lại anh, mình trao đổi kỹ lưỡng”, thân ái – Nguyễn Tấn Quyên – 31-8-1993.

Người mà đồng chí Nguyễn Tấn Quyên nhắc tới trong bức thư tay viết vội trên là Huỳnh Xuân Phong, sinh năm 1952, quê quán xã Mỹ Quới, huyện Ngã Năm (nay là thị xã Ngã Năm), tỉnh Sóc Trăng. Đồng chí Huỳnh Xuân Phong là bộ đội chuyển ngành. 15 tuổi, thiếu niên Huỳnh Xuân Phong đã nhập ngũ (ngày 10-10-1967) tại Tiểu đoàn 309, Trung Đoàn 1 U Minh, Quân khu 9, đến ngày 30-5-1970 được kết nạp Đảng tại Đảng bộ Tiểu đoàn 309. Tuy trẻ tuổi nhưng Huỳnh Xuân Phong có “duyên” binh nghiệp, chỉ huy đánh thắng nhiều trận chiến khó. Sau đó, Huỳnh Xuân Phong được cử sang Campuchia giúp nước bạn đánh đuổi quân Pôn Pốt diệt chủng trong chiến tranh biên giới Tây Nam. Tháng 4-1981, đồng chí Phong bị kỷ luật khai trừ Đảng vì liên đới trách nhiệm quân nhân thuộc quyền chỉ huy tại tỉnh Kompongspư, Campuchia. “Lúc bấy giờ tôi đang giữ chức Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 1, Sư đoàn 330, Quân khu 9. Đến đầu năm 1984 tôi được cấp trên giao nhiệm vụ làm Phó Tham mưu trưởng Trung đoàn 1. Ngày 1-1-1985 tôi được Chi bộ thuộc Đảng ủy Phòng Tham mưu Sư đoàn 330 kết nạp Đảng lần thứ hai tại mặt trận Battambang, Campuchia”. Đến ngày 14-1-1985 đồng chí Phong được chuyển ngành về tỉnh Hậu Giang (cũ), được Ban Tổ chức Tỉnh ủy phân công về công tác tại huyện Châu Thành, giữ chức Phó Giám đốc Công ty xuất khẩu huyện Châu Thành do đồng chí Lê Nam Giới, Phó Bí thư Huyện ủy ký quyết định chuyển sinh hoạt Đảng tại Đảng ủy Thương nghiệp.

Đến ngày 12-4-1986, đồng chí Huỳnh Xuân Phong được chuyển đảng chính thức. Hơn hai năm sau, UBND huyện Châu Thành bổ nhiệm đồng chí Huỳnh Xuân Phong giữ chức Giám đốc Xí nghiệp chế biến nông sản xuất nhập khẩu huyện Châu Thành. Sau đó, các công ty, xí nghiệp cấp huyện sáp nhập lại Công ty Thương nghiệp huyện nên đồng chí Phong được chuyển sinh hoạt Đảng về Phòng Lao động, Thương binh và xã hội huyện Châu Thành chờ phân công công tác. Đến năm 1992, tỉnh Hậu Giang cũ chia tách thành hai tỉnh Sóc Trăng và Cần Thơ. Đồng chí Huỳnh Xuân Phong tiếp tục sinh hoạt Đảng tại Chi bộ Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành, tỉnh Cần Thơ (nay là quận Cái Răng, TP Cần Thơ) do đồng chí Ngô Văn Gấm, Trưởng phòng, Bí thư Chi bộ. Đến ngày 10-8-1993, Huỳnh Xuân Phong viết đơn xin chuyển công tác về Ban Tài chính - Quản trị, Tỉnh ủy Sóc Trăng. Ngày 27-8-1993, Trưởng Ban Tài chính – Quản trị, Nguyễn Minh Ở ký tiếp nhận vào đơn xin chuyển công tác của đồng chí Phong. Bốn ngày sau, đồng chí Nguyễn Tấn Quyên, lúc bấy giờ là Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sóc Trăng, về nhà ở Cần Thơ đã ghé ngang huyện Châu Thành chơi. Trong lúc “trà dư tửu hậu”, đồng chí Nguyễn Tấn Quyên nghe nói có một Phó Giám đốc công ty xuất khẩu bị kỷ luật khai trừ Đảng nên đã viết vội lá thư tay trên.

Hồ sơ chuyển công tác thất lạc… bí ẩn

Chuyện chuyển công tác tưởng như thuận lợi thì bất ngờ bị dừng lại và rơi vào im lặng đến kỳ lạ hơn 20 năm ròng rã. Bởi sau khi được Trưởng Ban Tài chính – Quản trị Tỉnh ủy Sóc Trăng, Nguyễn Minh Ở trực tiếp ký nhận vào đơn xin chuyển công tác thì toàn bộ hồ sơ, gồm: lý lịch đảng viên, bản tự kiểm, giấy giới thiệu chuyển sinh hoạt Đảng… đều được chuyển đến Sóc Trăng rồi bị… thất lạc một cách bí ẩn. Suốt hàng chục năm nay, đồng chí Huỳnh Xuân Phong lặn lội xuống tận Sóc Trăng để hỏi về công việc cũng không được trả lời, hồ sơ cũng không thấy đâu, tiền lương cũng bị mất luôn từ tháng 9-1993 đến nay, không có nơi sinh hoạt Đảng. “Vài ba tháng tôi lại lặn lội xuống Sóc Trăng hỏi về việc chuyển công tác của mình, thì được trả lời để “tổ chức” từ từ sắp xếp, phân công sau. Những câu trả lời vô trách nhiệm như thế kéo dài suốt 21 năm nay. Sóc Trăng nói không giữ hồ sơ công tác của tôi, tôi ra Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh Cần Thơ (cũ) hỏi thì họ cũng trả lời là không giữ, không biết”, đồng chí Huỳnh Xuân Phong bức xúc.

Bất ngờ, cách đây hơn 5 năm, đồng chí Huỳnh Xuân Phong được đồng chí Ngô Văn Gấm, nguyên Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hậu Giang, nguyên Bí thư Chi bộ - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành (cũ) gọi đến nhận lại hồ sơ chuyển công tác bị thất lạc hơn 20 năm qua. “Tôi không biết chuyện hồ sơ của đồng chí Phong bị thất lạc. Trước khi tôi nghỉ hưu, đồng chí Huỳnh Thanh Tạo, khi đó là Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hậu Giang (nay là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang, trước đây từng giữ chức vụ Phó Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh Cần Thơ) gọi tôi đến đưa hồ sơ nói là trả cho đồng chí Huỳnh Xuân Phong”, đồng chí Ngô Văn Gấm nói.

Và càng bất ngờ hơn khi lần giở lại bộ hồ sơ cũ, đồng chí Huỳnh Xuân Phong mới biết nguyên nhân khiến mình bị mất hết tất cả là do lá thư tay của đồng chí Nguyễn Tấn Quyên viết cách đây hơn 20 năm trước. Đồng chí Ngô Văn Gấm cho biết, sau khi các công ty cấp huyện sáp nhập thì có hai giám đốc hai công ty, xí nghiệp được chuyển sinh hoạt đảng đến Chi bộ Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành. Trong đó gồm: Huỳnh Xuân Phong - Giám đốc Xí nghiệp chế biến nông sản xuất nhập khẩu huyện Châu Thành và Phan Thế Minh - Giám đốc Công ty xuất khẩu huyện Châu Thành. “Người bị kỷ luật khai trừ Đảng tại Chi bộ Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành là đồng chí Phan Thế Minh - Giám đốc Công ty xuất khẩu huyện. Còn đồng chí Huỳnh Xuân Phong không có bất kỳ vi phạm nào và hoàn toàn không bị kỷ luật. Tôi cũng đã xác nhận vào bản tự kiểm của đồng chí Phong để hoàn tất hồ sơ chuyển công tác của đồng chí”, đồng chí Ngô Văn Gấm khẳng định. Cũng tại buổi gặp gỡ nguyên Bí thư Chi bộ của mình, đồng chí Huỳnh Xuân Phong kể rõ: “Ngày họp Chi bộ kiểm điểm đồng chí Phan Thế Minh - Giám đốc Công ty xuất khẩu huyện, tôi có dự. Đồng chí Thế Minh cũng trình bày thật thà rằng bị khai trừ Đảng chứ không bỏ Cao Hoa Thanh. Chi bộ biểu quyết khai trừ Đảng đồng chí Thế Minh, sau đó. Trong cuộc họp chi bộ có các đồng chí Trần Oanh Liệt, Ủy viên Thường vụ huyện và Dương Văn Bé, Phó Bí thư Huyện ủy Châu Thành tham dự”. Điều này cũng đã được đồng chí Ngô Văn Gấm xác nhận.

Đối chiếu với nội dung bức thư tay của đồng chí Nguyễn Tấn Quyên đã có thể nhận ra ngay những thông tin sai lệch hết sức cơ bản như: “…Từ cán bộ rồi được đề bạt làm Phó Giám đốc công ty xuất khẩu, bị kỷ luật, không sinh hoạt Đảng…”. Vào thời điểm xin chuyển công tác về Ban Tài chính – Quản trị, Tỉnh ủy Sóc Trăng, đồng chí Huỳnh Xuân Phong đang giữ chức Giám đốc Xí nghiệp chế biến hàng nông sản xuất nhập khẩu huyện Châu Thành và vẫn đang sinh hoạt Đảng bình thường tại chi bộ Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện. “Điều đó cho thấy đồng chí Nguyễn Tấn Quyên thể hiện rõ sự quan liêu, không hề giở hồ sơ chuyển công tác của tôi ra xem. Hồ sơ tôi có bản tự kiểm thông qua chi bộ, có giấy giới thiệu chuyển sinh hoạt Đảng, sai cả chức danh của tôi thì chắc gì người đồng chí ấy nói là tôi”, đồng chí Huỳnh Xuân Phong nói.

Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sóc Trăng Phan Văn Toàn cho biết, do chuyện xảy ra quá lâu, những đồng chí lãnh đạo đơn vị nay đã tuổi cao, sức yếu, có người cũng không còn nên không nắm được vụ việc. Tuy nhiên, theo quy trình hồ sơ chuyển công tác từ tỉnh khác về đơn vị, khi nghe có thông tin dư luận hay thư tố cáo về người đó thì sau khi tiếp nhận hồ sơ sẽ yêu cầu đơn vị chuyển công tác cán bộ đó phải có báo cáo về thông tin đó, xác định là có hay không. “Đơn vị chuyển công tác phải xác nhận và đó là cơ sở pháp lý rõ ràng nhất, chứ dư luận thì chỉ là dư luận, đúng sai đâu rõ. Ban Tổ chức Tỉnh ủy là nơi tiếp nhận hồ sơ, không thể đi xác minh cán bộ mới chuyển công tác đến, vì khi đó họ chưa phải là cán bộ của mình. Thủ trưởng đơn vị đó xác minh và có văn bản cho mình. Tức là chỉ xem xét trên cơ sở hồ sơ, hợp lý, thỏa mãn các yêu cầu thì mình nhận. Trường hợp đồng chí Huỳnh Xuân Phong là do đồng chí Nguyễn Tấn Quyên đã đến địa phương đó rồi nghe thông tin bị kỷ luật như vậy, lẽ ra đồng chí Nguyễn Tấn Quyên phải yêu cầu huyện Châu Thành làm rõ chuyện đó đúng hay sai, có hay không?”, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sóc Trăng nói.

Đồng chí Nguyễn Thành Chiến, người công tác chiến đấu với đồng chí Huỳnh Xuân Phong ở chiến trường, sau đó cũng chuyển ngành về công tác tại tỉnh Hậu Giang cho biết, có nghe chuyện bị mất hồ sơ chuyển công tác và nhiều lần đi tới đi lui các cơ quan giải quyết, hỏi về chuyện của đồng chí Phong. Đồng chí Nguyễn Thành Chiến nhận định, cái sai này thuộc về Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sóc Trăng. Vì hồ sơ từ Châu Thành chuyển về đầy đủ, trong thời gian chờ bố trí công tác, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sóc Trăng không xem xét hồ sơ mà chỉ nghe lời nói một chiều là sai nguyên tắc. Nếu đã kỷ luật khai trừ Đảng rồi thì không còn giới thiệu sinh hoạt Đảng nữa. Cái sai này từ người đứng đầu Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Sóc Trăng, cũng là người viết lá thư tay khẳng định đồng chí Phong bị kỷ luật khai trừ Đảng. Đối với một Đảng viên lãnh đạo, không thể chỉ nghe thông tin dư luận mà vội vàng khẳng định đồng chí Phong sai, bị kỷ luật là quá chủ quan và thiếu kiểm tra. Đồng chí phải chỉ đạo bộ phận tiếp nhận nghiên cứu hồ sơ kỹ, rà soát, tìm hiểu xem có đúng như dư luận hay không, chứ không thể nghe một chiều rồi quyết. Đó là cái quan liêu. “Đáng lý ra bộ phận tiếp nhận hồ sơ phải đọc kỹ hồ sơ rồi lên báo cáo với đồng chí Nguyễn Tấn Quyên, không phải như sếp nói đâu, người này không bị kỷ luật, có giấy chuyển sinh hoạt Đảng, chứng tỏ không bị kỷ luật. Nhưng mà những người đảng viên khác bị cái bóng quá lớn của Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy lúc đó nên không dám đứng ra bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai, bảo vệ những người đảng viên khác. Anh phải có chứng cứ cụ thể chứ không thể nghe lời người ta nói trong lúc trà dư tửu hậu rồi về viết cái thư như vậy là sai hoàn toàn về nguyên tắc. Anh "giết chết" cuộc đời một đảng viên, một người đã dấn thân chiến đấu và cống hiến cho hòa bình, độc lập của đất nước, dân tộc, lãng phí nguồn lực và oan sai cho một cán bộ đảng viên”, đồng chí Nguyễn Thành Chiến thẳng thắn nói.

Bức thư tay của nguyên Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy và số phận anh bộ đội (kỳ 1) ảnh 1

Giấy giới thiệu chuyển sinh hoạt Đảng của đồng chí Huỳnh Xuân Phong từ Cần Thơ về tỉnh Sóc Trăng kèm trong hồ sơ chuyển công tác nhưng không được xem xét.

Bức thư tay của nguyên Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy và số phận anh bộ đội (kỳ 1) ảnh 2

Đồng chí Huỳnh Xuân Phong, thương binh ¾, tỷ lệ thương tật 42%, người gánh chịu hàm oan bị kỷ luật khai trừ Đảng hơn 20 năm trời vẫn đang đi tìm công lý.

Bức thư tay của nguyên Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy và số phận anh bộ đội (kỳ 1) ảnh 3

Đồng chí Nguyễn Thành Chiến (phải), bạn chiến đấu của đồng chí Huỳnh Xuân Phong trong những năm kháng chiến chống Mỹ bảo vệ tổ quốc.

Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận Cái Răng (huyện Châu Thành cũ), TP Cần Thơ, Nguyễn Văn Phúc cho biết, chuyện đồng chí Phan Thế Minh, Giám đốc Công ty xuất khẩu huyện Châu Thành (cũ) bị kỷ luật khai trừ Đảng thì ông có biết. Bởi ông Phúc vốn là người dân Châu Thành nay là quận Cái Răng. “Thời còn trẻ, tôi chưa đi làm việc thì đã biết anh Phan Thế Minh rồi. Lúc đó tôi cũng có chạy xe chở hàng cho công ty xuất khẩu của anh Thế Minh. Về sau chuyện anh Thế Minh bị kỷ luật, khai trừ Đảng thì tôi có nghe, có biết. Còn chuyện ông Huỳnh Xuân Phong bị kỷ luật thì tôi chưa từng nghe”, đồng chí Nguyễn Văn Phúc nói.