Bỏ quản lý bằng sổ hộ khẩu mà có lợi cho dân, Quốc hội sẵn sàng sửa luật

NDO -

NDĐT - Ngày 15-11 tới, Nhân Dân điện tử phối hợp với Tổng cục Cảnh sát sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến "Lộ trình thay đổi hình thức quản lý hộ khẩu". Nhân dịp này, phóng viên NDĐT đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Pha về bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Pha.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Pha.

- Thưa ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, mới đây, Chính phủ đã đồng ý bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân. Ông đánh giá như thế nào về chủ trương này của Chính phủ cũng như lộ trình thực hiện của Bộ Công an?

- Phải đánh giá rõ ràng việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 112/NQ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2017 là một bước đi rất quan trọng, giải tỏa nhu cầu bức thiết của đông đảo người dân và phù hợp với Hiến pháp.

Hơn 40 năm qua, bên cạnh một số tác dụng trong công tác quản lý dân cư, quản lý địa bàn của chính quyền và các cơ quan chức năng thì nhiều người dân đã chịu khổ từ công việc, học hành, chữa bệnh, đến mua nhà cửa do các quy định liên quan đến hộ khẩu, nhiều tiêu cực đã phát sinh từ các quy định về hộ khẩu. Nghị quyết của Chính phủ đã nhận được sự ủng hộ và kỳ vọng của nhiều người dân, nhưng theo ý kiến của một số cán bộ cơ quan chức năng gần đây, nếu giải thích không rõ thì người dân sẽ bị hụt hẫng. Tức là, bỏ là bỏ sổ hộ khẩu thôi, còn vẫn quản lý như cũ, tức là vẫn phải đăng ký thường trú, tạm trú, tạm vắng…

Mặc dù ý kiến đó làm nhiều người hẫng hụt, nhưng theo tôi những điều đó chưa phải là vấn đề lớn của hộ khẩu, mà đằng sau sổ hộ khẩu là câu chuyện liên quan đến công việc, việc học hành cho con cái, mua và sở hữu nhà ở đô thị… Cái đó là cái lớn, nếu bỏ hộ khẩu đi được thì chắc chắn nó sẽ giải phóng nhiều vấn đề về quyền dân sự cho người dân.

- Nhưng sổ hộ khẩu đã tồn tại rất lâu, việc bỏ nó không hề đơn giản, thưa ông?

- Tôi thông cảm với áp lực của các đô thị, nhất là các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, trong khi hạ tầng giao thông, điện, nước, trường học, bệnh viện quy mô hạn chế nên việc đáp ứng cho cư dân sở tại cũng đã rất khó khăn, chưa nói đến các áp lực về an ninh, trật tự xã hội, nếu nhiều người nơi khác đến nữa thì sẽ gây quá tải thêm. Tôi cũng chia sẻ với việc khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 112 có thể sẽ chưa có được sự đồng thuận cao của các đô thị và một số ngành. Nhưng tôi cho rằng việc bỏ hộ khẩu nên làm càng sớm càng tốt vì nó có lợi cho đông đảo các tầng lớp nhân dân, mặc dù lộ trình thực hiện được điều đó sẽ tốn nhiều tiền mà hiện tại chưa được bố trí kinh phí.

Một khi bỏ hộ khẩu sẽ có hàng loạt các quy định khác cũng phải sửa cho phù hợp, vì hiện nay, kể cả bản kê khai sơ yếu lý lịch, kê khai tài sản, đơn xin việc, đơn xin học… cũng phải khai hộ khẩu. Chính phủ phải chỉ đạo các cơ quan hữu quan sớm nghiên cứu ban hành các văn bản hướng dẫn để người dân biết những thông tin về hộ khẩu từ nay sẽ không ghi trong đó nữa.

Tôi cũng muốn nói một câu chuyện khác liên quan đến hộ khẩu đó là việc xử lý hành chính với người nghiện ma túy. Theo quy định hiện hành, một trong những điều kiện để đưa những người nghiện vào trại cai nghiện bắt buộc đó là người đó không có nơi cư trú ổn định. Một số nơi đã vận dụng bằng cách kiểm tra hộ khẩu của người nghiện để xem xét việc đưa đi cai nghiện tập trung. Điều này rõ ràng đã ảnh hưởng đến quyền nhân thân của con người trong việc cai nghiện.

- Mã số định danh cá nhân sẽ thay thế chứng minh thư, đó là điều chắc chắn. Nhưng theo ông, nó có thay thế sổ hộ khẩu được không?

- Quản lý công dân theo mã số định danh đã được rất nhiều nước trên thế giới áp dụng. Ở ta, Bộ Công an, Bộ Tư pháp cũng đã nghiên cứu từ lâu để thay thế chứng minh nhân dân hiện nay. Việc nó có thay thế được sổ hộ khẩu hay không hoàn toàn do ý chí của Nhà nước, nếu Quốc hội, Chính phủ thấy cần thiết thì giao cho cơ quan chức năng nghiên cứu để quy định.

- Nhưng bỏ hình thức này thì lại có hình thức khác để quản lý? Hình thức đó theo ông phải như thế nào?

- Đây là vấn đề hoàn toàn có thể xử lý bằng công nghệ thông tin. Khi xây dựng mã số định danh của công dân, tất cả những thông tin cơ bản của một con người sẽ được tích hợp vào đó, đi đến đâu cơ quan chức năng cũng quản lý qua mã số này. Còn nếu nói bỏ hình thức này lại quản lý bằng hình thức khác thì nó sẽ không đạt được mong muốn của Chính phủ khi ban hành Nghị quyết 112 và cũng không đạt được mong muốn và kỳ vọng của người dân. Tôi tin là với xu thế hiện đại, dân chủ, văn minh thì chính quyền và cơ quan chức năng sẽ không thể giữ cách quản lý cũ, có chăng chỉ giữ lại một số nội dung quản lý liên quan đến an ninh, trật tự chung, còn về cơ bản là phải cởi mở, nhất là về hình thức và phương thức quản lý. Người dân và báo chí phải chủ động giám sát việc thực hiện Nghị quyết 112 của các cơ quan chức năng, phía đại biểu Quốc hội cũng sẽ giám sát.

- Nhưng hiện tại theo cơ quan công an thì chưa thể bỏ sổ hộ khẩu mà đến năm 2020, khi đã cấp mã số định danh cho toàn bộ dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã thu thập đủ thì lúc đó mới bàn đến việc bỏ sổ hộ khẩu?

- Tôi nghĩ rằng, trong lúc chờ bỏ sổ hộ khẩu thì tư tưởng của Chính phủ trong việc thay đổi này cũng cần được thể hiện ngay trong cách hành xử của cán bộ, nhân viên các cơ quan công quyền khi quan hệ với người dân; có những thứ thấy không cần thiết phải sử dụng sổ hộ khẩu thì bỏ ngay đi, đừng bắt buộc người dân phải xuất trình sổ hộ khẩu nữa.

- Liên quan đến việc bỏ quản lý bằng sổ hộ khẩu, phía ngành công an cho biết sẽ phải sửa một số luật thì mới thực hiện được. Với tư cách là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, xin ông đưa ra quan điểm về vấn đề này?

- Theo tôi, nếu vấn đề nào có lợi cho đông đảo người dân, được người dân đồng tình hưởng ứng mà vướng các quy định hiện hành thì Quốc hội cũng nên sớm sửa đổi các luật liên quan, thậm chí vấn đề hộ khẩu nếu thực sự cấp thiết thì có thể áp dụng Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo phương thức một luật sửa nhiều luật và thảo luận, thông qua tại một kỳ họp.

- Xin cảm ơn ông!