Bộ Giao thông vận tải không chấp thuận nhà đầu tư “dọa” trả dự án ETC

NDO -

NDĐT - Ngày 14-11, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã chính thức lên tiếng, thể hiện quan điểm không chấp thuận việc nhà đầu tư Công ty TNHH thu phí tự động VETC, xin dừng triển khai dự án thu phí tự động không dừng để chuyển giao cho nhà đầu tư khác hoặc Nhà nước nhận lại dự án để tiếp tục thực hiện.

Nhiều phương tiện không có thẻ E-tag vẫn đi vào làn ETC.
Nhiều phương tiện không có thẻ E-tag vẫn đi vào làn ETC.

Hiện đại hóa hạ tầng giao thông

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), việc triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) nhằm mục đích khắc phục, hạn chế bất cập của hình thức thu phí một dừng (như tăng cường tốc độ lưu thông, tạo thuận lợi cho người dân), hiện đại hóa cơ sở hạ tầng giao thông, bảo đảm an toàn giao thông, tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý doanh thu tại các trạm thu phí.

Ngày 27-3-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức ETC làm cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện, trong đó giao cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập, phê duyệt dự án đầu tư thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ điện tử tự động không dừng và tổ chức lựa chọn đơn vị độc lập tổ chức thu phí.

Thực hiện chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ, Bộ GTVT đã lập, phê duyệt dự án và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ theo quy định. Công nghệ được lựa chọn là RFID, được áp dụng tại nhiều nước châu Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), có chi phí hợp lý, phù hợp điều kiện giao thông cũng như thói quen và hành vi của người tham gia giao thông tại Việt Nam.

Hệ thống thu phí ETC tại các trạm thu phí BOT được chia làm hai giai đoạn (hai dự án) bao gồm dự án giai đoạn 1, áp dụng cho các dự án BOT cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1 và quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên), với tổng số 44 trạm, gồm 26 trạm trên quốc lộ 1 và quốc lộ 14, còn lại 18 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác.

Dự án này được giao cho Công ty TNHH thu phí tự động VETC (thuộc Công ty cổ phần Tasco) triển khai thực hiện, đến nay các trạm thu phí thuộc dự án giai đoạn 1 đã cơ bản lắp đặt và vận hành hệ thống ETC. Đến thời điểm này, Bộ GTVT đã tiến hành đàm phán, ký Phụ lục Hợp đồng BOT với 35/39 trạm, bốn trạm đang tiếp tục đàm phán.

Dự án giai đoạn 2 gồm 33 trạm, Bộ GTVT đã tổ chức đấu thầu quốc tế rộng rãi và lựa chọn Liên danh Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và một số doanh nghiệp về công nghệ là nhà đầu tư thực hiện dự án. Hiện nay, Liên danh đang hoàn thiện các thủ tục xin phép Thủ tướng Chính phủ thành lập doanh nghiệp dự án để triển khai các bước tiếp theo, tuân thủ quy định.

Trước mắt, trong thời gian đầu khi dự án đưa vào khai thác, để hình thành thói quen cho người dân sử dụng dịch vụ, tại mỗi trạm thu phí sẽ vận hành một làn thu phí hỗn hợp mỗi hướng để cho các phương tiện chưa dán thẻ E-tag có thể lưu thông.

Vì sao chậm triển khai?

Tuy nhiên, mới đây, nhà đầu tư dự án đã có các văn bản số 530/VETC-ĐT (ngày 23-10) và số 246/TASCO-ETC (ngày 5-11) đề xuất Bộ Giao thông vận tải dừng triển khai hợp đồng thu phí không dừng (ETC), với lý do tỷ lệ thu phí ETC thấp, thực tế chỉ đạt khoảng 10% so với kế hoạch, khiến mức lỗ lũy kế đến thời điểm cuối tháng 9-2019 lên tới 300 tỷ đồng. Nhà đầu tư (Công ty cổ phần Tasco) đã phải cung ứng vốn tương ứng với số lỗ lũy kế để bù đắp dòng tiền duy trì công tác vận hành. Nếu hết năm 2020, dự án chỉ triển khai được 36 trạm, doanh nghiệp sẽ lỗ lũy kế vận hành khoảng 580 tỷ đồng.

Ông Phạm Văn Lượng, Chủ tịch HĐTV Công ty VETC cho hay, dự án triển khai đã được 5 năm, mức đầu tư lên tới 2.030 tỷ đồng, đã đầu tư và vận hành ETC 23/27 trạm. Tuy nhiên, đến nay, VETC mới ký được phụ lục hợp đồng/hợp đồng dịch vụ 11 trạm, 33 trạm còn lại, một số nhà đầu tư BOT chưa ký hợp đồng dịch vụ, không bàn giao làn thu phí để đầu tư hệ thống ETC; không trả phí dịch vụ vận hành mặc dù trạm đã hoàn thành đầu tư và thực hiện nghiệm thu...

Thậm chí, các nhà đầu tư BOT chưa đồng ý tổ chức đàm phán hợp đồng; chưa đồng ý mức trích tỷ lệ sử dụng dịch vụ hoặc nhà đầu tư BOT đồng ý mức trích nhưng chờ sự đồng thuận từ Ngân hàng tài trợ vốn... Kết quả tiến độ không đạt mục tiêu đề ra rất chậm và kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc duy trì và vận hành dự án, chưa bảo đảm tiến độ theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Bộ GTVT dự kiến hoàn thành lắp đặt làn ETC trước ngày 31-12-2019.

Công ty VETC đề nghị Bộ GTVT lựa chọn nhà đầu tư khác nhận chuyển giao dự án hoặc Nhà nước nhận lại dự án tiếp tục triển khai thực hiện, phát huy lợi ích và hiệu quả của dự án mang lại cho xã hội, đất nước. Công ty cũng đề xuất Bộ GTVT có văn bản báo cáo Thủ tướng xin ý kiến chỉ đạo cho dừng hợp đồng và thực hiện các thủ tục phá sản doanh nghiệp theo quy định trong tháng 12-2019, trong trường hợp những tồn tại và khó khăn đã báo cáo ở trên không được giải quyết.

Nếu bắt buộc tiếp tục thực hiện dự án, Công ty VETC đề nghị Bộ GTVT chia sẻ rủi ro, bù doanh thu thiếu hụt so với phương án tài chính của hợp đồng dự án.

Lãnh đạo Bộ GTVT thừa nhận do nhiều nguyên nhân khách quan nên việc triển khai dự án gặp nhiều khó khăn. Vướng mắc lớn nhất hiện nay của dự án là doanh thu hoàn vốn cho dự án ETC không như dự kiến ban đầu do tiến độ ký hợp đồng dịch vụ, trích doanh thu còn chậm. Ngoài ra, việc nhiều dự án BOT sụt giảm doanh thu so phương án tài chính ban đầu (do lưu lượng phương tiện thấp hơn so với dự báo, chưa được tăng phí theo đúng lộ trình trong hợp đồng, việc giảm phí cho người dân sinh sống khu vực lân cận trạm thu phí theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ) cũng làm ảnh hưởng đến nguồn thu của dự án thu phí ETC.

Bộ Giao thông vận tải không chấp thuận nhà đầu tư “dọa” trả dự án ETC ảnh 1

Chỉ dẫn phương tiện dán thẻ mới được đi vào làn ETC.

Bên cạnh đó, số lượng phương tiện dán thẻ E-tag và nộp tiền vào tài khoản giao thông để tham gia dịch vụ chưa cao (khoảng 800 nghìn thẻ trên tổng số 3,5 triệu phương tiện dán thẻ sử dụng dịch vụ ETC, do chủ phương tiện vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt, trong khi việc thanh toán, nộp và quản lý tài khoản giao thông chưa thuận tiện cho người sử dụng, dẫn đến chưa khuyến khích được người dân tham gia dịch vụ.

“Việc bắt buộc các phương tiện chưa dán thẻ E-tag không được đi qua làn thu phí ETC mặc dù đã được triển khai nhưng vẫn cần có lộ trình và chế tài để thực hiện”, đại diện lãnh đạo Bộ GTVT nhận xét.

Nguy cơ “vỡ” tiến độ

Đối với đề xuất dừng triển khai dự án để chuyển giao cho nhà đầu tư khác hoặc Nhà nước nhận lại dự án để tiếp tục thực hiện của VETC, Bộ GTVT không đồng thuận giải pháp dừng triển khai dự án hoặc Nhà nước tiếp nhận lại dự án, đồng thời yêu cầu Công ty VETC phải có trách nhiệm tiếp tục thực hiện hợp đồng đã ký. Bộ GTVT sẽ phối hợp VETC và các đơn vị, cơ quan liên quan từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với quyết tâm cao để hoàn thành dự án.

VETC cam kết vẫn tiếp tục thực hiện hợp đồng đã ký với bên liên quan, bảo đảm đầy đủ quyền lợi của đối tác, người sử dụng dịch vụ và công ty diễn ra bình thường.

Thừa nhận dự án giai đoạn 2 lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ ETC đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoàn thành từ tháng 5-2019, tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ GTVT, đến thời điểm này, nhà đầu tư chưa hoàn thiện thủ tục thành lập doanh nghiệp dự án theo quy định, dẫn đến chưa đủ cơ sở pháp lý để thực hiện các bước tiếp theo như thiết kế bản vẽ thi công, ký hợp đồng tín dụng, thi công lắp đặt thiết bị…

“Với tiến độ thành lập doanh nghiệp dự án chậm như hiện nay, dự án có nguy cơ không hoàn thành đúng tiến độ theo Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ”, lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá.

Đưa ra giải pháp tập trung thực hiện để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện quyết liệt giải pháp phân luồng giao thông tại các trạm trên quốc lộ 1 và một số trạm cửa ngõ các thành phố lớn để khuyến khích chủ phương tiện dán thẻ E-tag và tham gia dịch vụ, tăng cường hiệu quả của hệ thống.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ đàm phán hợp đồng dịch vụ, lắp đặt thiết bị, bàn giao công tác quản lý thu phí và trích chi phí quản lý thu phí tự động theo phương án tài chính của dự án; chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam và các cơ quan đơn vị liên quan tiếp tục dán thẻ cho các phương tiện.

Ngoài ra, phối hợp Công ty VETC để tăng cường năng lực thông qua phương án bổ sung các nhà đầu tư có năng lực tham gia dự án thu phí tự động không dừng như đề xuất của Công ty VETC; hoàn thiện kết nối liên thông tài khoản cá nhân tại các ngân hàng thông qua cổng thanh toán điện tử và một số giải pháp liên thông tài khoản khác nhằm tạo sự thuận lợi, minh bạch cho người sử dụng.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng nêu quan điểm: Trong quá trình triển khai các dự án BOT, việc quản lý doanh thu là một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhằm bảo đảm tính minh bạch, phòng chống tiêu cực trong giai đoạn vận hành, khai thác. Đây chính là vấn đề được Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và dư luận xã hội, nhân dân đặc biệt quan tâm. Việc triển khai các dự án thu phí tự động không dừng sẽ đóng vai trò một giải pháp nhằm tăng cường tính hiệu quả trong công tác quản lý doanh thu tại các trạm BOT.