Bình Thuận cần tái cơ cấu nông nghiệp để thích ứng với hạn hán

NDO -

NDĐT - Ngày 25-5, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận về các giải pháp khắc phục hạn hán.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tại buổi làm việc với tỉnh Bình Thuận về các giải pháp khắc phục hạn hán.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tại buổi làm việc với tỉnh Bình Thuận về các giải pháp khắc phục hạn hán.

Năm nay, nắng nóng diễn ra gay gắt trong phạm vi toàn tỉnh Bình Thuận, cao nhất trong hơn 10 năm trở lại đây gây nên tình trạng hạn hán, thiếu nước sản xuất và sinh hoạt trầm trọng. Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận, tính đến ngày 23-5-2020, lượng nước còn lại trong các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn toàn tỉnh là 11,16 triệu m3/259,38 triệu m3 dung tích hữu ích thiết kế, đạt 4,3%. Nguồn nước tự nhiên trên các sông suối trong phạm vi tỉnh đều cạn kiệt, mực nước ngầm bị suy giảm mạnh, các giếng khoan, giếng đào ở các địa phương trong tỉnh đều trong tình trạng cạn nước, có nhiều khu vực không còn nước, hoặc đã bị nhiễm mặn.

Ông Mai Kiều, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết, vụ Đông Xuân năm 2019-2020, tỉnh phải cắt giảm 13.986 ha diện tích cây trồng, trong đó có hơn 13.218 ha lúa. Vụ hè thu chỉ gieo trồng ở khu vực đồng bằng La Ngà thuộc khu tưới của Đập dâng Tà Pao, còn 30.000 ha lúa do thiếu nguồn phải chờ mưa, chưa thể sản xuất theo kế hoạch. Toàn tỉnh có 43 xã, phường, thị trấn thiếu nước sinh hoạt cục bộ với tổng số 27.271 hộ/114.095 nhân khẩu ở khu vực nông thôn. Trong đó có một số địa phương, người dân phải mua nước sinh hoạt với giá dao động từ 60.000 - 120.000 đồng/m3.

Trước tình hình nắng hạn kéo dài, tỉnh Bình Thuận đã xây dựng ba phương án kế hoạch sản xuất vụ hè thu năm 2020 theo các tình huống: có mưa sớm; mưa sau ngày 15-5 và mưa sau ngày 30-6.

Cùng với đó, tỉnh cũng đã triển khai nhiểu giải pháp trước mắt khắc phục hạn hán, như: nạo vét kênh mương, các cửa lấy nước hồ chứa Trạm bơm bị bồi lấp, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến, đào ao, giếng, đắp đập tạm trên sông, suối để trữ nước; Mua bồn, xây bể chứa nước sạch trữ nước phục vụ sinh hoạt. Tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên trên sông, suối trữ và nước ngầm cung cấp nước thô phục vụ hoạt động của các hệ thống công trình cấp nước tập trung. Xây dựng cụ thể kế hoạch cấp, sử dụng các nguồn nước phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất ngay từ đầu mùa khô chi tiết đến từng công trình thủy lợi, từng địa phương trong tỉnh.

Bình Thuận cần tái cơ cấu nông nghiệp để thích ứng với hạn hán ảnh 1

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp kiểm tra thực địa công trình hồ chứa nước Sông Lũy (Bình Thuận) đang được thi công.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá năm 2020, Bình Thuận gặp hạn cực điểm cao hơn 2015-2016. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo tỉnh để khắc phục hạn hán. Lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo rất sớm các biện pháp để ứng phó với hạn hán. Đến thời điểm này hạn chế tối đa thiệt hại trong sự kiểm soát.

Tuy nhiên, để bảo đảm an ninh nguồn nước về lâu dài thì cần phải có giải pháp công trình và phi công trình. Về phi công trình, Bình Thuận cần phải tái cơ cấu lại nông nghiệp, tính toán chuyển đổi hợp lý cơ cấu cây trồng, sử dụng cây trồng ngắn ngày, chịu hạn. Rà soát lại phát triển kinh tế - xã hội, giảm diện tích trồng lúa sử dụng nhiều nước. Về công trình, trong bất kể tình huống nào phải bảo đảm nước theo thứ tự ưu tiên: nước sinh hoạt cho người dân, thứ hai là cho gia súc và thứ ba mới là cho sản xuất. Phải đưa ra kịch bản xấu nhất để tính toán các tình huống trên tinh thần thích nghi có kiểm soát bằng việc xây dựng các công trình thủy lợi. Đẩy nhanh xây dựng các công trình hiện có và hoàn thiện các công trình chuyển nước để đến năm 2025 cơ bản khắc phục được tình trạng hạn hán ở Bình Thuận.

Tỉnh phải triển khai nhanh việc giải phóng mặt bằng, giải ngân một số công trình thủy lợi đang triển khai thực hiện như hồ Ka Pét, hệ thống kênh kết nối các hồ chứa; tính toán phân phối chuyển nước hợp lý giữa các hồ, tránh để thất thoát, tăng hệ số sử dụng nước; phải tính toán sử dụng nước tuần hoàn. Trước mắt Bộ cấp năm tỷ đồng giao cho các đơn vị của Bộ phối hợp cùng với tỉnh để thực hiện công tác khảo sát, chuẩn bị đầu tư Hồ La Ngà 3

Trước đó, ngày 24-5, đoàn công tác của Bộ đã đi kiểm tra thực địa một số công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.