Bị thu hồi đất không có chính sách tái định cư, dân lo không chỗ ở

NDO -

NDĐT - Dự án Khu đô thị mới huyện Thới Lai ở ấp Thới Thuận B, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ khiến 140 hộ dân sống dọc theo Tỉnh lộ 922 bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, hàng chục hộ chưa bàn giao mặt bằng, tiếp tục khiến nại vì tiền bồi thường quá thấp, không mua được đất ở bất cứ nơi nào, cũng như không có chính sách tái định cư nên không thể ổn định cuộc sống.

Căn nhà của ông Liêu Dương cặp Tỉnh lộ 922 bị ảnh hưởng - thu hồi bởi dự án Khu đô thị mới Thới Lai.
Căn nhà của ông Liêu Dương cặp Tỉnh lộ 922 bị ảnh hưởng - thu hồi bởi dự án Khu đô thị mới Thới Lai.

Đã thấy sự mất mát của người dân

Sau khi Báo Nhân Dân điện tử và một số cơ quan báo chí phản ánh việc “Bất cập trong hỗ trợ, bồi thường tại Khu đô thị mới Thới Lai”, ngày 9-7 UBND huyện Thới Lai đã tổ chức họp báo để thông tin chi tiết về dự án nói trên. Ngoài các bộ phận chuyên môn của huyện còn có sự tham gia của một số ban, ngành TP Cần Thơ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Lai Nguyễn Thành Út cho biết, huyện Thới Lai sau khi chia tách đã triển khai các dự án như khu độ thị mới, mở rộng phát triển chợ Thới Lai, cầu Rạch Nhum, Rạch Tra. Từ năm 2016 đến nay, có 1.200 hộ dân chịu ảnh hưởng bởi các dự án của huyện, nhất là dọc theo Tỉnh lộ 922. Còn dự án Khu đô thị mới Thới Lai được mời gọi đầu tư nhiều năm liền, đến năm 2016 thì Công ty CP Cadiff tham gia đầu tư.

Dự án có tổng diện tích là 9,8 ha, tổng số 140 hộ dân bị ảnh hưởng, thu hồi đất buộc phải di dời. Chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với số tiền hơn 74 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường về đất hơn 66 tỷ đồng. UBND huyện Thới Lai đã ban hành quyết định phê duyệt phương án hỗ trợ, bồi thường 140 hộ nhưng đến nay chỉ có 119 hộ nhận tiền, với số tiền hơn 56 tỷ đồng và 64 hộ đã có quyết định phê duyệt chính sách tái định cư. Riêng 21 hộ chưa nhận tiền, trong đó có 18 hộ có nhà và đất cặp Tỉnh lộ 922. Dự án Khu độ thi mới đang xây dựng rầm rộ, nhưng hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng, thu hồi đất vẫn chưa đồng tình, tiếp tục khiếu nại.

Bị thu hồi đất không có chính sách tái định cư, dân lo không chỗ ở ảnh 1

Một số căn nhà bị ảnh hưởng - thu hồi đã bị đập phá, giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Theo ông Lê Tấn Thiện, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thới Lai, tổng số có 59 hộ sử dụng đất cặp Tỉnh lộ 922. Trong đó, có hai trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là ông Võ Thành Ngôn và Nguyễn Hữu Lộc; 11 trường hợp được xét đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ); 46 hộ còn lại không đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ. Đến thời điểm hiện tại 41 hộ đã nhận tiền, 18 hộ chưa nhận tiền, 25 hộ giao mặt bằng và 34 hộ chưa giao. “Quy trình và hình thức làm rất chặt chẽ, nhưng người dân bức xúc về giá bồi thường thấp nên khiếu nại”, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Lai Nguyễn Thành Út nói.

Trước câu hỏi của báo chí về thông tin có hay không “việc Nhà nước từng cấp sổ đỏ cho nhiều hộ dân ven tỉnh lộ 922 vào năm 1990, sau đó xã “mượn” lại để kiểm tra thông tin, rồi thu hồi luôn. Riêng ông Lộc và ông Sáu, mà sau này là ông Ngôn giữ lại, nên vẫn có sổ. Qua đó thể hiện việc cơ quan chức năng đã từng cấp giấy đỏ và xác nhận chủ quyền của những hộ dân nằm trong khu vực bị ảnh hưởng bởi dự án”. Đại diện UBND huyện Thới Lai trả lời: “Ông Lộc được cấp giấy vào năm 2004, còn ông Ngôn cấp đổi là năm 2014. Trước đó ông Ngôn được cấp sổ theo bản đồ đo đạc 302. Sau khi xem xét không có cơ sở không thu hồi hai giấy chứng nhận trên. Ngoài ra trong số 11/59 trường hợp được xét đủ điều kiện được cấp GCNQSDĐ, bởi có kê khai, sổ mục kê và nằm trong tờ bản đồ 302...”.

Còn Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thới Lai nói: “Một số hộ dân cho rằng tôi trích lục theo bản đồ 302 và có ghi diện tích đất ODT (ở đô thị) và xác nhận của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nhưng không được xem xét đủ điều kiện bồi thường. Để được xem xét cấp giấy chứng nhận phải có tên trong các loại giấy tờ được thiết lập theo Chỉ thị số 299. Không thể theo bản đồ số 302. Bởi vào năm 2004, UBND TP Cần Thơ có chủ trương về việc số hóa hệ thống hồ sơ địa chính đo đạc chính quy, nên có thuê đơn vị đo đạc để làm cơ sở quản lý chứ không phải lấy đó làm cơ sở cấp giấy chứng nhận”. Tuy nhiên, việc những kết quả trích lục hồ sơ của cơ quan chức năng huyện Thới Lai thể hiện rõ là đất ODT nhưng lại không được xem xét khi bị thu hồi đã khiến người dân bức xúc.

Đại diện các cơ quan báo chí đặt nhiều câu hỏi: Nếu không phải là đất ODT thì Văn phòng đăng ký đất đai huyện Thới Lai căn cứ vào đâu để xác định hàng chục hộ dân có đất ODT để trả lời kết quả trích lục với người dân? Bên cạnh đó, người dân ở trên đất của họ ổn định hàng chục năm trời, đã nhiều lần làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không được cơ quan chức năng địa phương chấp thuận, đến khi bị quy hoạch, họ bị thu hồi đất giá rẻ tạo nên nhiều bức xúc. Mặt khác, đất được xác định là ODT và có đóng thuế hằng năm nhưng lại không được bồi thường? Tuy nhiên, các câu hỏi này không được cơ quan chức năng lý giải cụ thể. Đại diện UBND huyện này chỉ nói rằng, họ đã nhìn thấy mất mát của người dân nhưng phải giải quyết theo quy định.

Sẵn sàng hợp tác nếu bồi thường thỏa đáng

Hiện dự án “Khu đô thị mới huyện Thới Lai” đang được các công nhân, máy móc thi công rầm rộ, nhộn nhịp bên trong phần đất đã được giải tỏa. Tiến ra phía ngoài Tỉnh lộ 922 là một dãy nhà được đề bảng cho thuê, đóng kín cửa hoặc một vài hộ đang sinh sống nhưng ai nấy đều trong tâm trạng buồn bã, hoang mang. Cạnh những hộ này là một số căn nhà khác bị đập tường, tháo vách và theo người dân sẽ sớm nhường chỗ lại cho dự án. Trong số hàng chục hộ còn khiếu nại chưa đồng thuận giao mặt bằng cho địa phương có rất nhiều hoàn cảnh khó khăn. Điển hình như bà Đào Thị Xẹp (55 tuổi) nhiều tháng nay mất ăn mất ngủ, nơm nớp lo không còn chỗ ở nếu bị giải toả, thu hồi nhà đất. Bị tiểu đường sáu năm nay và đang điều trị bệnh nhưng biết căn nhà, đất sắp bị giải tỏa, bồi thường với giá “bèo” khiến bệnh tình bà Xẹp càng thêm trở nặng. “Bồi thường tổng cộng chỉ 700 triệu đồng thì sao mua được hai nền nhà ở nơi khác, chứ chưa nói việc xây lại nhà cửa. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác, chấp nhận giao mặt bằng nhưng đề nghị được cấp nền, còn tiền bồi thường sẽ cất nhà thì cuộc sống mới không rơi vào bi kịch”, bà Xẹp nói như khóc.

Còn gia đình ông Liêu Dương về sinh sống ở ấp Thới Thuận (nay là Thới Thuận B) từ năm 1985 cho tới nay trên diện tích 145 m2 được cha ông cho lại. Trước đây, Nhà nước có mở con đường, gia đình có hiến đất, phần còn lại được gia đình cất nhà ở. Trong quá trình sinh sống, gia đình ông Liêu Dương có mở cơ sở làm cửa sắt để mưu sinh hằng ngày. Sau khi con gái lập gia đình, ông chia phân nửa diện tích cho con. “Khi bị quy hoạch, tôi có yêu cầu cấp hai nền tái định cư cho vợ chồng tôi và vợ chồng con gái. Ngoài ra mức giá bồi thường là sáu triệu đồng chứ không phải là 2,4 triệu đồng/m2 như bao nhiêu người khác sống cùng khu vực này. Nhà cửa cuộc sống đang ổn định, nay bị quy hoạch, thu hồi mà giá rẻ bèo sẽ đẩy vợ chồng con cái chúng tôi đi vào bế tắc, lao đao vì bị xáo trộn, mất thu nhập và không tìm được nơi ở”, ông Dương giãi bày.

Bị thu hồi đất không có chính sách tái định cư, dân lo không chỗ ở ảnh 2

Không đồng thuận với giá bồi thường thấp và không cấp tái định cư, hàng chục hộ dân tiếp tục khiếu nại kéo dài.

Tương tự, ông Lê Văn Hữu cho biết, gia đình ông hiện có sáu người, đã đến đây ở ổn định và cất nhà từ năm 1997. Đất có diện tích trên 80 m2, với mức giá bồi thường 2,4 triệu đồng/m2 thì chỉ có có 352 triệu đồng. “Số tiền này gia đình không thể mua đất, cất nhà như hiện tại được. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác nếu được bồi thường thỏa đáng, chính quyền huyện, thành phố cần xem xét thấu đáo những khó khăn, mất mát của người dân”, ông Hữu kiến nghị.

Còn anh Nguyễn Hoàng Trung Kiên cho biết, gia đình mình và các anh chị em bị mất hơn 3.000 m2 đất nông nghiệp và hàng trăm mét đất mặt tiền tỉnh lộ 922 bởi dự án Khu đô thị mới Thới Lai. “Riêng tôi bị dính giải tỏa là gần 25 m2 và chỉ được hỗ trợ 2,4 triệu/m2. Chủ đầu tư đưa ra suất bán mỗi nền là 60 m2, trong đó 24,5 m2 bán bằng với giá bồi thường, phần còn lại không được cho biết giá trước nên rất hoang mang. Chắc chắn rằng giá cao hơn nhiều, mà người dân còn phải đóng thêm tiền mục đích sử dụng đất, cơ sở hạng tầng. “Cuộc sống sau này sao ổn định được, lấy tiền đâu bù vào. Ngành chức năng địa phương cho rằng mục tiêu sau khi hoàn thành dự án sẽ từng bước hoàn thiện nhu cầu phát triển đô thị, tạo môi trường sống khang trang, văn minh. Nhưng hàng chục hộ dân chúng tôi đang bị đẩy vào thế bí, không có chỗ ở nếu không được cấp tái định và mức giá bồi thường như những hộ khác. Vậy thì chính quyền địa phương sẽ bất chấp cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng ra sao để hoàn thành dự án hay không. Chúng tôi chỉ yêu cầu được xem xét quyền lợi chính đánh để ổn định cuộc sống sau khi bị giải toả và sẵn sàng phối hợp với cơ quan chức năng”, anh Kiên thổ lộ.

Ông Nguyễn Thành Út, Phó Chủ tịch UBND H.Thới Lai trả lời: “Hộ nào có đất thổ cư đủ điều kiện bồi hoàn thì sáu triệu đồng/m2, còn không đủ chỉ 30% số đó. Tuy nhiên, UBND huyện thấy người dân mất mát cũng lớn nhưng chỉ biết căn cứ theo quy định, điều khoản nào chứ không dám thêm bớt. Do đó tôi có mạnh dạn kiến nghị với thành phố là trước đây các dự án trong thành phố là 30%, đề nghị nâng lên. Sau đó Chủ tịch UBND thành phố ban hành quyết định cụ thể là 40%”.

* Bất cập trong hỗ trợ, bồi thường tại khu đô thị mới Thới Lai