Bất cập trong hỗ trợ, bồi thường tại khu đô thị mới Thới Lai

NDO -

NDĐT - Hàng chục hộ dân ấp Thới Thuận B, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ bức xúc trước những bất cập và thiếu công bằng trong việc hỗ trợ, đền bù, tái định cư tại dự án khu đô thị mới ở huyện này.

Ông Nguyễn Hoàng Trung Kiên và các anh chị em trong gia đình bị ảnh hưởng, mất đất nhiều nhất bởi dự án khu đô thị mới Thới Lai.
Ông Nguyễn Hoàng Trung Kiên và các anh chị em trong gia đình bị ảnh hưởng, mất đất nhiều nhất bởi dự án khu đô thị mới Thới Lai.

Dự án này do Công ty CP tư vấn thiết kế Cadif làm chủ đầu tư, với diện tích đất sử dụng khoảng 9,5ha, tổng vốn đầu tư hơn 103 tỷ đồng. Dự án được UBND TP Cần Thơ ban hành quyết định chủ trương đầu từ vào tháng 7-2016. Đến đầu tháng 12-2017, UBND huyện Thới Lai ban hành Quyết định số 5357/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, với tổng số tiền hơn 73 tỷ đồng.

Theo phương án này, loại đất ODT (ở đô thị) được bồi thường giá sáu triệu đồng/m2 và được cấp nền tái định cư. Tuy nhiên, trong số hàng chục hộ dân đang sử dụng cùng vị trí đất cặp lề lộ đường tỉnh 922 bị ảnh hưởng bởi dự án, chỉ có hai hộ được bồi thường mức giá này vì có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ). Những trường hợp còn lại chỉ được bồi thường 40% mức giá trên, tức 2,4 triệu đồng/m2 và không được xét cấp tái định cư, lý do là đất không đủ điều kiện và không có giấy CNQSDĐ. Từ đây, những bất cập bắt đầu xuất hiện khiến người dân khiếu nại kéo dài vì không thuyết phục.

Trong đơn trình bày gửi đến Nhân Dân điện tử, các hộ dân cho biết, do đất ở định cư cũng như kinh doanh, sản xuất từ trước năm 1995 đến nay nên đã nhiều lần yêu cầu ngành chức năng cấp giấy CNQSDĐ trước thời điểm công bố quy hoạch rất lâu nhưng đều bị từ chối.

Ông Nguyễn Hoàng Trung Kiên cho biết, tám anh chị em trong gia đình được cha là Nguyễn Hoàng Việt phân chia đất để làm ăn, sinh sống. Tuy nhiên, ngày 5-12-2017, UBND huyện Thới Lai ban hành Quyết định số 5354 về việc thu hồi 3.004 m2 đất lúa và 295,5 m2 đất ODT (được Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP Cần Thơ công nhận và lưu trữ theo bản đồ 302 và bản đồ 299) mà gia đình đã trực tiếp sử dụng và sản xuất kinh doanh từ trước 1995 đến nay.

“Từ năm 1991, cha tôi, đến các anh chị rồi đến tôi cũng như nhiều hộ dân khác đã nhiều lần xin được cấp giấy CNQSDĐ nhưng không được. Mặc dù, giấy tờ của gia đình chúng tôi là đầy đủ điều kiện, cụ thể là sổ kê khai diện tích và thu nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp - thuế đất... Tuy nhiên, một số hộ thì được cấp để được hưởng chính sách bồi thường, tái định cư mặc dù cùng là đất mương lộ như chúng tôi. Như thế là bất cập, bất công”, ông Kiên bức xúc.

Một bất cập nữa là tại các phiếu trích lục hồ sơ địa chính do Văn phòng đăng ký đất đai huyện Thới Lai trả lời hàng chục hộ dân nơi đây là không tìm thấy tên. Tuy nhiên, trong một bảng tổng hợp khác cũng do Văn phòng đăng ký đất đai huyện Thới Lai xác nhận hàng chục hộ dân này đều có đất ODT?

“Phải chăng còn có những khuất tất đằng sau việc bồi thường, thu hồi đất của người dân Thới Thuận B”, ông Kiên nêu nghi vấn.

Khi chúng tôi đến UBND huyện Thới Lai để làm việc, trao đổi trực tiếp và đặt ra một số câu hỏi thì một Phó Chánh văn phòng UBND huyện Thới Lai, Chánh Thanh tra huyện, Trưởng phòng TN-MT huyện lại hẹn trả lời bằng văn bản. Hơn một tuần sau, chúng tôi nhận được văn bản trả lời của UBND huyện Thới Lai do Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thành Út ký, nhưng không đáp ứng yêu cầu đã đặt ra, thậm chí là “nghèo nàn” thông tin.

Còn ông Lê Tấn Thiện, Trưởng phòng TN-MT huyện Thới Lai cho biết: “Giấy CNQSDĐ của hai hộ Nguyễn Hữu Lộc và Võ Thành Ngôn có giấy CNQSDĐ được cấp từ năm 1990, 1991. Còn vì sao hai hộ này được cấp vào thời điểm đó, huyện cũng đã xem xét lại, qua thanh tra, thẩm tra trình tự thủ tục, thì thời điểm đó là đúng quy định nên phải bồi thường đúng quy định. Chúng tôi cũng thấy được những bất cập giữa các hộ dân”.

Tuy nhiên, ông Liêu Dương, nguyên Phó ban Nhân dân ấp Thới Thuận (nay là ấp Thới Thuận B), là một trong những hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án cho rằng, thời điểm năm 1990 có rất nhiều hộ dân “bỗng nhiên” được nhà nước cấp sổ đỏ tại khu vực này. Ông Liêu Dương quả quyết, không ai đi làm, tự nhiên Nhà nước cấp sổ đỏ (giấy CNQSDĐ) thôi. Trong đó, có hộ của ông Liêu Dương, ông Phan Văn Bé (Trưởng ban Nhân dân ấp thời điểm đó), ông Nguyễn Hữu Lộc, ông Thái Hồng Quân và ông Nguyễn Văn Hoàng (Phó Chủ tịch UBND xã Thới Lai thời điểm đó), ông Nguyễn Văn Sáu…

“Được một thời gian, trên xã xuống “mượn” lại sổ đỏ để kiểm tra thông tin, rồi thu hồi luôn. Lý do là giấy CNQSDĐ đó cấp sai. Tôi, ông Bé, ông Quân và mấy người khác nữa chấp hành, nộp lại, nhưng có hai người không chịu nộp, giữ lại là ông Nguyễn Hữu Lộc và Nguyễn Văn Sáu nên có sổ đỏ luôn tới tận bây giờ. Sau đó, ông Nguyễn Văn Sáu bán phần đất này lại cho ông Nguyễn Văn Sĩ. Rồi ông Nguyễn Văn Sĩ bán cho ông Võ Thành Ngôn và vẫn được công nhận có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, ông Liêu Dương nói.

Theo kết luận tại Biên bản đối thoại do Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Đào Anh Dũng chủ trì ngày 17-5-2019, vị trí đất của các hộ dân bị thu hồi trên là đất lề lộ, mương lộ do Nhà nước quản lý nên không được xét duyệt đăng ký quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Trung Kiên, một trong hộ dân có đất bị ảnh hưởng nhiều nhất của dự án, vị trí khu đất của các hộ ông Nguyễn Hữu Lộc, Võ Thành Ngôn đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà UBND huyện Thới Lai cho rằng cấp đúng quy định pháp luật, cũng nằm cùng khu vực và vị trí lề lộ, mương lộ.

“Nhưng không hiểu vì sao họ lại được cấp sổ đỏ. Trong khi sổ đỏ của họ là sổ cấp sai quy định từ những năm 1990, đáng lý ra phải bị thu hồi thì nay được cho là đúng quy định pháp luật”, ông Kiên bức xúc.

Ông Kiên, ông Dương và hàng chục người dân khác trưng ra bảng tổng hợp điều chỉnh đợt bốn chính sách tái định cư của các hộ gia đình, cá nhân có tài sản bị ảnh hưởng bởi dự án khu đô thị mới Thới Lai ban hành kèm Quyết định 1694 ngày 17-5-2019 của UBND huyện Thới Lai đã có thêm ba trường hợp được nâng mức bồi thường lên sáu triệu đồng/m2 và cấp tái định cư.

“Đó là các hộ Hồ Khắc Mạnh, Phan Văn Bé, Trần Thanh Tuấn, đều cùng vị trí đất với chúng tôi và cũng được UBND huyện Thới Lai xác định là đất lề lộ đường tỉnh 922 mà vẫn được duyệt tái định cư và nâng giá bồi thường, còn hàng chục hộ khác thì không được duyệt. Pháp luật lẽ nào có sự thiên vị hay áp dụng riêng với từng cá nhân sống trong cùng khu vực, cùng vị trí và nguồn gốc đất như ở Thới Thuận B”, ông Nguyễn Hoàng Trung Kiên thắc mắc.

Mặc dù những bất cập trên chưa được cơ quan chức năng huyện Thới Lai giải quyết một cách thuyết phục nhưng UBND huyện đã ra quyết định cưỡng chế đối với các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án khu đô thị mới.

Nhiều người dân đặt vấn đề, phải chăng cơ quan chức năng đuối lý, bỏ qua lợi ích chính đáng của người dân?

Bất cập trong hỗ trợ, bồi thường tại khu đô thị mới Thới Lai ảnh 1

Phiếu xác nhận kết quả đo đạc hiện trạng đất thể hiện đất ODT nhưng Văn phòng đăng ký đất đai huyện Thới Lai cho rằng không tìm thấy tên của người sở hữu.