Hưởng ứng Ngày dân số Thế giới (11-7)

Bảo vệ quyền và sức khỏe của phụ nữ, trẻ em gái

Chủ đề Ngày Dân số thế giới (11-7) năm nay được Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) chọn là “Đẩy lùi Covid-19: Cách thức bảo vệ quyền và sức khỏe của phụ nữ, trẻ em gái trong bối cảnh hiện tại” nhằm kêu gọi hãy bảo vệ sức khỏe phụ nữ và trẻ em gái trong mọi hoàn cảnh.

Cán bộ dân số tư vấn về dân số - kế hoạch hóa gia đình cho người dân xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo (Điện Biên). Ảnh: VĂN QUYẾT
Cán bộ dân số tư vấn về dân số - kế hoạch hóa gia đình cho người dân xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo (Điện Biên). Ảnh: VĂN QUYẾT

Đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng tới tất cả mọi người, các cộng đồng và các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, hậu quả mà mỗi người phải hứng chịu là khác nhau.

Phụ nữ, đối tượng chiếm phần lớn nhân viên y tế tuyến đầu, phải đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm trước loại vi-rút cô-rô-na cao hơn. Các chuỗi cung ứng toàn cầu hiện đang gặp phải tình trạng gián đoạn, tác động tới khả năng tiếp cận thuốc tránh thai và gia tăng rủi ro có thai ngoài ý muốn. 

Theo thống kê của UNFPA, tốc độ gia tăng dân số thế giới sẽ cao, bình quân cứ một phút có 272 trường hợp trẻ em được sinh ra; một giờ có hơn 16.300 trẻ em ra đời, mỗi ngày có thêm 393 nghìn trẻ được sinh ra, mỗi năm thế giới tăng thêm 87 triệu người.

Trong khi đó, cũng theo nghiên cứu gần đây của UNFPA, nếu các quốc gia tiếp tục  áp dụng  lệnh cách ly xã hội trong vòng sáu tháng tới và các dịch vụ y tế vẫn bị gián đoạn thì 47 triệu phụ nữ ở các quốc gia thu nhập thấp - trung bình sẽ không thể tiếp cận với các phương pháp phòng tránh thai hiện đại. Hệ quả sẽ có khoảng bảy triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn và dự kiến có thêm khoảng 31 triệu vụ bạo lực trên cơ sở giới. 

Hưởng ứng Ngày Dân số thế giới năm nay, văn phòng UNFPA tại các quốc gia được khuyến khích nâng cao nhận thức về nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục, cũng như tính dễ bị tổn thương của phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh đại dịch; nhấn mạnh đến các cách thức bảo vệ những thành tựu không dễ gì đạt được. Bảo đảm nội dung về quyền và sức khỏe sinh sản và tình dục được đưa vào chương trình nghị sự quốc gia và tìm kiếm những phương pháp duy trì đà phát triển hướng tới việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.

Chính vì vậy, các nước trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Dân số thế giới là dịp để các cấp, các ngành, đoàn thể, quần chúng nhân dân ra sức thực hiện chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), các chương trình, giải pháp can thiệp giảm sinh bền vững, nâng cao chất lượng dân số, xây dựng quy mô gia đình nhỏ, mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con, khỏe mạnh, hạnh phúc và gia đình phát triển bền vững. 

Trong những năm qua, công tác DS-KHHGĐ ở nước ta đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong việc phấn đấu giảm sinh, hạ thấp tỷ lệ tăng dân số. Tốc độ tăng dân số bình quân hằng năm giảm từ 1,7% (giai đoạn 1989 - 1999) xuống 1,2% (giai đoạn 1999 - 2009) và khoảng 1% (từ năm 2010 đến nay). Số con trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm từ  6,39 con (năm 1960) xuống 2,33 con (năm 1999), đạt mức sinh thay thế 2,09 con (năm 2006), sớm hơn 10 năm  so với mục tiêu Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII) và tiếp tục được duy trì cho đến nay.

Ước tính quy mô dân số nước ta giảm được khoảng 20 triệu người nhờ có các chính sách DS-KHHGĐ phù hợp. Cơ cấu dân số thay đổi tích cực, số lượng và tỷ trọng dân số phụ thuộc giảm, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh. Nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007; chất lượng dân số được cải thiện; tỷ lệ suy dinh dưỡng, tử vong ở trẻ em giảm hai phần ba, tỷ số tử vong mẹ giảm ba phần tư so với năm 1990.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) Nguyễn Thị Ngọc Lan, với các nội dung của chủ đề Ngày Dân số thế giới, ngành dân số sẽ triển khai nhiều hoạt động truyền thông như: tổ chức hội nghị, hội thảo, mít-tinh, cổ động diễu hành, phát tờ rơi, treo pa-nô, áp-phích với nội dung tuyên truyền tại các tuyến đường trung tâm của các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo sẽ tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề tới cấp huyện, xã, buôn, làng, ấp... nhằm giới thiệu các mô hình, điển hình tiên tiến thực hiện công tác DS-KHHGĐ, nuôi dạy con, phát triển kinh tế hộ gia đình tốt. Lồng ghép hoạt động truyền thông trong các sinh hoạt văn hóa, hoạt động của buôn làng để người dân hiểu và tự nguyện thực hiện KHHGĐ. Mặt khác, ưu tiên tuyên truyền về các vấn đề đang đặt ra đối với công tác DS và phát triển; chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên, mất cân bằng giới tính khi sinh, duy trì vững chắc mức sinh thay thế, nâng cao chất lượng dân số, cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em, già hóa dân số, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, tư vấn và chăm sóc sức khỏe trước hôn nhân... 

Đáng chú ý, tăng cường tuyên truyền và bảo đảm việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ cho phụ nữ, trẻ em gái trong điều kiện thiên tai, nhất là khi dịch Covid-19 đang diễn ra. Tuyên truyền giảm mất cân bằng giới tính khi sinh, phổ biến pháp luật về việc nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức; thực thi các luật: bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình. Tăng cường truyền thông nêu cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội. Giáo dục kỹ năng sống hiệu quả, giáo dục giới tính toàn diện, chú trọng bình đẳng giới  để trẻ em gái được an toàn và phát triển đầy đủ thể chất và trí tuệ là điều cần thiết cho sự phát triển bền vững.