Bảo vệ môi trường từ những việc làm thiết thực

Để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cán bộ, hội viên phụ nữ và cộng đồng, những năm qua, Hội liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Lai Châu đã phát động đến hội viên nhiều phong trào thi đua với những việc làm thiết thực nhằm bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Qua đó góp phần giúp môi trường sống của gia đình các hội viên xanh, sạch hơn; nhận thức và ứng xử của hội viên với môi trường có chuyển biến tích cực.

Người dân bản Là, xã Mường Kim, huyện Than Uyên (Lai Châu) tham gia tái chế rác thải nhựa thành những vật dụng hữu ích.
Người dân bản Là, xã Mường Kim, huyện Than Uyên (Lai Châu) tham gia tái chế rác thải nhựa thành những vật dụng hữu ích.

Đầu năm 2020, xã Mường Kim, huyện Than Uyên được công nhận hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Việc trở thành xã nông thôn mới đã làm thay đổi bộ mặt trong đời sống xã hội của người dân nơi đây; trong đó, có sự thay đổi to lớn về cảnh quan, môi trường sinh thái, đường làng ngõ xóm… và quan trọng hơn chính là sự thay đổi trong nhận thức của người dân về việc ứng xử với môi trường.
 
 Tại bản Là của xã, gần một năm trở lại đây, người dân đã quen với việc gom túi ni-lông và chai nhựa qua sử dụng để tái chế thành bàn ghế ngồi uống nước cho nhà văn hóa; đồng thời tái chế thành gạch sinh thái để xây dựng các bồn cây, bồn hoa, lan can giữ đất trồng hoa dọc các tuyến đường tại khu sinh hoạt công cộng. Cùng với đó, các sản phẩm như lọ hoa, hoa giả…được tái chế từ nhựa sử dụng thay thế cho các sản phẩm khác ở nhà văn hóa và nhiều nhà dân. Để có được thói quen nêu trên, Hội LHPN xã đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền đến hội viên phụ nữ và bà con trong xã về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường sống, sự cần thiết phải hành động và thay đổi thói quen hằng ngày với rác thải; việc thu gom, phân loại, xử lý và tái chế để rác thải nhựa, túi ni-lông… trở thành vật dụng hữu ích.
 
 Chị Đinh Thị Hân, Chủ tịch Hội LHPN xã Mường Kim cho biết: Thông qua các buổi tuyên truyền về bảo vệ môi trường, tác hại của rác thải; việc trực tiếp được tham gia vào mô hình tái chế rác thải nhựa thành vật dụng hữu ích, sử dụng tại các điểm sinh hoạt công cộng của xã, nhận thức của hội viên phụ nữ có sự thay đổi rất nhiều. Từ những thay đổi đó, chị em áp dụng tại gia đình mình. Việc làm kể trên đã giúp cho nếp suy nghĩ, nhận thức của các thành viên trong gia đình đối với rác thải, vấn đề môi trường… cũng theo đó thay đổi theo. Nhờ vậy, môi trường sống, cảnh quan làng bản, đường làng, ngõ xóm sạch đẹp hơn.
 
 Tương tự tại huyện Tân Uyên, Hội LHPN huyện đã phát động các phong trào “Chống rác thải nhựa”, “hố rác gia đình”…, thành lập các tổ phụ nữ thu gom rác thải, tái chế thành gạch sinh thái… Hoạt động này thu hút sự tham gia của đông đảo hội viên các xã, tạo thành phong trào thi đua lớn, giúp làm sạch sinh thái, cải thiện môi trường sống. Tại các xã Phúc Khoa, Pắc Ta của huyện, nhiều công trình bồn cây, bồn hoa tại trụ sở UBND xã, nhà văn hóa các bản đều được chăm chút, vun vén, từ các viên gạch sinh thái làm từ túi ni-lông, chai nhựa - sản phẩm tái chế rác do chị em hội viên tranh thủ thời gian rảnh rỗi làm ra. Tại xã Pắc Ta, Hội LHPN xã còn tổ chức thu gom rác thải nhựa từ các hàng quán, sau đó “điều tiết” về cho các chi hội ở vùng sâu, vùng xa để hội viên đồng bào dân tộc thiểu số cùng tham gia làm ra các sản phẩm tái chế hữu ích sử dụng cho gia đình và cộng đồng.
 
 Theo bà Lý Hồng Quyên, Phó Chủ tịch thường trực Hội LHPN tỉnh Lai Châu, việc hướng hội viên tham gia vào các phong trào, hoạt động bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu là việc làm thiết thực, ý nghĩa. Đây cũng là trách nhiệm của mỗi người với vấn đề góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Những năm qua, Hội LHPN tỉnh đã phát động nhiều phong trào như: “Xây dựng chi hội phụ nữ năm không ba sạch”; phong trào “Chống rác thải nhựa”… Đồng thời, xây dựng các mô hình như: “Nhà sạch, vườn đẹp”, “Xây dựng con đường hoa”, “Tổ phụ nữ thu gom rác thải”, làm gạch sinh thái từ rác thải nhựa”… Thông qua các phong trào, mô hình nêu trên, đã có hàng trăm tổ phụ nữ tham gia thu gom rác thải ở các thôn, bản, tổ dân phố ra đời. Chị em đã làm ra hàng vạn viên gạch sinh thái từ chai nhựa, túi ni-lông; xây dựng được nhiều công trình ý nghĩa. Hội viên ở các chi hội đã giúp nhau đào hàng trăm “hố rác gia đình” giúp các gia đình yếu thế, xây dựng được hơn 200 mét đường hoa tại các thôn, bản; hỗ trợ cấp phát hàng nghìn chiếc chổi; hỗ trợ xây dựng hơn 1.000 nhà tiêu, chuồng trại mới hợp vệ sinh…
 
 Cùng với đó, các chi hội đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động hội viên thay đổi chính mình bằng việc làm cụ thể thường ngày của gia đình như: Sử dụng vật dụng mây tre đan làm làn đi chợ; tăng cường sử dụng vật dụng gia đình bằng nguyên liệu tự nhiên sẵn có thay vật liệu nhựa góp phần giữ gìn phong tục tập quán, nét văn hóa truyền thống.
 
 Việc tham gia các hoạt động kể trên bằng những việc làm, hành động cụ thể đã giúp môi trường sống tại các thôn bản, tổ dân phố tốt hơn. Qua đó, giúp hội viên chuyển biến về nhận thức trong vấn đề bảo vệ, ứng xử với môi trường; lan tỏa đến các thành viên trong gia đình và cộng đồng; từ thay đổi nhận thức đến hành động, giúp người dân có môi trường sống xanh, sạch và đẹp hơn…
 
 Hiện nay, mặc dù còn những hạn chế do nhận thức, sự vào cuộc chưa thật sự nhiệt tình, quyết liệt ở một số tổ chức hội cơ sở và hội viên; song hiệu ứng tích cực từ phong trào “chống rác thải nhựa”, “năm không ba sạch”, các mô hình “Ngày thứ bảy, chủ nhật xanh”, “đoạn đường phụ nữ tự quản”… cùng phong trào xây dựng nông thôn mới đã góp phần nâng cao nhận thức của hội viên phụ nữ về bảo vệ môi trường, biến rác thải gây ô nhiễm môi trường thành những vật liệu, vật dụng hữu ích cho cuộc sống. Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh Lai Châu sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình hay. Từ đó tuyên truyền sâu rộng cho hội viên và nhân dân về ý thức bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp, thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở các địa phương…