Bão số 8 sẽ gây mưa to tại các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, hồi 22 giờ ngày 23-10, vị trí tâm bão ở khoảng 17,8 độ vĩ bắc; 113,9 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 200 km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (115 đến 150 km/giờ), giật cấp 15.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhật Lệ (tỉnh Quảng Bình) kiểm tra, chuẩn bị phương tiện sẵn sàng ứng phó bão.Ảnh: HOÀI NAM
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhật Lệ (tỉnh Quảng Bình) kiểm tra, chuẩn bị phương tiện sẵn sàng ứng phó bão.Ảnh: HOÀI NAM

Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 260 km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 160 km tính từ tâm bão. Dự báo trong 24 giờ sau đó, bão di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 km. Ðến 22 giờ ngày 24-10, vị trí tâm bão ở khoảng 17,7 độ vĩ bắc; 109,8 độ kinh đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 100 km về phía nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (90 đến 115 km/giờ), giật cấp 14.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Ðông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 15,0 đến 20,0 độ vĩ bắc; từ kinh tuyến 108,0 đến 116,5 độ kinh đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh. Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Biển Ðông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 10 đến cấp 12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13, giật cấp 15; sóng biển cao từ 6 đến 8 m; biển động dữ dội.

Từ tối nay (24-10), trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ gió mạnh dần lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, cấp 9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 2 đến 4 m; biển động rất mạnh; ở vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 9; biển động mạnh. Từ đêm nay (24-10) đến sáng 26-10, ở các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 50 đến 150 mm/đợt. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

★ Chiều 23-10, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai tổ chức cuộc họp ứng phó bão số 8, do Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Nguyễn Xuân Cường chủ trì. Tại cuộc họp, Bộ trưởng lưu ý, mặc dù bão số 8 được dự báo sẽ suy yếu khi vào gần bờ, nhưng các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng không được chủ quan bởi khu vực miền trung thời gian vừa qua đã chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ, sạt lở đất, cho nên thời gian tới có tác động của gió mạnh hay nhẹ, mưa to hay nhỏ đều có thể tiếp tục gây thiệt hại. Ðồng thời đề nghị Tổng cục Phòng, chống thiên tai tích cực phối hợp với các địa phương đôn đốc việc sơ tán dân đến khu vực an toàn trước khi bão đổ bộ.

★ Ngày 23-10, Tổng cục Dự trữ nhà nước đã ban hành Công điện số 11/CÐ-TCDT yêu cầu các Cục Dự trữ nhà nước khu vực từ Nam Trung Bộ, Tây Nguyên trở ra phía bắc triển khai các công việc ứng phó bão số 8. Theo đó, các Cục Dự trữ nhà nước khu vực được Tổng cục giao nhiệm vụ xuất hàng dự trữ quốc gia (gạo, vật tư thiết bị) hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ khẩn trương, phối hợp chặt chẽ với địa phương để xuất cấp, vận chuyển giao hàng kịp thời, bảo đảm số lượng, chất lượng.

★ Ngày 23-10, đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam dẫn đầu đoàn công tác làm việc với tỉnh Quảng Bình về công tác ứng cứu, khắc phục hậu quả mưa lũ. Ðồng chí đề nghị hệ thống Mặt trận các cấp bên cạnh việc tiếp tục làm tốt công tác tiếp nhận, phân bổ tiền, hàng hóa cứu trợ, cần tăng cường công tác giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với nhân dân. Dịp này, đoàn đã trao 800 triệu đồng hỗ trợ huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy xây dựng 20 nhà Ðại đoàn kết cho các hộ dân có nhà bị sập do lũ cuốn; thăm hỏi, chia sẻ mất mát với thân nhân các gia đình liệt sĩ hy sinh khi đang thực thi nhiệm vụ ứng phó mưa lũ và hai gia đình có người thân chết trong lũ.

Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất cấp hạt giống cây trồng từ nguồn dự trữ quốc gia cho hai tỉnh Hà Giang và Ninh Thuận để hỗ trợ nhân dân bị thiệt hại do thiên tai, hạn hán vụ hè thu 2020. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NN và PTNT xuất cấp không thu tiền 15 tấn hạt giống lúa, 25 tấn hạt giống ngô, 4,5 tấn hạt giống rau từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Hà Giang; xuất cấp không thu tiền 37 tấn hạt giống ngô, 2 tấn hạt giống rau và 600 tấn hạt giống lúa từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận.

★ Trên các sông từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ từ 1,5-3 m. Ðỉnh lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế ở mức báo động (BÐ) 1 - BÐ2, riêng đỉnh lũ trên sông Kiến Giang (Quảng Bình) ở trên mức BÐ2. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế.

★ Tính đến ngày 23-10, toàn tỉnh Quảng Bình còn khoảng 2.000 ngôi nhà ở các huyện: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Minh Hóa, thị xã Ba Ðồn bị ngập; trong đó, riêng huyện Lệ Thủy chiếm hơn một nửa, tập trung tại các xã: Lộc Thủy, An Thủy, Hồng Thủy, Sơn Thủy, Dương Thủy và thị trấn Kiến Giang. Ngoài ra, toàn tỉnh còn hơn 34 thôn, bản bị chia cắt và cô lập. Huyện Hướng Hóa đã cử một tổ công tác vận chuyển thực phẩm, nước uống, xăng dầu, thuốc và vật tư y tế tiếp cận cứu trợ người dân tại hai xã Hướng Lập và Hướng Việt đang bị cô lập hoàn toàn. Trước đó, chiều 22-10, máy bay của quân đội cũng đã mang hơn hai tấn hàng đến cứu trợ người dân hai xã này.

★ Ngày 23-10, hơn 200 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 1, Sư đoàn 324, Quân khu 4 đã hành quân vào tỉnh Quảng Bình để giúp địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ. Ðơn vị sẽ chia lực lượng theo hai hướng, vào hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy là những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất, với phương châm đến khi nhân dân đã cơ bản ổn định cuộc sống mới rút quân.

★ Khoảng 10 giờ 30 phút ngày 23-10, máy bay trực thăng của quân đội đã hạ cánh tại xã Hướng Việt, huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, để đưa hai cán bộ của xã bị thương nặng ra ngoài điều trị. Ðó là Ðại úy Lê Văn Dùy, cán bộ Ðồn Biên phòng Hướng Lập, Phó Bí thư Thường trực Ðảng ủy xã Hướng Việt và đồng chí Hồ Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Hướng Việt, bị thương nặng trong khi làm nhiệm vụ giúp dân ứng phó mưa lũ.

★ Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình, các trục đường lớn như quốc lộ 1A, quốc lộ 12C đã thông tuyến hoàn toàn. Quốc lộ 12A đã thông tuyến đoạn từ Km 0 đến Km 78 (thị xã Ba Ðồn - Pheo, xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa); riêng đoạn Khe Ve - Cha Lo (huyện Minh Hóa) bị tắc hoàn toàn do nền đường lún sụt với chiều dài khoảng 300 m.

★ Ngày 23-10, Thiếu tướng Hà Thọ Bình - Phó Tư lệnh Quân khu 4 cho biết, đường 71 vào Thủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Ðiền, Thừa Thiên Huế) đã được thông tuyến. Ngay sau đó, các phương tiện và thiết bị được triển khai đưa vào Thủy điện Rào Trăng 3 để phục vụ công tác tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích. Tính đến 14 giờ ngày 23-10, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy bốn thi thể trong số 17 công nhân mất tích do sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3. Cùng ngày, Viettel đã triển khai xong việc lắp đặt thiết bị tại Thủy điện Rào Trăng 3, đang cố gắng kết nối đường truyền để phủ sóng phục vụ công tác tìm kiếm, cứu nạn.

★ Gần 80 tấn cá lồng nuôi trên hồ Hồng Khếnh của Hợp tác xã Hải Hà ở xã Thanh Hưng, huyện Ðiện Biên (tỉnh Ðiện Biên) bị chết hàng loạt, tổng thiệt hại ước tính hơn ba tỷ đồng. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do suy giảm nồng độ ô-xy hòa tan trong nước.

Chung tay ủng hộ đồng bào miền trung

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã trực tiếp thăm hỏi, hỗ trợ đoàn viên, người lao động tại Hà Tĩnh với tổng số tiền 400 triệu đồng. Thành ủy, HÐND, UBND, MTTQ TP Hải Phòng đã thống nhất hỗ trợ đồng bào miền trung tổng số tiền 120 tỷ đồng. Ngày 23-10, cán bộ, nhân viên Tỉnh ủy, HÐND, UBND, MTTQ tỉnh Hà Nam đã quyên góp ủng hộ đồng bào miền trung số tiền hơn 300 triệu đồng. Tỉnh Vĩnh Phúc đã thành lập đoàn công tác đi ủng hộ các tỉnh miền trung, trao tặng tỉnh Hà Tĩnh 2,5 tỷ đồng, các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, mỗi tỉnh 2 tỷ đồng. MTTQ tỉnh An Giang hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng cho các tỉnh miền trung bị lũ lụt. Ngày 23-10, Báo Quân đội nhân dân phát động chương trình ủng hộ đồng bào miền trung bị lũ lụt, tổng số tiền nhận được tại lễ phát động là gần 700 triệu đồng. Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam đã ủng hộ đồng bào bị lũ lụt tại tỉnh Quảng Trị 2 tấn xúc xích cùng 10.000 quả trứng, 100 suất quà. Ngoài ra, công ty cũng chuẩn bị sẵn 4.000 suất thực phẩm thiết yếu; 2.000 suất thuốc cho bà con các tỉnh bị bão lụt. Ngày 23-10, đại diện Ðại sứ quán Ô-xtrây-li-a tại Việt Nam cho biết: Ô-xtrây-li-a sẽ viện trợ nhân đạo khẩn cấp 100.000 đô-la Ô-xtrây-li-a cho Việt Nam để khắc phục hậu quả lũ lụt ở miền trung.

★ Ngày 23-10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh NHNN các địa phương chỉ đạo đơn vị trực thuộc khẩn trương rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng khu vực miền trung để có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, căn cứ khả năng tài chính xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất sau mưa lũ; báo cáo NHNN kết quả thực hiện.

★ Ngày 23-10, Tổng cục Ðường bộ Việt Nam yêu cầu nhà đầu tư Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh tạm dừng thu phí BOT tại xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) để tạo điều kiện cho các phương tiện cứu trợ người dân bị lũ lụt. Việc miễn phí cho các phương tiện phải được lập biên bản, ghi nhận sự việc và lưu trữ đầy đủ đúng quy định. Nhà đầu tư cần phối hợp các cơ quan liên quan phân luồng, hướng dẫn giao thông, trường hợp ùn tắc tại trạm, nhà đầu tư phải xả trạm theo quy định.