Bão số 3 hướng vào các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, sáng 31-7, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đã mạnh lên thành cơn bão số 3. Hồi 16 giờ ngày 31-7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,3 độ vĩ bắc; 112,6 độ kinh đông, cách đảo Hải Nam 230 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 140 km tính từ tâm bão.

Đường đi và vị trí của bão số 3.
Đường đi và vị trí của bão số 3.

Trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 15 km và đến 16 giờ ngày 1-8 vị trí tâm bão ở khoảng 20,9 độ vĩ bắc; 109,5 độ kinh đông, ngay trên vùng biển phía đông vịnh Bắc Bộ, cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 210 km, cách Nam Định khoảng 320 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 12. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được 5-10km. Đến 16 giờ ngày 2-8, vị trí tâm bão ở khoảng 21,2 độ vĩ bắc; 107,4 độ kinh đông, ngay trên bờ biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 đến cấp 9, giật cấp 12. Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây, sau đổi hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 10 km, đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp. Do ảnh hưởng của bão, ở vùng biển phía tây khu vực bắc Biển Đông có mưa, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 3 đến 5,5 m; biển động rất mạnh. Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 6, từ chiều và đêm nay tăng lên cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, giật cấp 12. Sóng biển cao từ 3 đến 5 m. Biển động rất mạnh.

★ Xuất hiện đợt lũ trên các sông ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ

Từ chiều 1-8, khu vực Đông Bắc Bộ có mưa dông kèm khả năng lốc xoáy và gió giật mạnh. Từ đêm 1-8 đến ngày 4-8, ở các tỉnh khu vực Bắc Bộ có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 100 đến 300 mm/đợt, riêng các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn từ 200 đến 400 mm/đợt); ở các tỉnh Bắc Trung Bộ có mưa vừa đến mưa to (lượng mưa 50 đến 150 mm/đợt).

Trên các sông suối khu vực Bắc Bộ, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2 đến 5 m. Mực nước đỉnh lũ trên sông Thao có khả năng đạt báo động (BĐ)2, thượng lưu sông Lô đạt mức BĐ1-BĐ2, thượng lưu sông Thái Bình đạt mức BĐ1; các sông chính ở Thanh Hóa, Nghệ An dưới BĐ1. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng các tỉnh vùng núi Bắc Bộ, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An.

★ Chiều 31-7, mưa to tại một số địa phương phía bắc làm nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các huyện thuộc tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ. Đặc biệt nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cao xảy ra tại các huyện: Lạc Sơn, Đà Bắc, Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình), Thanh Thủy, Thanh Sơn, Yên Lập (tỉnh Phú Thọ).

★ Theo UBND huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, mưa to ở đầu nguồn suối Nậm Mả đã gây lũ lớn và cuốn trôi một người phụ nữ trên đường đi làm về. Nạn nhân được xác định là chị Triệu Thị Xiết, sinh năm 1986, ở thôn 4, xã Nậm Dạng. Đến chiều 31-7, lực lượng chức năng đã tìm thấy xe máy của nạn nhân cách ngầm gần 3 km. Lực lượng đang tiếp tục tìm kiếm thi thể nạn nhân.

★ Sáng 31-7, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) tổ chức họp trực tuyến về công tác dự báo cơn bão số 3. Đại diện lãnh đạo Tổng cục đề nghị các đài phát thanh - truyền hình tỉnh, khu vực tập hợp thông tin, phối hợp chặt chẽ với Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia để cung cấp thông tin về hướng đi, của bão, lượng mưa... cho các tỉnh. Khu vực Đông Bắc Bộ cần chú ý tình trạng lũ quét, sạt lở đất. Với các địa phương có biển, đề nghị tất cả các hoạt động ven bờ phải kết thúc vào chiều tối 1-8.

★ Ngày 31-7, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai (PCTT) có Công điện số 08/CĐ-TW gửi ban chỉ huy PCTT các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Đà Nẵng; các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và các bộ, ngành liên quan, đề nghị chủ động ứng phó bão theo phương châm “bốn tại chỗ”, sẵn sàng ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.

★ Bộ Giao thông vận tải có Công điện số 27 gửi các cơ quan, đơn vị liên quan, yêu cầu đài thông tin duyên hải theo dõi, cập nhật, xử lý thông tin và thông báo kịp thời vị trí, hướng di chuyển của bão để các tàu, thuyền trên biển chủ động phòng tránh; Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác an toàn bay, không cho phép máy bay cất/hạ cánh khi thời tiết xấu.

★ Hướng dẫn hơn 65 nghìn tàu, thuyền di chuyển tránh bão

Theo Ban Chỉ huy PCTT Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến chiều 31-7, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp các địa phương, gia đình chủ tàu thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 65.738 phương tiện/273.457 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 3 để chủ động phòng tránh hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm.

★ Ngày 31-7, nhiều địa phương khu vực phía bắc đã khẩn trương có chỉ đạo đối phó bão số 3. Ban Chỉ huy PCTT thành phố Hà Nội có công điện đề nghị các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp ứng phó bão số 3 đang tiến vào đất liền. Cụ thể, triển khai các phương án tiêu thoát nước, chống úng ngập nội đô; bảo đảm lưu thông và cung cấp điện cho các nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tiêu úng.

TP Hải Phòng có công điện khẩn, yêu cầu các quận, huyện, ban, ngành thành phố khẩn trương thực hiện tám nhiệm vụ cụ thể phòng, chống bão số 3, đặc biệt là quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu thủy sản, tàu du lịch, tàu vận tải; gia cố các bè nuôi thủy sản; chủ động phương án sơ tán nhân dân ở khu vực trũng thấp, ven sông, ven biển…

Ban chỉ huy PCTT tỉnh Thái Bình có công điện khẩn gửi các địa phương, sở, ngành liên quan về ứng phó bão số 3, yêu cầu khẩn trương kêu gọi tàu, thuyền trên biển về nơi tránh trú an toàn; đóng các cống tưới, mở cống tiêu, triệt để tiêu nước trong toàn hệ thống đề phòng mưa lớn.

Ban chỉ huy PCTT tỉnh Nam Định ra thông báo yêu cầu các địa phương, đơn vị trong tỉnh sẵn sàng phương án ứng phó bão số 3. Toàn tỉnh hiện có hơn 2.100 tàu thuyền với hơn 6.000 lao động; trong đó có 559 tàu với gần 2.490 lao động đánh bắt xa bờ.

Tỉnh Quảng Ninh có công điện khẩn, yêu cầu các địa phương ven biển kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc với tàu thuyền đang hoạt động trong vùng ảnh hưởng của bão, kể cả tàu vận tải, tàu du lịch, các lồng bè nuôi thủy sản, hải sản để kịp thời xử lý các tình huống xấu.

Ứng cứu kịp thời nhiều thuyền viên bị nạn

Trong lúc đánh bắt hải sản cá trên biển Hà Tĩnh, khi cách bờ khoảng 70 hải lý, tàu cá NA 92626 TS của ngư dân tỉnh Nghệ An có một thuyền viên bị nhồi máu cơ tim. Tàu BP 34-19-01 của Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh đã khẩn trương tiếp cận tàu cá để đưa thuyền viên bị nạn vào bờ cấp cứu kịp thời. Hiện, sức khỏe thuyền viên đã dần ổn định.

★ Từ sáng 29-7, tàu cá KH 91558 TS của tỉnh Khánh Hòa, trên tàu có bảy thuyền viên bị hỏng máy, trôi dạt. Tàu cá KH 99658 TS đã tiếp cận và hỗ trợ lai dắt thì cũng bị hỏng máy khiến cả hai tàu bị thả trôi. Chiều 30-7, Kiểm ngư Khánh Hòa đã cử tàu lai dắt hai tàu trôi dạt, dự kiến sáng 2-8 sẽ về đến cảng Nha Trang.