Bao giờ công nhân hết nỗi lo an cư?

Công nhân, người lao động (CNLĐ) ngoại tỉnh đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN-KCX) trên cả nước, hầu hết phải thuê nhà trọ tư nhân. Các phòng trọ này đều chật hẹp, tồi tàn, nhiều căn chỉ năm, sáu mét vuông dành cho những CNLĐ độc thân. Nguyên nhân là do nhu cầu thuê lớn trong khi khả năng tài chính của công nhân có hạn, bên cạnh đó, chủ các khu nhà trọ thường tận dụng tất cả mặt bằng để quây, lợp lại, cho thuê.

Cán bộ công đoàn tặng quạt cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn đang trọ tại Khu công nghiệp Sông Công (tỉnh Thái Nguyên).
Cán bộ công đoàn tặng quạt cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn đang trọ tại Khu công nghiệp Sông Công (tỉnh Thái Nguyên).

Chấp nhận vì mưu sinh

Những ngày này, thời tiết miền bắc đang chuyển mùa, trời nồm, các căn nhà trọ ít hơi người, bốc mùi ẩm mốc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người thuê trọ. Không ít khu trọ tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh (Hà Nội) được xây từ 15 đến 20 năm trước vẫn tồn tại những khu vệ sinh chung, luôn rơi vào tình trạng mất vệ sinh trầm trọng. Chị Nguyễn Thị Dung thuê trọ ở thôn Nhuế chỉ 600 nghìn đồng/tháng do không có nhà vệ sinh chung. Cứ sáng ra, hàng chục người lại phải chờ đợi nhau tại khu vệ sinh chung. Do đang mang thai cho nên việc vệ sinh cá nhân càng bất tiện, chị Dung cho biết: Hai vợ chồng cố gắng tằn tiện, khi nào sinh em bé sẽ kiếm chỗ trọ có nhà vệ sinh riêng với giá từ 1,2 triệu đến 1,5 triệu đồng. Những phòng trọ diện tích chỉ năm, sáu mét vuông, thậm chí nhỏ hơn, không cửa sổ, không lỗ thông hơi chẳng khác nào chiếc hộp. Rất hiếm khi có chủ nhân ở nhà. Những công nhân thuê trọ chỉ coi chốn này là chỗ ngủ tạm qua đêm. Cách xa Thủ đô cho nên những khu nhà trọ tại KCN Sông Công (Thái Nguyên) có giá rẻ hơn, chỉ khoảng 300 nghìn đồng/phòng. Một chủ trọ tại đây cho biết, những công nhân này thường tăng ca hết mức, thứ nhất để tránh nắng nóng vào mùa hè, thứ hai là để kiếm thêm bữa ăn ca. Trong những "chiếc hộp" như thế này, chỉ có chiếc giường 1,2 m được dựng lên bằng những tấm gỗ tạp lấy từ các thùng đóng hàng. Tài sản đáng tiền nhất là chiếc quạt điện cũ kỹ. Phòng có một lối đi nhỏ, bước chân vào là leo lên giường, phía trong đủ chỗ kê vài thùng đồ. Quần áo treo chung quanh giường, sàn nhà lỏng chỏng vài ba vỏ mì tôm vương vãi.

Ở phía nam, Bình Dương là tỉnh phát triển công nghiệp, có hơn 1,2 triệu lao động, trong đó hơn 80% là lao động ngoại tỉnh, phần lớn vẫn phải ở trọ. Những năm gần đây, việc xây dựng nhà ở cho CNLĐ được chính quyền địa phương quản lý tốt hơn. Tuy nhiên, một số khu nhà trọ được xây dựng từ 15 đến 20 năm trước, không gian chật hẹp, nóng bức về mùa khô, ẩm thấp về mùa mưa, có nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Theo khảo sát, nhiều khu vực nguy cơ trở thành các khu "ổ chuột" bởi nhà trọ công nhân xen lẫn ki-ốt kinh doanh, chợ. Điều đáng nói là, tại TP Thuận An, Dĩ An, thị xã Tân Uyên xen lẫn các khu nhà trọ là hàng trăm nhà xưởng sản xuất công nghiệp nằm xen kẽ. Những tháng gần đây, liên tiếp xảy ra hỏa hoạn khiến người dân, CNLĐ ở trọ nơm nớp lo sợ. Điển hình là, tại khu phố Hòa Lân, ở phường Thuận Giao, TP Thuận An, trong vòng vài tháng đã xảy ra hai vụ cháy lớn. Hàng trăm công nhân đi làm về sau một ngày mệt nhọc lại phải tất bật chạy lửa, cả đêm mất ngủ, không dám về nhà. Được biết, hiện tỉnh Bình Dương đang lên phương án dần di chuyển các nhà máy vào khu công nghiệp được quy hoạch bài bản, nhưng người lao động vẫn đang phải trọ ngay khu vực nhiều rủi ro cháy nổ.

Giấc mơ bao giờ thành hiện thực?

Dù rất muốn có công việc ổn định lâu dài, gắn bó với doanh nghiệp, nhưng nhiều công nhân không thể mua được nhà để ổn định cuộc sống, không ít người đã tính đến chuyện về quê, hoặc ở nhà của bố, mẹ ở quê. Công nhân Ma Thị Nhung (công nhân điện tử Samsung Bắc Ninh) có thu nhập chỉ hơn năm triệu đồng/tháng. Hiện, chị Nhung thuê trọ hết 700 nghìn đồng/tháng. Hằng tháng, chị gửi về quê từ ba đến bốn triệu đồng cho gia đình, cho nên dù làm công nhân sáu, bảy năm, nhưng chị cũng không thể tiết kiệm được khoản tiền nào. Kể từ khi chồng bị tai biến, chị Nhung càng trăn trở giữa giữ công việc hiện tại với việc trở về quê. Chị nói: Bản thân muốn gắn bó với công ty, vì càng làm lâu, tiền lương với thu nhập càng tăng. Tuy nhiên, đến bây giờ, chị chưa xác định được tương lai đi về đâu. Nếu ở lại, gắn bó với công ty, đủ tiêu chuẩn mua nhà trả góp, một đến hai triệu đồng/tháng nhưng cũng không có khả năng chi trả.

Dự báo trong nhiều năm tới, điều kiện và môi trường làm việc của CNLĐ sẽ có những thay đổi quan trọng. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra nhanh chóng tác động sâu sắc đến đời sống, sản xuất, việc làm. Thị trường lao động và quan hệ lao động xuất hiện nhiều những vấn đề mới. Trưởng Ban Quản lý Dự án thiết chế Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Trần Văn Khải cho biết: CNLĐ phải đối mặt với những tác động hiện hữu bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0: Mất việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp. Trong khi đó, môi trường sống nghèo nàn của CNLĐ là một trở ngại lớn đối với các DN sản xuất trong việc giữ chân NLĐ có tay nghề cao nhờ các hợp đồng lao động dài hạn và tạo điều kiện nhà ở ổn định. Hậu quả của sự đình trệ trong cải thiện môi trường sống khiến công nhân thường xuyên bỏ việc, có thể ảnh hưởng với môi trường làm việc và quá trình đào tạo lao động lành nghề, giảm sức cạnh tranh của Việt Nam.

Giấc mơ an cư lạc nghiệp của CNLĐ tại các KCN - KCX luôn là bài toán chưa có lời giải thỏa đáng. Trước thực trạng đó, Đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các KCN - KCX" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 655/QĐ-TTg vào tháng 5-2017. Mục tiêu là xây dựng nhà ở, nhà trẻ, siêu thị và các công trình văn hóa, thể thao tại các KCN-KCX, tạo điều kiện nâng cao đời sống công nhân, NLĐ tại những nơi này. Tuy nhiên sau ba năm triển khai, đề án còn có những khó khăn, cần Nhà nước, các bộ, ngành liên quan cùng tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ. Theo đó, Nhà nước cần có những chính sách, quy định rõ hơn, cụ thể hơn vai trò, trách nhiệm đồng bộ từ ba phía: Doanh nghiệp, tổ chức công đoàn và Nhà nước, nhằm bảo đảm quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần, nhà ở và phúc lợi xã hội cho CNLĐ. Cần tư duy đầy đủ, đúng đắn về việc đầu tư các thiết chế công đoàn tại các KCN - KCX là hành động thiết thực, cấp bách trong bối cảnh hiện nay. Đây cũng là phương thức tập hợp, thu hút đoàn viên về tổ chức công đoàn trong bối cảnh, sắp tới, bên cạnh tổ chức công đoàn, sẽ có nhiều tổ chức đại diện cho NLĐ khác xuất hiện, cạnh tranh, thu hút đoàn viên. Bên cạnh đó, cần huy động các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách đủ hấp dẫn để thu hút nguồn lực của các DN thuộc các thành phần kinh tế, cùng tổ chức công đoàn xây dựng thiết chế công đoàn.