“Báo động đỏ” lâm phần rừng tràm Cà Mau

NDO -

NDĐT – Lâm phần rừng tràm và rừng các cụm đảo trên địa bàn tỉnh Cà Mau đang trong tình trạng “nguy kịch” khi có tới hơn 50% diện tích cảnh báo cháy cấp độ bốn và cấp độ năm, nguy cơ xảy ra cháy bất cứ lúc nào.

Tổng cục kiểm lâm kiểm tra công tác phòng cháy rừng ở Vườn Quốc gia U Minh hạ.
Tổng cục kiểm lâm kiểm tra công tác phòng cháy rừng ở Vườn Quốc gia U Minh hạ.

Trưa ngày 16-2, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Cà Mau Lê Văn Hải cho biết, cập nhật đến giữa tháng 2 vừa qua, toàn lâm phần rừng tràm và rừng các cụm đảo trên địa bàn tỉnh Cà Mau có hơn 42,3 nghìn ha đã bị khô hạn gay gắt, nguy cơ cháy rừng rất cao. Trong đó, dự báo cháy cấp bốn (cấp nguy hiểm) là hơn 11.156 ha và dự báo cháy ở cấp năm (cấp cực kỳ nguy hiểm) là hơn 12.100 ha. Đã có hơn 50% diện tích nằm trong cấp “báo động đỏ” về nguy cơ cháy rừng.

Diện tích báo cháy phân bổ đều trên toàn lâm phần rừng tràm Cà Mau – nơi hiện có diện tích rừng ngập ngọt lớn thứ hai ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong tình thế nêu trên, nếu lơ là, bất cẩn thì chỉ một mồi lửa nhỏ, cả đám rừng lớn có thể sẽ trở thành những ngọn đuốc.

Đứng trước tình hình khô hạn gay gắt dự báo sẽ còn kéo dài và khốc liệt, ngành nông nghiệp tỉnh đề nghị các chủ rừng và lực lượng chuyên trách thực hiện tốt phương châm “bốn tại chổ”, cắt cử lực lượng quan sát trên các chòi canh lửa 24/24 giờ và thực hiện tốt chế độ ứng trực thông tin; tăng cường lực lượng, phương tiện tại những nơi có nguy cơ cháy cao để chủ động, ngăn ngừa và kiểm soát kịp thời khi có cháy xảy ra. Các chủ rừng thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng, tuyệt đối không cho người không có phận sự vào rừng lấy mật ong; thường xuyên kiểm tra độ ẩm dưới chân rừng để đưa ra cấp dự báo cháy rừng phù hợp nhằm chủ động ứng phó.

“Báo động đỏ” lâm phần rừng tràm Cà Mau ảnh 1

Rừng tràm Cà Mau khô hạn gay gắt vì nắng nóng kéo dài.

Lo nhất hiện nay là tình trạng nắng nóng kết hợp gió mạnh khiến mực nước dưới các kênh, rạch trong rừng bốc hơi nhanh. Vào thời điểm này các năm trước, mực nước dưới kênh rạch trong rừng còn hơn ba mét nhưng hiện tại chỉ còn từ 2-2,3 m. Trong khi đó, hệ thống các kênh trục vùng ngọt bên ngoài lâm phần đang trong tình trạng cạn kiệt, chỉ còn từ 1-1,5 m; các tuyến kênh cấp một thì còn từ 0,5-0,8 m, trong khi các tuyến kênh cấp hai, cấp ba và kênh nội đồng thì khô cạn.