Bảo đảm tham gia bình đẳng của nữ đại biểu dân cử

Có thể thấy, một trong những thành công của công tác chỉ đạo Đại hội đảng các cấp thời gian qua là tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy ở ba cấp tăng cả về số lượng và chất lượng. Cụ thể, ở cấp cơ sở, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy đạt 21%, tăng 2% so nhiệm kỳ trước. Đối với cấp trên cơ sở, tỷ lệ này đạt tỷ lệ 17%, tăng 2% so với nhiệm kỳ trước. Ở các đảng bộ trực thuộc T.Ư, tỷ lệ này là 16%, tăng 3% so nhiệm kỳ trước. Ở cả ba cấp, có hơn 4.200 cán bộ nữ được giới thiệu và bầu trúng các chức vụ chủ chốt trong Đảng, chính quyền.

Có được kết quả nêu trên, trước hết là do sự quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành T.Ư, Ban Bí thư, Bộ Chính trị, bên cạnh đó là quyết tâm chính trị cao, tinh thần trách nhiệm và nghiêm túc của cấp ủy đảng trong việc thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây là kết quả của sự trưởng thành, nỗ lực rất lớn vượt qua rào cản, định kiến giới của đội ngũ cán bộ nữ. Phụ nữ tham gia cơ quan dân cử có chuyển biến tích cực, song tỷ lệ nữ đại biểu dân cử còn thấp. Điều này chưa phản ánh thực chất tiềm năng của phụ nữ. Trong Quốc hội, tỷ lệ nữ đại biểu các khóa XI, khóa XII, khóa XIII, khóa XIV lần lượt là 27,3%, 25,76%, 24,4% và 26,8%. Tỷ lệ nữ trong HĐND cấp tỉnh chỉ tăng 1 - 2% mỗi khóa; cấp huyện và xã tăng từ 2 - 4%. Một trong những nguyên nhân tỷ lệ nữ trúng cử không cao đó là việc nữ ứng cử viên bị gắn nhiều cơ cấu như: trẻ tuổi, ngoài đảng, dân tộc, tôn giáo, nên khó giới thiệu đươc những đại diện nữ tiêu biểu. Nhiều nữ ứng cử viên chỉ là lãnh đạo phòng, ban của tổ chức đảng, chính quyền, bệnh viện, lãnh đạo, giáo viên trường trung học phổ thông, lãnh đạo tổ chức, đoàn thể (ở cấp tỉnh và huyện, xã). Mặc dù có phẩm chất tốt, song trình độ và vị trí công việc thấp không đủ tiêu chuẩn đại biểu là nguyên nhân nhiều phụ nữ không trúng cử. Có 205 trong số 338 nữ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV không trúng cử.
 
 Bên cạnh đó, khi ở vị trí công việc thấp, đại biểu nữ cơ cấu ít có cơ hội và điều kiện tiếp cận thông tin tầm vĩ mô, kinh nghiệm hoạt động chưa nhiều, nên tiếng nói ảnh hưởng của nhiều nữ đại biểu trẻ tuổi bị hạn chế. Chỉ có 9 trong số 47 nữ đại biểu trẻ khóa XII tái cử khóa XIII và 12 trong số 43 nữ đại biểu trẻ khóa XIII tái cử khóa XIV. Nhiều đơn vị bầu cử sắp xếp danh sách nam, nữ ứng cử không ngang nhau về trình độ, vị thế công tác nên nữ không trúng cử. Có tới 54 trong số 184 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV sắp xếp nữ có trình độ và vị thế công việc thấp hơn nam cho nên nhiều đại biểu không trúng cử. Tình trạng nêu trên cũng xảy ra tại bầu cử HĐND các cấp.
 
 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021 - 2030”. Mục tiêu là, bảo đảm sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách nhằm phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ, hướng tới thực hiện cam kết đạt mục tiêu phát triển bền vững về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Chương trình phấn đấu đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75%, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Đối với một số ngành, lĩnh vực đặc thù có tỷ lệ nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thấp dưới 30% có thể điều chỉnh mục tiêu cho phù hợp thực tiễn cơ quan, đơn vị. Tỷ lệ cán bộ nữ trong diện quy hoạch các chức danh quản lý, lãnh đạo các cấp đạt ít nhất 40% vào năm 2025 và đạt 50% vào năm 2030. Tỷ lệ cán bộ nữ trong diện quy hoạch các chức danh quản lý, lãnh đạo các cấp được đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực đạt 75% vào năm 2025 và đạt 90% vào năm 2030.
 
 Các chuyên gia về giới cho rằng, để nâng cao chất lượng và tăng tỷ lệ nữ trong cơ quan dân cử cần giảm tình trạng gắn nhiều cơ cấu cho ứng cử viên là nữ ngay từ các vòng hiệp thương. Tăng tỷ lệ nữ ứng cử tới 40% hoặc cao hơn để phấn đấu tỷ lệ nữ đại biểu trúng cử đạt từ 30% trở lên. Nâng cao vai trò, nhận thức của cấp ủy đảng và người đứng đầu trong giới thiệu người ứng cử. Giữ vai trò quyết định nhân sự, cấp ủy đảng và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, phát huy dân chủ, phối hợp với hội phụ nữ, công đoàn... sẽ giới thiệu được những phụ nữ tiêu biểu, ứng cử đại biểu dân cử; do đó, tránh được bình đẳng cơ cấu hình thức, bảo đảm công bằng trong lập danh sách liên danh bầu cử. Hội đồng Bầu cử quốc gia và ủy ban bầu cử các cấp bảo đảm lập danh sách nam, nữ ứng cử ở các đơn vị bầu cử trên cơ sở tương đương về trình độ, vị trí chức danh, tạo sự cạnh tranh công bằng trong bầu cử, điều này sẽ giúp tăng tỷ lệ nữ trúng cử.