Chính sách & Cuộc sống

Bảo đảm mức sống tối thiểu cho người về hưu

Theo đề xuất trong Dự thảo nghị định điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH), trợ cấp hằng tháng của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nếu điều chỉnh từ ngày 1-7-2021, mức tăng lương hưu và trợ cấp xã hội là 10%; nếu điều chỉnh từ ngày 1-1-2022, mức tăng là 15%. Như vậy, đề xuất trong dự thảo nêu lên hai phương án tăng theo % đối với tất cả các mức lương hưu, không phân biệt cao hay thấp.

Cũng theo đó, nhiều ý kiến trái chiều chung quanh việc tăng lương hưu theo tỷ lệ % hay tăng theo giá trị tuyệt đối. Theo ý kiến của các chuyên gia lao động, công đoàn phân tích mỗi phương án tăng lương hưu đều có ưu điểm riêng. Nếu tăng theo tỷ lệ % sẽ đơn giản, dễ hiểu; tôn vinh được những đóng góp của người lao động (NLĐ) trong quá khứ, tham gia nhiều, đóng góp nhiều sẽ được điều chỉnh tăng nhiều hơn. Tuy nhiên, tăng theo phương án này không bù được trượt giá. Đối với một bộ phận người về hưu trước năm 1995, do không tính về số năm đóng BHXH mà phụ thuộc vào mức lương khi về hưu, cho nên nhiều người có mức lương hưu quá thấp, không bảo đảm mức sống tối thiểu. Bên cạnh đó, sẽ xảy ra tình trạng, người hưởng lương cao sẽ cao mãi và người hưởng lương thấp suốt đời vẫn khó khăn. Trường hợp tăng theo giá trị tuyệt đối có ưu điểm: Khi điều chỉnh tăng, người được hưởng lương hưu sẽ đều đạt mức lương hưu trên mức tối thiểu. Tuy nhiên, nhược điểm là chưa khuyến khích người tham gia BHXH, do tiền lương hưu còn có chức năng nữa là đền bù và tri ân. Hơn nữa, nếu tăng theo giá trị tuyệt đối sẽ khó tính toán, rất có thể gây ra tâm lý người đóng góp ít được điều chỉnh nhiều, người đóng góp nhiều lại được điều chỉnh ít.

Do vậy, các chuyên gia lao động, công đoàn đồng tình với quan điểm, tăng lương hưu có ý nghĩa bù chi phí trượt giá; điều chỉnh tăng theo chiều tăng của mức sống và tăng trưởng kinh tế. Do vậy, việc điều chỉnh tăng mức tiền lương tối thiểu cho những người có lương hưu thấp là điều cần thiết. Tuy nhiên, đối ngược với tâm lý mong chờ việc điều chỉnh tăng lương hưu càng sớm càng tốt của một bộ phận người hưởng lương hưu với lý do giá cả leo thang, càng có tuổi càng hay ốm đau, chi cho mua thuốc chữa bệnh quá nhiều, thì nhiều ý kiến của chuyên gia cho rằng, hiện nay, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiều lao động bị mất việc làm, trong khi đó, những người về hưu dù có bị ảnh hưởng nhưng không nhiều. Nguyên lý của an sinh là "đồng cam, cộng khổ", do vậy, đối tượng hiện cần ưu tiên điều chỉnh lương là nhóm NLĐ bị mất việc. Do vậy, việc điều chỉnh lương hưu cần lùi thời điểm vào tháng 7-2022.

Việc đề xuất tăng lương hưu tối thiểu xuất phát từ mong muốn chính đáng của NLĐ là lương hưu cần đáp ứng được mức sống, điều kiện sinh hoạt của người nghỉ hưu. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, Chính phủ đã điều chỉnh lương hưu hằng năm cùng với thời điểm điều chỉnh tiền lương tối thiểu, lương cơ sở để đời sống của người nghỉ hưu đỡ khó khăn. Tuy nhiên, nguyên tắc của BHXH là mức hưởng được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng và có sự chia sẻ giữa những người tham gia BHXH. Luật BHXH cũng nêu rõ: Chính phủ quy định việc điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và Quỹ BHXH. Do đó, việc điều chỉnh tăng lương hưu, ngoài mong muốn chính đáng của người nghỉ hưu còn phải bảo đảm các nguyên tắc của Quỹ BHXH, khả năng cân đối quỹ và nguồn bù đắp cho phần thiếu hụt đó. Việc điều chỉnh con số tăng bao nhiêu có đáp ứng được mức sống tối thiểu của người nghỉ hưu hay không? Bên cạnh đó, các ý kiến cũng cho rằng, việc lương hưu không gắn với lương tối thiểu vùng là không đúng. Đối với trường hợp về hưu trước năm 1995 cần tính toán để bảo đảm lương hưu đạt được mức lương tối thiểu. Nếu tiền lương của những người về hưu thấp hơn mức sống tối thiểu, Nhà nước cần có trách nhiệm bù, bảo đảm ở góc độ an sinh, xã hội.

Vấn đề này cần được các cơ quan tham mưu cho Chính phủ (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam...) xem xét, cân nhắc thấu đáo để có điều chỉnh phù hợp bảo đảm ý nghĩa an sinh, xã hội của chính sách lương hưu. Bởi những người về hưu hiện chỉ trông chờ vào một nguồn thu nhập từ lương hưu, họ rất cần được bảo đảm một mức lương đủ sống.