Bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), từ đầu năm đến nay, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực. Song để đạt mục tiêu đề ra, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp hữu hiệu hơn.

 Gia cầm được bày bán, giết mổ không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm tại khu chợ ven đường quốc lộ 6.Ảnh: LƯƠNG HẰNG
Gia cầm được bày bán, giết mổ không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm tại khu chợ ven đường quốc lộ 6.Ảnh: LƯƠNG HẰNG

Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN và PTNT) cho biết, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tổ chức lấy mẫu giám sát đối với các sản phẩm chủ lực, tiêu dùng nhiều, nguy cơ cao, kịp thời phát hiện, cảnh báo, truy xuất xử lý 7 trong số 1.054 mẫu thủy sản nuôi và thủy sản chế biến vi phạm chỉ tiêu ATTP (chiếm 0,67%), giảm so với cùng kỳ năm 2019 (1,42%); 87 trong số 812 mẫu thịt gia súc, gia cầm tại cơ sở giết mổ và kinh doanh nhiễm vi sinh vật (chiếm 10,71%), giảm so với cùng kỳ năm 2019 (29,61%); 3 trong số 1.074 mẫu thịt lợn, thịt và trứng gia cầm tại cơ sở giết mổ và kinh doanh nhiễm hóa chất, kháng sinh (chiếm 0,27%), giảm so với sáu tháng đầu năm 2019 (0,7%); không phát hiện chất cấm Salbutamol, Clenbuterol trong 939 mẫu thịt lợn, 398 mẫu nước tiểu lợn, không phát hiện thuốc an thần Acepromazine trong 68 mẫu thịt gia súc được kiểm tra…
 
 Đạt được những kết quả nêu trên là do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục được rà soát, hoàn thiện và hệ thống hóa để triển khai hiệu quả công tác quản lý chất lượng ATTP nông, lâm thủy sản. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng như truyền thông, quảng bá sản phẩm từ cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn được thực hiện thường xuyên, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của các tổ chức, cá nhân. Các chương trình giám sát ATTP nông, lâm thủy sản được duy trì, mở rộng và chuyển mạnh thanh tra theo kế hoạch sang thanh tra đột xuất đã giúp kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm ATTP. Giải quyết hiệu quả, kịp thời rào cản kỹ thuật ATTP của thị trường xuất khẩu, duy trì ổn định hoạt động xuất khẩu nông, lâm thủy sản tại các thị trường truyền thống; giải quyết kịp thời các sự cố mất ATTP, củng cố niềm tin của người dân, giúp phát triển thị trường trong nước.
 
 Tuy nhiên, việc bảo đảm ATTP vẫn còn những thách thức. Từ đầu năm đến nay, do dịch Covid-19, số cơ sở được thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch có giảm, nhưng tỷ lệ cơ sở bị phát hiện vi phạm tăng hơn so với năm 2019, trong đó đã kiểm tra 29.200 cơ sở, xử phạt hành chính 1.740 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, ATTP nông, lâm thủy sản (chiếm 5,9%), tăng hơn sáu tháng đầu năm 2019 (5,7%) với số tiền phạt 12,4 tỷ đồng, tăng hơn so với cùng kỳ năm 2019 (9,63 tỷ đồng).
 
 Mới đây, khoảng 16 giờ ngày 2-7, tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh An Giang) phát hiện vợ chồng Lê Hữu Vĩnh - Trần Minh Trang và Nguyễn Thành Long (cùng trú ấp Bình An, xã An Hòa, huyện Châu Thành) đang điều khiển xe máy trên địa bàn có biểu hiện nghi vấn nên tiến hành dừng phương tiện kiểm tra, phát hiện trên xe các đối tượng vận chuyển gần 300 chai thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nhãn hiệu Filia 525SE, Anvil 5SC không hóa đơn, chứng từ nên đã tiến hành bắt giữ. Kiểm tra nơi ở của các đối tượng, lực lượng chức năng thu giữ nhiều vỏ chai, nắp chai, máy đóng nắp, bột mầu, nhãn hiệu của nhiều loại thuốc BVTV và các dụng cụ phục vụ việc sang chiết, pha chế thuốc BVTV giả. Tại cơ quan công an, ba người này khai nhận đã làm giả thuốc BVTV khoảng sáu tháng nay. Tổ công tác tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ toàn bộ tang vật.
 
 Theo Cục trưởng Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Nguyễn Như Tiệp, có nhiều lý do dẫn đến tình trạng nêu trên. Ðó là, việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, liên kết với tiêu thụ nông sản ATTP ở nhiều địa phương vẫn chậm, dẫn đến sản lượng, quy mô liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản ATTP còn hạn chế. Nguồn lực ở nhiều nơi chưa đáp ứng để triển khai đầy đủ các nhiệm vụ quản lý, thanh tra về ATTP theo phân công, phân cấp, nhất là trong tổ chức ký cam kết tuân thủ quy định ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ không thuộc diện cấp chứng nhận đủ điều kiện ATTP.
 
 Ở một số tỉnh, thành phố việc giám sát, kiểm tra chưa kịp thời. Chia sẻ thêm về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, hiện trên địa bàn có 738 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; trong đó có bảy cơ sở giết mổ công nghiệp, 24 cơ sở tập trung, còn lại phần lớn là thủ công và nhỏ lẻ trong khu dân cư, chưa bảo đảm vệ sinh thú y, ATTP, gây khó khăn trong công tác quản lý.
 
 Ðể khắc phục những bất cập, nhiều ý kiến cho rằng, về mặt quản lý, Bộ NN và PTNT cần tiếp tục đẩy mạnh tổ chức sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực địa phương theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm ATTP. Nhân rộng, mở rộng chuỗi cung ứng nông, lâm thủy sản an toàn theo Đề án “Xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm thủy sản an toàn trên phạm vi toàn quốc” giai đoạn 2013 - 2020 và đề xuất giải pháp phát triển trong giai đoạn mới. Đến nay, cả nước có 1.612 chuỗi (tăng 367 chuỗi so với cùng kỳ năm 2019), 2.346 sản phẩm (tăng 1.092 sản phẩm) và 2.989 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi nông sản ATTP. Chủ động tổ chức và đôn đốc các địa phương triển khai giám sát, kiểm tra theo quy định; tập trung thanh tra đột xuất; xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP. Đánh giá, chỉ định, giám sát cơ sở kiểm nghiệm vật tư nông nghiệp, ATTP theo quy định. Cùng với đó, cần củng cố lại quy trình sản xuất, trong đó người sản xuất, chế biến cũng như kinh doanh nông sản nên thường xuyên cập nhật các quy định mới về ATTP và thực hiện nghiêm túc. Thí dụ như, khuyến cáo về thời gian cách ly, thời gian ngừng sử dụng thuốc BVTV, kháng sinh. Chủ động xử lý các sự cố mất ATTP, cung cấp thông tin chính xác cho người tiêu dùng, tránh để người dân thiếu thông tin dẫn đến hiểu chưa đúng, gây tâm lý hoang mang. Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm khẳng định thương hiệu, góp phần xây dựng, phát triển thị trường thực phẩm an toàn.
 
 Theo Thứ trưởng NN và PTNT Phùng Ðức Tiến, muốn nâng cao chất lượng ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, việc giám sát, quản lý phải được thực hiện một cách đồng bộ trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị nông sản. Nếu làm tốt mới đáp ứng được yêu cầu của thị trường các nước, mang lại giá trị xuất khẩu cao và xa hơn là chuyển đổi nền nông nghiệp từ quy mô nhỏ lẻ, tự cấp - tự túc sang nền nông nghiệp hội nhập, phát triển bền vững.