Bắc Ninh nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp

Năm 2020, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhưng với sự nỗ lực vượt qua khó khăn của các doanh nghiệp cùng những chủ trương hỗ trợ kịp thời của tỉnh, ngành công nghiệp Bắc Ninh có sức bật ngoạn mục, đưa Bắc Ninh trở thành tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp đứng đầu cả nước. 

Sản xuất linh kiện cơ khí siêu chính xác tại Công ty TNHH Fujikin Bắc Ninh (Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn). Ảnh: ĐĂNG KHOA
Sản xuất linh kiện cơ khí siêu chính xác tại Công ty TNHH Fujikin Bắc Ninh (Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn). Ảnh: ĐĂNG KHOA

Cụ thể, năm 2020, sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 3,7% trong quý I, sụt giảm mạnh trong quý II và quý III. Tuy nhiên, từ tháng 9-2020, ngành công nghiệp tỉnh có thêm các sản phẩm mới được sản xuất và xuất khẩu. Bên cạnh đó, công nghiệp hỗ trợ có hướng phát triển tốt cho nên chỉ số sản xuất công nghiệp tăng mạnh, đạt 22,4% trong quý IV. Tính chung cả năm, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh đạt 1.128 nghìn tỷ đồng, tăng 2,9% so năm 2019, xếp thứ nhất cả nước; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, dẫn dắt nền kinh tế với mức tăng 3%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,2%...

Bắc Ninh cũng là tỉnh đứng thứ hai cả nước về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, đạt 38.905 triệu USD, tăng 14,3% so với năm 2019; xếp thứ sáu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với lũy kế hết năm 2020 có 1.628 dự án, tổng số vốn đăng ký đạt 19,9 tỷ USD; xếp thứ tám cả nước về tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá so sánh năm 2010, ước đạt 122.742 tỷ đồng, tăng 1,36% so với năm 2019; thu ngân sách nhà nước đạt 30.273 tỷ đồng…

Năm 2021, dự báo dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp, người dân tăng cường phòng, chống dịch. Tiếp tục phối hợp cùng Bộ Công thương hỗ trợ doanh nghiệp tham gia tìm kiếm những thị trường mới, bạn hàng lớn ổn định để các doanh nghiệp phát triển sản xuất, tăng  giá trị sản xuất công nghiệp. 

* Tại Hải Phòng, hiệu quả từ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) góp phần quan trọng thay đổi quy mô sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời nâng cao thu nhập cho người nông dân. Theo UBND thành phố Hải Phòng, Chương trình OCOP được xác định là giải pháp để phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Đây cũng là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn tiếp theo.

UBND thành phố Hải Phòng xác định trong giai đoạn 2021-2025, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm Chương trình OCOP, áp dụng quy trình sản xuất an toàn thực phẩm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và quản lý sản phẩm OCOP, đồng thời tiêu chuẩn hóa nguyên liệu và quy trình sản xuất. Thành phố còn định hướng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm tại các vùng nuôi trồng, sản xuất sản phẩm OCOP. Hải Phòng phấn đấu có ít nhất 200 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp thành phố, trong đó có ít nhất 30 sản phẩm đạt chất lượng 4 sao và năm sản phẩm đạt chất lượng 5 sao; có từ 10 đến 20 sản phẩm OCOP của các tổ chức kinh tế tham gia các chuỗi giá trị tại các địa phương từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để phát triển và thương mại hóa các sản phẩm truyền thống.

Hiện nay, thành phố có 60 sản phẩm của 32 tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia Chương trình OCOP, trong đó 12 sản phẩm đạt tiêu chuẩn cấp thành phố. Các đơn vị tham gia đều đánh giá cao hiệu quả của chương trình. Thời gian tới, thành phố Hải Phòng dự kiến xây dựng một số điểm bán hàng OCOP tại các quận, huyện và tổ chức các hội chợ, sự kiện quảng bá, trưng bày sản phẩm OCOP này tại địa phương.