Bắc Giang xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, kinh tế số

Tỉnh Bắc Giang triển khai lộ trình  phát triển hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông, hạ tầng số, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số để xây dựng chính quyền điện tử, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn. Bắc Giang đã ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển đô thị thông minh để xây dựng thành công chính quyền điện tử, chính quyền số của tỉnh.

Học sinh Trường THCS Thân Nhân Trung (huyện Việt Yên, Bắc Giang) trải nghiệm học trực tuyến trên nền tảng chuyển đổi số do Microsoft Việt Nam hỗ trợ. Ảnh: MAI TOAN
Học sinh Trường THCS Thân Nhân Trung (huyện Việt Yên, Bắc Giang) trải nghiệm học trực tuyến trên nền tảng chuyển đổi số do Microsoft Việt Nam hỗ trợ. Ảnh: MAI TOAN

Bắc Giang tập trung xây dựng các nền tảng dữ liệu, công nghệ mới để triển khai đô thị thông minh toàn diện; xây dựng kho dữ liệu mở, kết nối dữ liệu của các cấp, ngành tổ chức thành một kho dữ liệu dùng chung của tỉnh, bảo đảm an toàn, an ninh mạng; tạo điều kiện để các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo... Riêng năm 2021, Bắc Giang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, phấn đấu 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật) dưới dạng điện tử; 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện, 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 40% số lượng người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia hệ thống thông tin Chính phủ điện tử được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền; 80% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; 90% người dân và doanh nghiệp trên địa bàn hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính; 100% dịch vụ công được hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho người dân, doanh nghiệp…

Hiện nay, tỉnh đã hình thành một hệ thống quản lý văn bản điện tử thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến địa phương, cho phép tự động nhận biết được trạng thái xử lý văn bản giữa các cơ quan, được tích hợp giải pháp bảo đảm an toàn thông tin và ký số trên phần mềm. Tỉnh bước đầu triển khai đạt hiệu quả cao việc lắp đặt hệ thống ca-mê-ra giám sát giao thông, an ninh trật tự tại các tuyến đường trọng điểm; các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… 

* Thực hiện chủ trương của Trung ương về tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân, Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạo các tổ chức đảng trên địa bàn triển khai nhiều giải pháp, vừa chủ động trao đổi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vừa động viên, khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng và các tổ chức đoàn thể, như: công đoàn, đoàn thanh niên…

Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương có tốc độ phát triển nhanh, trong đó có các ngành thế mạnh, như: công nghiệp, cảng biển, du lịch, dịch vụ… Do đó, Tỉnh ủy xác định đây là khu vực kinh tế có đóng góp quan trọng trong phát triển chung, đồng thời cần quan tâm xây dựng các tổ chức đảng, đoàn thể  trong doanh nghiệp. Tính đến nay, toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 181 tổ chức đảng trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, trong đó có nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, với gần 1.800 đảng viên. Riêng trong năm 2020, toàn tỉnh đã kết nạp được hơn 50 đảng viên trong khối doanh nghiệp ngoài nhà nước, vượt kế hoạch hơn 130%.

Qua thực tiễn, các tổ chức đảng trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước đã thể hiện hiệu quả vai trò lãnh đạo, vận động người lao động, chủ doanh nghiệp chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, đảng viên được nâng lên. Đảng viên làm việc tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước, đặc biệt đảng viên là chủ doanh nghiệp đã phát huy trách nhiệm trong công việc, gương mẫu chấp hành Điều lệ Đảng, dẫn dắt doanh nghiệp phát triển đúng quy định của pháp luật, quan tâm và chăm lo tốt đời sống người lao động…