Bà Rịa - Vũng Tàu ngăn chặn ô nhiễm nguồn nước các hồ chứa

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 30 hồ chứa nước với tổng dung tích thiết kế là hơn 316,28 triệu m3, trong đó có 12 hồ cấp nước sinh hoạt là: Đá Đen, Sông Ray, Sông Hỏa và Xuyên Mộc (huyện Xuyên Mộc); Đá Bàng, Suối Các, Núi Nha, Châu Pha (thị xã Phú Mỹ); Kim Long, Suối Nhum (huyện Châu Đức); An Hải và Quang Trung (huyện Côn Đảo). Thời gian qua, tình trạng ô nhiễm các hồ chứa diễn biến phức tạp, đặt ra yêu CẦU chính quyền địa phương phải sớm có các giải pháp để ngăn ngừa tình trạng này.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ nguồn nước sạch và hồ chứa nước trên địa bàn.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ nguồn nước sạch và hồ chứa nước trên địa bàn.

Hồ chứa nước Sông Ray có diện tích hơn 2.532 ha, nằm trên địa bàn xã Sơn Bình (huyện Châu Đức) và các xã Hòa Bình, Bàu Lâm, Tân Lâm (huyện Xuyên Mộc) và huyện Cẩm Mỹ (tỉnh Đồng Nai). Hồ có dung tích 215 triệu m3, chịu trách nhiệm cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, trong quá trình khảo sát thực địa tại hồ chứa nước này, chúng tôi chứng kiến rất nhiều hộ dân đang bón phân, phun thuốc trừ sâu cho cây trồng ở rất gần hồ nước, thậm chí có nơi chỉ cách mép hồ vài chục mét.

Tương tự, hồ chứa nước Xuyên Mộc (thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc), dung tích 4,5 triệu m3, mỗi ngày cung cấp 4.000 m3 nước sinh hoạt cho người dân và tưới cho 350 ha, nhưng lại có rất nhiều túi ni-lông, hộp xốp, chai lọ... Giám đốc Chi nhánh cấp nước Xuyên Mộc Dương Đình Châu cho biết, hằng tuần Chi nhánh cấp nước Xuyên Mộc đều tổ chức các tổ từ 5 đến 7 người thu gom rác thải, vệ sinh và dọn dẹp chung quanh lòng hồ. Trung bình, mỗi tuần thu gom được từ 7 đến 15 bao rác. Việc thu gom diễn ra thường xuyên bởi chỉ dừng lại vài hôm là lòng hồ lại đầy rác thải, rất nhiều túi rác thải là bao bì thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón...

Qua khảo sát của cơ quan chức năng, hầu hết các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đều đang đối diện nguy cơ ô nhiễm cao. Nguyên nhân chính được xác định là các hộ dân sống gần các hồ chứa nước và các doanh nghiệp sản xuất có nguồn thải chưa ý thức đầy đủ về việc bảo vệ môi trường; tình trạng nạo vét lòng hồ, khai thác cát sỏi trái phép, sai quy định… vẫn diễn ra thường xuyên. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Đặng Sơn Hải cho biết, việc sử dụng quá liều và mất kiểm soát về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của người dân dẫn đến nguy cơ dư lượng thuốc ngấm và thẩm thấu vào các hồ chứa nước hay chăn nuôi xả thải ra môi trường đang được xem là những nguy cơ chính làm cho nguồn nước bị ô nhiễm và mất an toàn.

Một trong những giải pháp đầu tiên được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai thực hiện là kiểm tra thường xuyên các cơ sở chăn nuôi, xử lý nghiêm hành vi xả thải chưa đạt quy chuẩn ra môi trường. Ông Đặng Sơn Hải cho biết, thời gian qua, sở đã phối hợp với các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc và thị xã Phú Mỹ tiến hành rà soát các cơ sở chăn nuôi nằm ở đầu nguồn các hồ chứa nước Sông Ray, Sông Hỏa, Châu Pha… Những cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước đều được nhận diện và kiểm soát. Những cơ sở xâm phạm hành lang bảo vệ nguồn nước, đều phải đóng cửa hoặc di dời đến các khu chăn nuôi tập trung. UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân thu gom, vận chuyển và xử lý bao bì chứa thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy định, không vứt bừa bãi, tràn lan gây ô nhiễm môi trường.

Để quản lý hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp tại các vùng thượng nguồn thuộc bản đồ khoanh vùng bảo vệ hồ chứa nước sinh hoạt trên địa bàn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xây dựng danh mục các ngành nghề không thu hút đầu tư, hạn chế thu hút đầu tư tại khu vực này. Theo đó, tỉnh cương quyết không thu hút đầu tư các dự án: Chế biến tinh bột sắn; chế biến mủ cao-su; sản xuất hóa chất cơ bản; nhuộm, thuộc da; dệt có công đoạn nhuộm; sản xuất giấy các loại, bột giấy; chế biến thủy, hải sản; sản xuất thuốc bảo vệ  thực vật; sản xuất phân bón vô cơ; sản xuất sơn, phụ gia, chất  tẩy rửa công nghiệp; sản xuất pin, ắc-quy…; đồng thời lắp đặt, vận hành sáu trạm quan trắc môi trường tự động... 

Trước đó, tỉnh cũng đã yêu cầu Công ty TNHH Mei Sheng Textiles Việt Nam di dời xưởng nhuộm ra khỏi khu vực thượng nguồn hồ Đá Đen. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã có nhiều cuộc khảo sát và làm việc với tỉnh Đồng Nai về Khu xử lý chất thải tập trung Thiên Phước (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) nhằm ngăn ngừa nước thải từ khu xử lý rác này đổ về hồ Đá Đen. 

Cùng với việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ các nguy cơ tiềm ẩn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã hoàn thiện các “kịch bản” nhằm bảo vệ các hồ chứa nước có dung tích hơn 5 triệu m3 nước (gồm các hồ: Đá Đen, Suối Giàu, Đá Bàng, Tầm Bó, Lồ Ồ); các đê Chu Hải, Phước Hòa, Lộc An, kè Phước Tỉnh; cùng phương án phòng, chống lụt, bão của 12 hồ chứa nước và một đập dâng... Sở Tài nguyên và Môi trường cũng phối hợp các địa phương tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng các phương pháp tưới tiết kiệm và xử lý chất thải bằng hệ thống hầm bi-ô-ga giúp bảo đảm vệ sinh môi trường...