Ðẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến vào nuôi thủy sản

Trong 5 năm trở lại đây, mặc dù diện tích nuôi thủy sản của tỉnh Bắc Ninh giảm nhẹ nhưng sản lượng vẫn duy trì ổn định, tăng trưởng đều qua từng năm. Ðể có được kết quả trên, các hộ nuôi thủy sản đã tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm.

Mô hình nuôi cá lồng của hộ gia đình bà Bùi Thị Thiệp, xã Trung Kênh, huyện Lương Tài (Bắc Ninh).
Mô hình nuôi cá lồng của hộ gia đình bà Bùi Thị Thiệp, xã Trung Kênh, huyện Lương Tài (Bắc Ninh).

Cách đây ba năm, sau khi tham gia một lớp tập huấn về nuôi thủy sản, anh Lương Duy Tùng, thôn Lương Xá, xã Phú Lương, huyện Lương Tài đã đầu tư hơn 100 triệu đồng xây dựng vùng nuôi cá sông trong ao với diện tích 80 m2. Ao nuôi được trang bị hệ thống máng nuôi gồm thiết bị thổi khí nén, đảo nước tạo ô-xi, hệ thống thu gom chất thải. Anh Tùng cho biết, nếu nuôi hết công suất, mô hình này có thể cho năng suất 13 đến 15 tấn cá/vụ. So với cách nuôi truyền thống, công nghệ mới còn cho phép người nuôi thu hoạch dần chứ không cần thu hoạch cùng lúc.

Ở Bắc Ninh, ngày càng có nhiều hộ nuôi thủy sản áp dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ cao vào sản xuất. Ðiển hình như các mô hình nuôi thâm canh cá trong ao đất có sử dụng hệ thống quạt nước, chế phẩm sinh học xử lý môi trường, hay mô hình nuôi cá theo công nghệ "sông trong ao" cho năng suất 15 đến 20 tấn/ha. Hay các mô hình nuôi cá bằng công nghệ sinh học Biofloc với diện tích nuôi cá thâm canh lên đến 1.875 ha, chiếm khoảng 30% diện tích nuôi thủy sản của tỉnh, năng suất cá bình quân đạt 6 đến 12 tấn/ha. Hiện, 80% hộ nuôi trồng thủy sản lắp đặt hệ thống máy quạt nước, sục khí, tạo ô-xi trong ao. Một số chủ hộ còn mạnh dạn lắp đặt, sử dụng thiết bị rơ-le hoặc điều khiển bằng thiết bị không dây (kết nối qua điện thoại thông minh) để tự động bật, tắt, cảnh báo mất điện cho hệ thống quạt nước, sục khí. Ở một số địa phương, người nuôi thủy sản còn sản xuất giống cá chép bằng công nghệ đẻ vuốt và ấp trứng bằng bình vây hay công nghệ sử dụng hoóc-môn để sản xuất giống cá rô phi đơn tính... cho hiệu quả kinh tế cao.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hồng Quang cho biết, nhờ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tính đến hết năm 2019, diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 5.171 ha, chỉ bằng 99,42% so với cùng kỳ năm 2018 nhưng tổng sản lượng thủy sản năm 2019 đạt 37.778 tấn, tăng 1,53% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất thủy sản ước đạt 1.168,75 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ.

Để có được kết quả trên, trong năm 2019, Chi cục Thủy sản tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, phòng kinh tế các huyện, thị xã, thành phố và Hội nghề cá tỉnh tổ chức 34 lớp tập huấn với hơn 1.400 hộ tham gia. Qua đó, chuyển giao được kiến thức phòng trị bệnh, kỹ thuật cho người nuôi thủy sản. Ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương còn tổ chức nhiều hội nghị tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật tại các vùng nuôi thủy sản trong ao đất, vùng nuôi cá lồng tập trung và các vùng thường xuyên xảy ra dịch bệnh.

Mặc dù đem lại nhiều kết quả khả quan nhưng theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bắc Ninh, các mô hình sản xuất thủy sản ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh còn chiếm tỷ lệ thấp. Việc tiếp cận các nguồn vốn vay còn hạn chế do yêu cầu người vay phải có tài sản thế chấp hoặc có dự án sản xuất, kinh doanh… trong khi đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất thủy sản nói riêng có nhiều rủi ro, cho nên chưa khuyến khích được các tổ chức, các doanh nghiệp đầu tư. Một số diện tích nuôi trồng thủy sản nằm ven các khu công nghiệp, dân cư gặp khó khăn về nguồn nước cấp, nguy cơ ô nhiễm môi trường ao nuôi. Hệ thống cấp thoát nước, đường điện, giao thông tại một số vùng nuôi trồng thủy sản tập trung chưa được đầu tư đồng bộ.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh Ðặng Trần Trung cho biết, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ chủ động, tích cực hợp tác, phối hợp với Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, các trung tâm giống thủy sản quốc gia để nhận chuyển giao, áp dụng công nghệ sản xuất giống, phòng trị bệnh, dịch vụ thú y, hỗ trợ nghiên cứu thị trường. Tăng cường các lớp tập huấn, phổ biến chính sách hỗ trợ người dân. Cùng với đó, triển khai xây dựng công trình hạ tầng, giám sát môi trường nuôi nhằm tạo điều kiện đẩy mạnh áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất để kiểm soát dịch bệnh, môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản. Ðồng thời, đề xuất đầu tư hạ tầng cho các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất trang trại, gia trại cũng như hình thành các hợp tác xã, các chi hội nghề cá, nhóm hộ cùng sở thích để xây dựng thương hiệu, tạo mối liên kết tổ chức sản xuất thủy sản theo chuỗi.