Ðẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực thú y

Những năm qua, ngành thú y đã chủ động làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người; nhất là bệnh mới nổi, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và phát triển chăn nuôi trong nước một cách bền vững.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra công tác chẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật tại Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương (Cục Thú y).
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra công tác chẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật tại Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương (Cục Thú y).

Kiểm soát tốt nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm

Với phương châm "phòng bệnh là chính, chữa bệnh kịp thời, chống dịch khẩn trương", ngành thú y đã làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, như: Thanh toán và loại trừ được bệnh dịch tả trâu bò vào năm 1978, kiểm soát và ngăn ngừa nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm lây lan sang người như bệnh cúm gia cầm, nhiệt thán, dại, giun bao, liên cầu khuẩn. Từ tháng 2-2014 đến nay, không có người nào bị bệnh, bị chết vì cúm gia cầm. Kiểm soát tốt các loại dịch bệnh gây thiệt hại lớn về kinh tế như bệnh lở mồm long móng gia súc, bệnh tai xanh và gần đây là bệnh dịch tả lợn châu Phi, cùng hàng loạt các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm từ nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam và các bệnh truyền lây giữa động vật và người.

Hàng trăm nghìn bác sĩ thú y đang làm việc trong các cơ quan, cơ sở đào tạo, các trường dạy nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực thú y và các hội, hiệp hội về thú y,... với năng lực chuyên môn vững vàng, tinh thần trách nhiệm cao đã và đang ngày đêm nghiên cứu chế tạo thành công nhiều loại vắc-xin, góp phần thanh toán bệnh dịch tả trâu bò (được Tổ chức Thú y thế giới công nhận); khống chế một số bệnh lớn như: dịch tả lợn cổ điển, Newcastle, Gumboro, Marek, đậu. Ngành thú y đã từng bước nghiên cứu dịch tễ học theo chiều sâu một số bệnh chủ yếu như: dịch tả lợn cổ điển, dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, PRRS, lở mồm long móng..., tạo cơ sở khoa học chắc chắn, xây dựng biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Ðồng thời chủ động nghiên cứu một số bệnh mới nổi, bệnh nguy hại, tạo cơ sở khoa học- công nghệ và tư vấn cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chính phủ các giải pháp phòng bệnh thích hợp. Trong công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản, đã có giải pháp chuyển từ thế bị động sang chủ động để kiểm soát dịch bệnh; chủ động tổ chức giám sát và xây dựng các chuỗi, vùng nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh, trong đó có cơ sở an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE). Nhiều công trình nghiên cứu liên quan lĩnh vực thủy sản đã từng bước làm chủ các khâu trong chuỗi sản xuất thủy sản từ khâu nuôi trồng, thức ăn, mô hình nuôi và chế biến, nhằm bảo đảm tính an toàn sinh học cho môi trường nuôi trồng thủy sản, và công nghệ sinh học di truyền nhằm tạo ra con giống tốt (cá tra, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh…) cho nuôi trồng.

Ðổi mới công tác quản lý

Công tác quản lý thuốc thú y là một trong những nhiệm vụ được ngành đặc biệt quan tâm. Ðến nay, 100% số nhà máy sản xuất thuốc thú y đều đạt tiêu chuẩn GMP, đã sản xuất được hàng nghìn loại thuốc thú y, đáp ứng hơn 70% nhu cầu trong nước, nhất là các loại thuốc và vắc-xin thú y chủ lực như vắc-xin cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh và dại,… Hằng năm đã và đang xuất khẩu thuốc thú y sang hơn 40 quốc gia trên thế giới và thu về hàng chục triệu USD/năm. Trong công tác kiểm dịch động vật, đã tổ chức thực hiện trên hệ thống hải quan một cửa quốc gia đối với thủ tục đăng ký kiểm dịch nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật và thủ tục cấp giấy chứng nhận kiểm dịch, góp phần giảm thủ tục hành chính, thúc đẩy xuất khẩu, nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật. Ðồng thời chủ động, phối hợp tổ chức có hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu động vật, sản phẩm động vật qua biên giới, giúp kiểm soát, ngăn chặn được nhiều loại mầm bệnh nguy hiểm xâm nhiễm vào Việt Nam như bò điên, cúm H7N9, Ebola, Nepa…

Công tác quản lý giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y đã được đẩy mạnh với nhiều kết quả nổi bật và không để xảy ra tình trạng mất an toàn, ngộ độc thực phẩm có nguồn gốc động vật trong những năm gần đây. Các sản phẩm động vật an toàn đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước, cũng như còn xuất khẩu sang nhiều nước như EU, Mỹ, Nhật Bản, Ca-na-đa, các nước châu Á,…(như mật ong, thịt lợn đông lạnh, thịt gà chế biến, trứng gia cầm, sản phẩm sữa, thức ăn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, sản phẩm lông và da động vật để sử dụng cho hàng may mặc, giày dép,…).

Trong công tác xúc tiến thương mại, để đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam sang các nước trên thế giới, ngành thú y đã chủ trì và phối hợp các đơn vị liên quan ở Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp chăn nuôi, chế biến sản phẩm chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, tìm kiếm các thị trường tiềm năng và đàm phán thành công với cơ quan có thẩm quyền của các nước để mở cửa thị trường cho một số mặt hàng chăn nuôi của Việt Nam, với tổng giá trị gần một tỷ USD/năm. Ðồng thời hướng dẫn các địa phương và doanh nghiệp tổ chức xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm như hỗ trợ Công ty TNHH Koyu & Unitek, Công ty TNHH C.P Việt Nam tổ chức xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi, chuỗi sản xuất thịt gà chế biến bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản; Công ty cổ phần GreenFeed hợp tác xây dựng chuỗi sản xuất thịt lợn an toàn dịch bệnh để xuất khẩu, giai đoạn 2019 - 2022; Công ty TNHH C.P Việt Nam và Công ty Phú Gia xây dựng chuỗi sản xuất thịt gà an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm để xuất khẩu, giai đoạn từ năm 2019 - 2022; Công ty cổ phần sữa Việt Nam, Công ty Giống bò sữa Mộc Châu xây dựng chuỗi sản xuất sữa và vùng chăn nuôi bò sữa an toàn dịch bệnh để xuất khẩu, giai đoạn từ năm 2019 đến 2022; đồng thời chủ động hỗ trợ tất cả các doanh nghiệp cho chuỗi sản xuất sữa ở quy mô lớn để xuất khẩu sang Trung Quốc và các thị trường khác.

Bước sang giai đoạn mới, hội nhập sâu rộng với thế giới sẽ có nhiều thách thức và cơ hội, nhiệm vụ của ngành thú y sẽ rất nặng nề, với nhiều khó khăn và thách thức, đòi hỏi công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực thú y đặc biệt được chú trọng. Theo TS Phạm Văn Ðông, Cục trưởng Cục Thú y, bên cạnh việc duy trì áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001: 2008 và ISO 9001: 2015 từ tháng 10-2019, cần tiếp tục thực hiện theo cơ chế một cửa quốc gia đối với thủ tục cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật trên cạn xuất khẩu, thủ tục đăng ký kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn nhập khẩu và thủ tục cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn nhập khẩu; thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đối với các thủ tục về cấp giấy chứng nhận lưu hành thuốc thú y, chứng chỉ hành nghề thú y và kiểm tra vệ sinh thú y; cắt giảm hàng chục các thủ tục, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ, xét nghiệm từ 10 - 90% so trước đây, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành thú y trong thời kỳ mới.