An Giang ứng phó sạt lở đất bờ sông

NDO -

Từ đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh An Giang đã xảy ra 58 điểm sạt lở, sụt lún, răn nứt đất bờ sông, kênh, rạch gây thiệt hại về tài sản gần 7 tỷ đồng. Sạt lở vẫn còn tiếp diễn phức tạp, theo thông tin của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, hiện toàn tỉnh có 53 đoạn sông, kênh, rạch cảnh báo sạt lở với tổng chiều dài 171.580m. Trong đó có sáu đoạn được cảnh báo ở mức độ đặc biệt nguy hiểm, 42 đoạn ở mức độ nguy hiểm.

Sạt lở xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú đe dọa Quốc lộ 91.
Sạt lở xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú đe dọa Quốc lộ 91.

Vụ sạt lở gần đây nhất xảy ra tại ấp Mỹ Thuận, xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú làm căn nhà của ông Trần Văn Út rơi xuống sông Hậu, căn nhà của bà Trần Thị Bạn trong vùng nguy hiểm phải di dời. Thời gian gần đây tại huyện Châu Phú thường xảy ra sạt lở đất dọc theo bờ sông Hậu với mức độ nghiêm trọng tại các xã Mỹ Phú, Vĩnh Thạnh Trung, Bình Mỹ. Trong đó, xã Vĩnh Thạnh Trung nhiều lần xảy ra sạt lở với tổng chiều dài hơn 100m đe dọa trực tiếp 11 hộ dân phải di dời khẩn cấp; 13 hộ nằm trong vùng ảnh hưởng sạt lở, 29 căn nhà cách nơi sạt lở 20m.

An Giang ứng phó sạt lở đất bờ sông -0
 Sạt lở đất sông Tiền ở thị xã Tân Châu.

Nhưng nghiêm trọng nhất vẫn là vụ các sạt lở ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ với chiều dài sạt lở hơn 40m ngày 27-5-2020 đe dọa 29 hộ dân phảu di dời. UBND tỉnh An Giang phải ra quyết định công bố tình huống khẩn cấp nguy cơ sạt lở nghiêm trọng quốc lộ 91. UBND huyện, xã phải tiếp tục theo dõi diễn biến sạt lở để kịp thời xử lý và di dời 52 hộ trong vùng nguy hiểm.

Sông Hậu đã đe dọa nhiều vùng thuộc huyện Châu Phú và uy hiếp luôn huyện Chợ Mới, vụ sạt lở gần đây nhất tại khu vực ấp An Thị, xã An Thạnh Trung với chiều dài hơn 250m đe dọa 27 căn nhà nên UBND huyện Chợ Mới phải huy động lực lượng hỗ trợ dân di dời nhà cửa, tài sản đến nơi an toàn. Sau đó, UBND tỉnh đã ban hành quyết định chủ trương đầu tư dự án “Xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông Hậu đoạn qua xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới” với chiều dài toàn tuyến 450m với tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án từ năm 2020 - 2024.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, bên cạnh sạt lở đất dọc theo các sông lớn như sông Tiền, sông Hậu, sông Cái Vừng, sông Bình Di thì gần đây các kênh rạch cũng xảy ra lún nứt, sạt lở với diễn biến ngày càng khó lường. Cụ thể, kênh Cái Sắn đoạn qua khóm Hòa Thạnh, phường Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên đã uy hiếp sạt lở đất với chiều dài 70m nên địa phương phải cấp tốc di dời 14 hộ dân trong khu vực nguy hiểm. Vài tuần sau, kênh Cái Sao đoạn chảy qua khóm Trung Hưng, phường Mỹ Thới, TP Long Xuyên đã gây ra sạt lở đất với chiều dài 60m kéo theo 15 căn nhà bị sụp lún rơi xuống kênh.

Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú Nguyễn Thanh Lâm thông tin, tại xã Vĩnh Thạnh Trung qua khảo sát vẫn còn nguy cơ sạt lở tiếp ảnh hưởng 51 hộ dân nên địa phương đã tuyên truyền, vận động để sẵn sàng di dời đồng thời kiến nghị lên tỉnh có biện pháp hạn chế, phòng chống sạt lở như xây bờ kè, chỉnh trị dòng chảy để khắc phục, hạn chế sạt lở.

Thực tế cho thấy, từ năm 2017 đến nay, tỉnh An Giang luôn xảy ra sạt lở đất bờ sông, kênh rạch gây mất đất và nhà cửa người dân. Cụ thể, năm 2017, xảy ra vụ sạt lở đất ở Vàm Nao, đoạn qua xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới kéo theo 14 căn nhà rơi xuống sông; năm 2019, xảy ra 45 vụ sụt lún, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch tại bảy huyện, thị xã, thành phố với tổng chiều dài 3.445m, ảnh hưởng đến 146 căn nhà, ước thiệt hại về đất và tài sản khoảng 32,6 tỷ đồng. Trong đó, vụ sạt lở quốc lộ 91 tại xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú làm ảnh hưởng 16 căn nhà, thiệt hại hơn 25 tỷ đồng, mất đất Quốc lộ 91.

An Giang ứng phó sạt lở đất bờ sông -0
Sạt lở kênh Cái Sao tại TP Long Xuyên. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, hiện nay, tại xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú còn khoảng 2.500 hộ dân nằm trong khu vực sạt lở dọc theo Quốc lộ 91 do vậy, cần giải quyết triệt để nguyên nhân gây sạt lở để ổn định lâu dài. UBND tỉnh đã đề xuất về T.Ư cho chủ trương để An Giang thực hiện xã hội hóa chỉnh trị dòng chảy sông Hậu bảo vệ Quốc lộ 91 khu vực xã Bình Mỹ với chiều dài khoảng 3km, sẽ cơ bản khắc phục được tình trạng lòng sông Hậu bị thắt hẹp, giảm áp lực dòng chảy gây xói lở đường bờ. 

Theo một cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, việc khắc phục sạt lở hiện nay thường mang tính cấp thiết trước mắt nên thường tốn chi phí rất cao và không có ý nghĩa lâu dài. Do đó, Sở Tài nguyên Môi trường đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện rà soát điều chỉnh quy hoạch giao thông, dân cư trên địa bàn đồng bộ, định hướng di dời dân lâu dài, ổn định cuộc sống gắn với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện.

Để hạn chế phần nào sạt lở đất, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh cũng khuyến nghị UBND cấp huyện, thị xã, thành phố đối với các khu vực có nguy cơ sạt lở chủ động áp dụng các giải pháp ngăn ngừa hạn chế sạt lở như: giảm tải trọng đường bờ (cấm hoặc giảm tải phương tiện giao thông, tháo dỡ nhà hoặc kho bãi có tải trọng lớn ven bờ…), thả rọ đá, bao cát bằng vải địa kỹ thuật hoặc các loại bó cây tre hoặc nhánh cây làm đổi hướng và giảm lực dòng chảy, sóng,….