An Giang thông báo về vụ đấu thầu mỏ cát hơn 2,8 nghìn tỷ đồng

NDO -

Ngày 13-4, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang đã ra thông cáo báo chí việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản cát sông làm vật liệu xây dựng mỏ Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

Trong năm nay, các phương tiện vận chuyển cát sông đều bị kiểm tra gắt gao để tránh tình trạng khai thác cát lậu. (Ảnh: THANH DŨNG)
Trong năm nay, các phương tiện vận chuyển cát sông đều bị kiểm tra gắt gao để tránh tình trạng khai thác cát lậu. (Ảnh: THANH DŨNG)

Theo đó, thực hiện Quyết định số 2746/QĐ-UBND ngày 26-11-2020 của UBND tỉnh An Giang về việc phê duyệt phương án đấu giá quyền khai thác khoáng sản cát sông làm vật liệu xây dựng tỉnh An Giang năm 2020 thì ngày 26-3-2021, tại Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh An Giang đã tổ chức các cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản cát sông làm vật liệu xây dựng cụ thể như sau:

Mỏ Bình Phước Xuân diện tích 60,3 ha khoảng cách biên mỏ đến cù lao Bình Phước Xuân nơi gần nhất là 140 m, trữ lượng dự kiến khai thác là: 2.372.500 m3,  mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản khởi điểm tạm tính tương đương 7,2 tỷ đồng, đấu giá 45 vòng, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trúng đấu giá là 1.951%, tạm tính là 2.811 tỷ đồng tăng 390 lần. Đơn giá trúng đấu giá là 1.184.826 đồng/m3 cát khai thác. Khi xác định trữ lượng chính thức, mức thu sẽ bằng trữ lượng chính thức nhân với đơn giá trúng đấu giá.

Đơn vị trúng đấu giá là Công ty TNHH thương mại và dịch vụ T-S.home, địa chỉ: số 14 đường số 11, Khu dân cư ven sông, phường Tân Phong, quận 7, TP Hồ Chí Minh, có vốn điều lệ của Công ty theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là 27 tỷ đồng (hai mươi bảy tỷ đồng) và Thư cam kết tài trợ vốn vay thực hiện dự án 50 tỷ đồng (năm mươi tỷ đồng) (Văn bản xác nhận cho vay số CK 000910 ngày 4-1-2021 của NH TMCP Sài Gòn - Chi nhánh Bình Tây). Từ khi phiên đấu giá kết thúc đến nay chưa nhận được bất kỳ khiếu nại hoặc tố cáo vi phạm nào của các cá nhân, đơn vị nào về trình tự và kết quả của phiên đấu giá.

Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ mời và làm việc cụ thể với đơn vị trúng đấu giá để xác nhận và hướng dẫn thực hiện các nội dung chứng minh nguồn lực tài chính cụ thể và thống nhất thời gian nộp tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo Điều 8 Thông tư Liên tịch số 54/2014/TTLT-BTNMT-BTC ngày 9-9-2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính và phương thức thu tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản thực hiện theo Điều 7 Thông tư Liên tịch số 54/2014/TTLT-BTNMT-BTC ngày 9-9-2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính. Cụ thể, số tiền Công ty TNHH thương mại và dịch vụ T-S.home phải nộp năm đầu tiên là 140,55 tỷ đồng để được cấp quyền khai thác. Trong bốn năm tiếp theo mỗi năm phải nộp 667 tỷ đồng. Thời gian khai thác mỏ là 12 năm, mỗi năm khai thác 200 nghìn m3. Trường hợp Công ty TNHH thương mại và dịch vụ T-S.home không chứng minh được khả năng tài chính đáp ứng nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản như  trên công ty sẽ không còn quyền của đơn vị trúng đấu giá khu mỏ nêu trên.

Thống nhất cụ thể thiết kế mỏ. Trong thời hạn một năm kể từ ngày kết thúc phiên đấu giá, tổ chức, cá nhân trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản phải thực hiện hoàn thành các việc: xin phép thăm dò, trình phê duyệt trữ lượng, đánh giá tác động môi trường và nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định của pháp luật về khoáng sản. Không được chuyển nhượng kết quả đấu giá quyền khai thác khoáng sản cho tổ chức, cá nhân khác lập hồ sơ đề nghị cấp phép hoạt động khoáng sản.

Quyết định công nhận trúng đấu giá (được quyết định sau khi đơn vị trúng đấu giá chứng minh được khả năng tài chính đáp ứng nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản như nêu trên) không phải là loại giấy phép khai thác khoáng sản chứng minh năng lực có nguồn cát để bổ sung hồ sơ tham gia dự thầu hoặc đấu thầu các công trình xây dựng, san lấp.

Giấy phép khai thác khoáng sản được cấp (Đơn vị trúng đấu giá chỉ được cấp khi thực hiện các thủ tục xin phép thăm dò, trình phê duyệt trữ lượng, đánh giá tác động môi trường, nộp hồ sơ đề nghị và được cấp giấy phép khai thác khoáng sản) mới đủ điều kiện khai thác.

Trong  thời gian tới, UBND tỉnh An Giang chỉ đạo tiếp tục tăng cường công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản tại địa phương; tạo sự phối hợp kịp thời giữa các ngành trong công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về khai thác tài nguyên khoáng sản sâu rộng trong nhân dân; xây dựng phát huy hết vai trò giám sát của nhân dân và các tổ chức đoàn thể đối với hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý vi phạm đối với hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển, tiêu thụ, tàng trữ khoáng sản (cát sông) trái quy định pháp luật và đề xuất giải pháp xử lý các vấn đề có liên quan với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

Các tổ chức cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên phương tiện được phép khai thác và kết nối với máy chủ đặt tại Sở Tài nguyên và Môi trường để giám sát hoạt động khai thác khoáng sản đối với cát sông. Tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản có vi phạm lần thứ nhất thì tiến hành xử lý vi phạm hành chính theo quy định, nếu tái phạm sẽ xem xét thu hồi giấy phép hoặc không được gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản khi hết hạn.

Các khu mỏ trước khi được cấp phép khai thác phải hoàn thành thủ tục đánh giá tác động môi trường và đánh giá tác động đến lòng bờ bãi sông theo Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24 -2-2020 của Chính phủ Quy định về Quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, thông qua việc kiểm tra bằng mô hình toán thủy lực. Do đó, việc cấp phép khai thác theo đúng quy định sẽ không ảnh hưởng đến sạt lở bờ.