14 tỉnh, thành phố thực hiện sáng kiến chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em

NDO -

NDĐT - Ngày 17-5, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục - Đào tạo và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác về việc thực hiện sáng kiến “Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học”.

Lễ ký kết thực hiện sáng kiến “Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học”.
Lễ ký kết thực hiện sáng kiến “Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học”.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam sẽ hợp tác triển khai một số nội dung, chương trình, hoạt động tại 14 tỉnh, thành phố hiện có dự án của Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam như: Hòa Bình, Yên Bái, Tuyên Quang, Điện Biên, Hưng Yên, Hải Phòng, Thanh Hóa... nhằm đẩy mạnh giáo dục thay đổi hành vi cho giáo viên và học sinh, hướng đến xây dựng, duy trì một môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, phi bạo lực.

Các nghiên cứu cho thấy, bạo lực thân thể không chỉ để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với các kỹ năng tương tác xã hội của trẻ, mà còn ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của xã hội nói chung.

“Chính vì những tác hại của bạo lực trẻ em, xâm hại trẻ em nói chung và bạo lực học đường nói riêng, ngành Giáo dục luôn mong muốn phối hợp các cơ quan, tổ chức, cá nhân cùng chung tay đẩy lùi bạo lực trẻ em” - Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cho biết.

Trong khuôn khổ của Thỏa thuận hợp tác, Bộ Giáo dục - Đào tạo và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam sẽ cùng đưa vào nhà trường những kiến thức, kỹ năng thực tiễn giúp giáo viên và học sinh ngăn chặn bạo lực đối với trẻ em trong trường học.

Cụ thể, hai bên sẽ phối hợp giới thiệu phương pháp giáo dục tích cực cho đội ngũ giáo viên. Đây là cách dạy dỗ con trẻ hiệu quả hơn, giúp các em nhận biết và phát huy những thái độ, hành vi tích cực, mà không cần mắng mỏ hay đòn roi. Đối với học sinh, giáo dục thay đổi hành vi sẽ được đặc biệt chú trọng để giúp các em nhận biết nguy cơ bạo lực, từ đó nâng cao khả năng xử lý tình huống và tự bảo vệ mình khỏi bạo lực.