Bắc Ninh đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới

Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, tất cả 94 xã của tỉnh Bắc Ninh đã “cán đích” nông thôn mới, bảy trong tổng số tám đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Có được kết quả này là do sự nỗ lực, đồng lòng của Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh.
 

Tuyến đường liên thôn, liên xã ở huyện Lương Tài được bê-tông hóa, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Ảnh: NGỌC HẢI
Tuyến đường liên thôn, liên xã ở huyện Lương Tài được bê-tông hóa, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Ảnh: NGỌC HẢI

Phát huy hiệu quả sức dân
 
 Vốn là xã thuần nông, trước khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, đời sống của người dân xã Long Châu, huyện Yên Phong gặp nhiều khó khăn; đường liên thôn, xóm chật hẹp. Nhiều công trình như trường học, nhà văn hóa… xuống cấp. Sau khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn ở xã Long Châu đã “thay da đổi thịt” hoàn toàn. Theo Chủ tịch UBND xã Long Châu Nguyễn Văn Thái, để chương trình đạt hiệu quả, xã chủ trương phát huy tối đa sức mạnh nhân dân. Cụ thể, xã huy động nguồn kinh phí hơn 96 tỷ đồng; trong đó nguồn lực từ nhân dân đóng góp khoảng 51 tỷ đồng. Cùng với đó, người dân xã Long Châu đã rất tích cực tham gia vào phong trào hiến đất xây dựng nông thôn mới. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến thôn Đại Chu. Bí thư Chi bộ thôn Đại Chu (xã Long Châu) Nguyễn Đức Phượng cho biết, xuất phát từ thực tế trên địa bàn thôn không có trường mầm non, các cháu nhỏ, con em công nhân đang làm việc trong các khu công nghiệp tại địa phương phải đi học nhờ ở những trường cách xa vị trí đang sinh sống, năm 2011, tập thể lãnh đạo thôn đã tổ chức cuộc họp bàn và thống nhất chủ trương hiến 13.000 m2 đất làm trường mầm non và các công trình công cộng. Theo ông Nguyễn Bá Đầm, người dân thôn Đại Chu, vào thời điểm đó, gia đình ông đang canh tác các loại hoa màu trên ruộng. Sau khi chính quyền địa phương thông báo chủ trương vận động người dân hiến đất, ông cùng người thân trong gia đình đã quyết định hiến hơn 700 m2 đất, không nhận tiền đền bù hoa màu của chính quyền. Bên cạnh đó, người dân thôn Đại Chu còn đóng góp hơn 1.200 ngày công và gần một tỷ đồng để xây dựng đường bê-tông trong các ngõ xóm trong thôn.
 
 Nói về quá trình phát huy sức dân trong xây dựng nông thôn mới, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh Đặng Công Hưởng cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, các doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh đã tự nguyện đóng góp hơn 500 tỷ đồng, khoảng 18.000 ngày công và hiến hơn 150.000 m2 đất để xây dựng các công trình công cộng nông thôn. Bên cạnh đó, hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do T.Ư phát động, cũng trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh Bắc Ninh huy động được hơn 200.000 ngày công lao động, khoảng 46 tỷ đồng đóng góp vào xây dựng nông thôn mới, hiến hơn 17.000 m2 đất làm đường giao thông, các công trình công cộng khác… Nguồn vốn của nhân dân, doanh nghiệp đóng góp được thực hiện đúng quy định, bảo đảm công khai, dân chủ, do người dân tự bàn bạc, quyết định, không áp đặt. Nhân dân trực tiếp quản lý, quyết định đầu tư, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn do mình đóng góp thông qua các ban phát triển thôn, ban giám sát cộng đồng, từ đó tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đáp ứng yêu cầu tiến độ và chất lượng xây dựng công trình phúc lợi ở các thôn, xóm...
 
 Tập trung xây dựng xã nông thôn mới nâng cao
 
 Đến nay, tất cả 94 xã của Bắc Ninh đã đạt chuẩn nông thôn mới, bảy trong tổng số tám đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư nâng cấp và từng bước phát triển nhanh theo hướng đô thị hóa, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Đời sống vật chất, tinh thần người dân được cải thiện. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh không có tình trạng nợ xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới. Bắc Ninh đã hoàn thành mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, sớm hơn 24 tháng so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ 19 (giai đoạn 2015 - 2020) đề ra. Một trong những điểm nhấn quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, là sự hài hòa về phát triển nông thôn với phát triển đô thị. Cụ thể, đô thị hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, là thị trường lớn để tiêu thụ nông sản từ nông thôn; ngược lại, nông thôn chính là vành đai xanh, giúp đô thị giảm tải áp lực về gia tăng dân số cơ học và môi trường.
 
 Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh Đặng Công Hưởng, trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Bắc Ninh cũng còn một số hạn chế. Cụ thể, cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển dịch chậm; phát triển kinh tế chưa đồng đều giữa các địa phương trong tỉnh; quan hệ sản xuất trong nông nghiệp - nông thôn bước đầu được đổi mới nhưng chưa mạnh; kinh tế hộ còn nhỏ; kinh tế hợp tác chưa có chuyển biến rõ nét, hiệu quả chưa cao; quá trình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị chưa nhiều, hiệu quả thấp. Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn, trong đó có khu vực làng nghề chưa được giải quyết triệt để…
 
 Trong giai đoạn 2021 - 2025, để đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Bắc Ninh phấn đấu có ít nhất một huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và khoảng 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Để đạt được mục tiêu đó, trong thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục phát động và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua trong xây dựng nông thôn mới; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức để cán bộ, đảng viên và người dân hiểu đầy đủ bản chất nhân văn của xây dựng nông thôn mới, quán triệt tư tưởng “Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát các mục tiêu của giai đoạn 2016 - 2020 để hoàn thành; chủ động bắt tay vào xây dựng chương trình, kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn sau năm 2020 theo hướng rõ mục tiêu, rõ việc, gắn sát với điều kiện thực tiễn. Tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu…