Xây dựng quan hệ đối tác Á - Âu năng động, gắn kết

Tại Hội nghị cấp cao lần thứ 11 (năm 2016), các nhà lãnh đạo Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) quyết định lấy ngày 1-3 hằng năm là Ngày ASEM. Ngày ASEM năm nay đánh dấu 25 năm hình thành và phát triển của diễn đàn có vai trò quan trọng với hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển thịnh vượng tại hai châu lục, đóng góp thiết thực định hình những xu thế lớn và cục diện thế giới trong thế kỷ 21.

Các đại biểu tham dự đối thoại cấp cao ASEM về nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Ảnh: Bộ Ngoại giao
Các đại biểu tham dự đối thoại cấp cao ASEM về nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Vị thế và tiềm năng hợp tác ASEM

Ðược thành lập ngày 1-3-1996, ASEM là cơ chế hợp tác liên khu vực có quy mô lớn nhất thế giới, với sự tham gia của 53 thành viên từ hai châu lục Á và Âu. Là khuôn khổ đối tác toàn diện kết nối Á - Âu, ASEM đã phát huy vai trò tăng cường gắn kết, mở rộng không gian hợp tác, phát triển và liên kết giữa các quốc gia, doanh nghiệp và người dân hai châu lục. Trước những chuyển biến nhanh chóng của tình hình thế giới, sức hấp dẫn, vị thế và tiềm năng hợp tác của ASEM ngày càng gia tăng.

Trước hết, ASEM đã trở thành cơ chế có sự tham gia của nhiều quốc gia có vai trò và tiếng nói quan trọng trong việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định cũng như trong quản trị kinh tế, xã hội khu vực và toàn cầu. Thứ hai, với những chương trình hợp tác hiệu quả, thiết thực, ASEM tiếp tục khẳng định vai trò hàng đầu thúc đẩy kết nối Á - Âu trong tất cả các lĩnh vực. Chương trình hành động ASEM về kết nối được thông qua tại Hội nghị cấp cao lần thứ 12 đã tạo khuôn khổ quan trọng làm sâu sắc hơn nữa quan hệ kết nối Á - Âu trong những thập niên tới. Thứ ba, với vai trò của châu Á và châu Âu là những động lực chính của tăng trưởng kinh tế và đổi mới sáng tạo trong thế kỷ 21, ASEM có tiềm năng và cơ hội để góp phần hiện thực hóa các mục tiêu toàn cầu về phát triển bền vững, bao trùm trên nền tảng sáng tạo và số hóa. Thứ tư, ASEM tiếp tục tạo khuôn khổ hữu hiệu để thúc đẩy và làm sâu sắc các quan hệ song phương và đa phương giữa hai khu vực Á - Âu. Cơ chế đối thoại và hợp tác thường xuyên là cơ sở quan trọng để quan hệ đối tác giữa hai châu lục ngày càng được củng cố, trong đó tiêu biểu và gần đây nhất là việc nâng tầm mối quan hệ lên Ðối tác chiến lược giữa Liên hiệp châu Âu (EU) và Hiệp hội các quốc gia Ðông - Nam Á (ASEAN).

Một ASEM ngày càng gắn kết với các quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, các thỏa thuận, hiệp định thương mại và đầu tư giữa các thành viên là nền tảng cho hợp tác Á - Âu, góp phần củng cố chủ nghĩa đa phương và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Nâng cao hơn nữa hiệu quả và khả năng thích ứng nhằm tăng cường kết nối liên khu vực và gia tăng vị thế toàn cầu, ASEM đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ để đáp ứng những yêu cầu mới. Trong đó, thúc đẩy một số định hướng sau:

Một là, làm sống động hơn hợp tác ASEM, xây dựng tầm nhìn quan hệ đối tác Á - Âu toàn diện, lấy người dân làm trung tâm trong thế kỷ 21. ASEM cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc đề cao luật pháp quốc tế và các nguyên tắc ứng xử chung; thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện, năng động; tăng cường gắn kết và chia sẻ nhận thức chung. Hai là, nâng cao tính thiết thực, hiệu quả của hợp tác ASEM, triển khai đồng bộ ba trụ cột hợp tác chính trị, kinh tế - phát triển và xã hội - văn hóa. Ba là, có cách tiếp cận tổng thể, hài hòa giữa tính chất đối thoại mở, không chính thức của ASEM với việc nâng cao hiệu quả hoạt động, hướng tới các kết quả cụ thể.

Việt Nam - thành viên năng động, có trách nhiệm

Việc tham gia với tư cách thành viên sáng lập ASEM năm 1996 đánh dấu bước triển khai quan trọng chủ trương đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Trong 25 năm qua, Việt Nam tham gia, đóng góp năng động và có trách nhiệm, góp phần tạo dựng những dấu mốc quan trọng trong chặng đường phát triển của ASEM, nâng cao vai trò, vị thế của Diễn đàn.

Việt Nam được đánh giá là một trong những thành viên tích cực nhất trong khởi xướng, đề xuất và thúc đẩy nhiều ý tưởng, nội dung hợp tác mới, trực tiếp triển khai và đồng bảo trợ gần 60 sáng kiến trong nhiều lĩnh vực. Thông qua các sáng kiến hợp tác, Việt Nam đã cùng các thành viên ASEM đề cao lợi ích của hòa bình, an ninh và ổn định, giải quyết những vấn đề cấp bách, thúc đẩy mối quan tâm chung.

Với bước chuyển tư duy đối ngoại đa phương sang “chủ động đóng góp, xây dựng và định hình”, Việt Nam đã đưa ra nhiều đề xuất giải quyết những vấn đề then chốt của ASEM, như mở rộng thành viên, củng cố cơ chế, nâng cao hiệu quả hoạt động... Ðảm nhiệm thành công nhiều trọng trách, như chủ nhà Hội nghị cấp cao ASEM năm 2004, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM năm 2009..., Việt Nam đã tham gia xây dựng và thúc đẩy nhiều định hướng, chiến lược quan trọng của Diễn đàn.

Trên nền tảng hợp tác ASEM, quan hệ song phương giữa Việt Nam và các thành viên ASEM ngày càng được đẩy mạnh và nâng tầm. Hợp tác song phương giữa Việt Nam với các đối tác và bạn bè truyền thống châu Âu tiếp tục phát triển nhanh chóng, ngày càng đi vào chiều sâu, toàn diện, cùng đóng góp cho hòa bình, hợp tác và phát triển ở hai khu vực và trên thế giới. Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp châu Âu (EU) có hiệu lực đánh dấu những mốc phát triển mới trong quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác châu Âu, khẳng định quyết tâm của các nước Á - Âu đẩy mạnh kết nối, liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu.

Trong giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, tăng cường quan hệ đối tác Á - Âu, trong đó có hợp tác ASEM, càng có ý nghĩa quan trọng với hòa bình, an ninh, ổn định, tăng trưởng kinh tế và nâng cao vị thế của đất nước. Việt Nam tiếp tục đồng hành cùng các thành viên ASEM nâng tầm hợp tác của Diễn đàn, chung tay xây dựng quan hệ đối tác Á - Âu ngày càng năng động, gắn kết, vì sự phát triển thịnh vượng của hai châu lục và trên thế giới.

Bùi Thanh Sơn

Ủy viên T.Ư Ðảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao