WB và IMF kêu gọi hỗ trợ các nước nghèo

Theo TTXVN và tin nước ngoài, tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) họp trực tuyến ngày 23-3, Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) D.Malpass kêu gọi tăng hỗ trợ các nước nghèo chống dịch Covid-19. Theo WB, đại dịch ảnh hưởng nghiêm trọng nhất tới nhóm 25 quốc gia nghèo nhất thế giới, vì thế cộng đồng quốc tế cần hành động khẩn cấp, giúp những nước này giảm nhẹ gánh nặng kinh tế, tập trung nguồn lực chống dịch.

* Trong thông điệp gửi hội nghị trực tuyến của G20, Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) K.Georgieva cũng kêu gọi các nền kinh tế hàng đầu thế giới cấp thêm các khoản hỗ trợ cho các nước có thu nhập thấp để ứng phó dịch Covid-19. Trong khi đó, các Bộ trưởng và Thống đốc Ngân hàng trung ương G20 đã nhất trí kế hoạch hành động chung nhằm hỗ trợ các nền kinh tế chống chọi dịch bệnh.

* Pháp và Trung Quốc phối hợp thúc đẩy cuộc họp khẩn cấp của các nhà lãnh đạo G20 để xây dựng các biện pháp mang tầm quốc tế ứng phó dịch Covid-19. Trong điện đàm, Tổng thống Pháp E.Macron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí rằng, một hội nghị cấp cao G20 vào thời điểm này rất hữu ích, cả trên mặt trận y tế lẫn kinh tế. Trước đó, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên G20 là A-rập Xê-út đề xuất tiến hành hội nghị cấp cao qua hình thức trực tuyến.

* Ngày 24-3, Bộ trưởng Tài chính các nước Liên hiệp châu Âu (EU) tiến hành họp trực tuyến, thảo luận việc phối hợp ứng phó dịch Covid-19, cũng như các biện pháp khẩn cấp ngăn chặn nguy cơ suy thoái kinh tế. Trước đó, các bộ trưởng đã thông qua “điều khoản thoát hiểm”, theo đó đình chỉ quy tắc của EU về thâm hụt ngân sách. Đây là lần đầu EU cho phép các nước thành viên chi tiêu không bị giới hạn theo quy định trần thâm hụt ngân sách ở mức 3% GDP.

* Cùng ngày, các Bộ trưởng Ngoại giao EU cũng tổ chức thảo luận tại Béc-lin (Đức) về các biện pháp phối hợp khẩn cấp chống dịch. Nước chủ nhà đề xuất kích hoạt “điều khoản đoàn kết” trong các hiệp ước của EU để tăng cường phản ứng trước sự lây lan nguy hiểm của dịch Covid-19, thông qua các biện pháp hỗ trợ các nước thành viên một cách cụ thể, nhanh chóng và hiệu quả.

* Thượng viện Mỹ một lần nữa không thông qua dự luật cứu trợ khẩn cấp, vốn mở đường để chính quyền Tổng thống D.Trump giải ngân một nghìn tỷ USD cho các chương trình hỗ trợ người dân và doanh nghiệp Mỹ chịu thiệt hại do dịch Covid-19. Trong khi đó, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) thông báo thực thi các biện pháp tín dụng chưa có tiền lệ, hỗ trợ các gia đình, doanh nghiệp nhỏ, chủ sở hữu nhiều lao động hiện đối mặt khó khăn do dịch bệnh.

* Ngày 24-3, Ngân hàng trung ương Israel công bố kế hoạch chi gần 13,5 tỷ USD mua trái phiếu chính phủ, nhằm hỗ trợ các biện pháp chống dịch. Chương trình được kỳ vọng giúp giảm tình trạng căng thẳng tín dụng, hỗ trợ các hoạt động kinh tế và ổn định tài chính.

* Sau quyết định mới nhất của FED, ngày 24-3, thị trường chứng khoán châu Á và giá dầu thô đều tăng giá, trong khi giá đồng USD giảm. Kế hoạch kích thích kinh tế của FED, gồm mua lại nợ của kho bạc, cấp khoản vay trực tiếp cho các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ, khiến đồng bạc xanh yếu, đẩy giá dầu đi lên.