Việt Nam - Đức, 45 năm hợp tác cùng phát triển

Ngày 23-9-2020 ghi dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Đức, khi hai nước kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước đang ngày càng phát triển tích cực, sâu rộng, hiệu quả và toàn diện.

Chuyên gia Đức hỗ trợ thực hiện Dự án làm sạch Ngọ Môn, Đại nội Huế. Ảnh: Sở Du lịch Thừa Thiên Huế
Chuyên gia Đức hỗ trợ thực hiện Dự án làm sạch Ngọ Môn, Đại nội Huế. Ảnh: Sở Du lịch Thừa Thiên Huế

Tháng 10-2011, Việt Nam - Đức chính thức nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược, tạo xung lực mới thúc đẩy sự hợp tác thực chất giữa hai bên. Đại sứ Đức tại Việt Nam G.Hin-nơ khẳng định, Việt Nam là đối tác chiến lược quan trọng của Đức. Sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước được tăng cường thông qua việc duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cơ chế hợp tác. Đây là nền tảng vững chắc để hai bên triển khai thành công nhiều lĩnh vực hợp tác quan trọng.

Quan hệ kinh tế giữa hai nước đạt nhiều kết quả ấn tượng trong những năm qua. Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu, chiếm gần 20% xuất khẩu của Việt Nam sang Liên hiệp châu Âu (EU), và cũng là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hóa Việt Nam sang thị trường châu Âu. Năm 2019, kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 10,24 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất siêu. Đức là thị trường lớn tiêu thụ nhiều mặt hàng điện thoại, linh kiện máy tính, giày dép, cà-phê, nông sản… của Việt Nam. Đối với Đức, Việt Nam là thị trường có tiềm năng phát triển nhanh ở khu vực châu Á. Tính đến tháng 5-2020, Đức có 361 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2,06 tỷ USD, đứng thứ tư trong số các nước EU và 18 trong số 132 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. 

Đức là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam trong lĩnh vực dạy nghề, đã hỗ trợ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng chiến lược dạy nghề quốc gia, soạn thảo Luật Dạy nghề, cũng như mở các trường dạy nghề kiểu mẫu theo mô hình đào tạo nghề song hành của Đức. Về hợp tác phát triển, từ năm 1990 đến nay, Đức đã cung cấp hơn hai tỷ USD cho các dự án ODA tại Việt Nam, thông qua hợp tác kỹ thuật và tài chính, trong đó, các dự án hợp tác kỹ thuật được thực hiện dưới hình thức viện trợ không hoàn lại. 

Bên cạnh đó, quan hệ hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục - đào tạo… cũng phát triển tốt đẹp. Những năm gần đây, các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật diễn ra sôi động. Đức hỗ trợ Việt Nam thực hiện một số dự án về bảo tồn, phục chế các di sản văn hóa tại cố đô Huế, nghiên cứu khảo cổ học. Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, hiện có khoảng 300 nghiên cứu sinh Việt Nam nhận học bổng nghiên cứu tại Đức và khoảng hơn bảy nghìn sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường đại học của Đức. Ngoài ra, từ năm 1993, Bộ Khoa học và Nghệ thuật bang Hét-xen thông qua Tổ chức Hỗ trợ đại học thế giới Đức (WUS) cấp 150 suất học bổng hằng năm cho sinh viên đạt kết quả học tập xuất sắc tại một số trường cao đẳng và đại học của Việt Nam. 

Năm 2020 là cột mốc quan trọng đối với cả hai nước khi Việt Nam và Đức đều giữ những vị trí quan trọng tại các diễn đàn đa phương. Đại sứ G.Hin-nơ nhấn mạnh, việc hai nước cùng đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch năm ASEAN và Đức làm Chủ tịch luân phiên EU nửa cuối năm 2020 tạo điều kiện thuận lợi để hai nước mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương. 

Đại sứ G.Hin-nơ khẳng định, Đức và Việt Nam gắn kết với nhau bằng tình hữu nghị lâu năm và quan hệ đối tác chặt chẽ. Chặng đường 45 năm qua là minh chứng rõ nét cho quan hệ tốt đẹp đó. Trên cơ sở những nền tảng đã được tạo dựng, với quyết tâm và nỗ lực không ngừng của lãnh đạo và nhân dân hai nước, quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Đức hứa hẹn sẽ ngày càng phát triển và đạt nhiều thành tựu.