Từng bước giải quyết bất ổn

Ni-giê-ri-a đã đạt một số kết quả tích cực trong cuộc chiến chống khủng bố, sau khi triển khai nhiều chiến dịch trấn áp các nhóm vũ trang trong nước thời gian qua. Song, để khôi phục hòa bình và ổn định cho đất nước, vẫn cần nhiều hơn nỗ lực từ chính phủ, cả trong hoạt động quân sự lẫn đàm phán hòa bình.

Thu giữ vũ khí của nhóm khủng bố Bô-cô Ha-ram. Ảnh GETTY IMAGES
Thu giữ vũ khí của nhóm khủng bố Bô-cô Ha-ram. Ảnh GETTY IMAGES

Bạo lực liên quan thù địch sắc tộc, cướp bóc và bắt cóc vẫn xảy ra thường xuyên tại Ni-giê-ri-a nhiều năm qua. Tại khu vực tây bắc nước này, cuối tháng 5 vừa qua, một nhóm phần tử vũ trang đã tiến hành một loạt cuộc tiến công nhằm vào các ngôi làng ở bang Xô-cô-tô, khiến 60 người chết. Trước đó ít ngày, các tay súng có vũ trang cũng tiến công và giết hại 18 người tại các ngôi làng khác trong khu vực. Từ năm 2011 đến nay, bạo lực tại khu vực tây bắc Ni-giê-ri-a đã cướp đi sinh mạng của khoảng 8.000 người và khiến 200.000 người phải rời bỏ nhà cửa.

Theo giới quan sát, nhiều nhóm vũ trang tại vùng tây bắc Ni-giê-ri-a không chịu ảnh hưởng của bất kỳ "ý thức hệ khủng bố" nào. Song, khu vực này hoàn toàn có thể trở thành "cầu nối" giữa các lực lượng thánh chiến khác nhau ở khu vực Xa-hen và vùng hồ Sát. Cùng các hoạt động quân sự, tại một số bang, chính quyền Ni-giê-ri-a đã nỗ lực đàm phán hòa bình với các nhóm phiến quân và các tổ chức vũ trang, tuy nhiên đến nay, nhiều khu vực vẫn chìm trong vòng xoáy bạo lực.

Trong khi đó, tại khu vực đông bắc Ni-giê-ri-a, phiến quân Bô-cô Ha-ram vẫn hoành hành nhiều năm qua. Lực lượng này ẩn náu trong vùng hồ Sát thuộc khu vực biên giới chung các nước Ca-mơ-run, CH Sát, Ni-giê-ri-a và Ni-giê. Bô-cô Ha-ram bắt đầu nổi dậy tại khu vực đông bắc Ni-giê-ri-a từ năm 2009, với âm mưu thiết lập cái gọi là một "Nhà nước Hồi giáo", sau đó mở rộng địa bàn hoạt động sang các nước láng giềng. Các cuộc tiến công của Bô-cô Ha-ram đã khiến hàng chục nghìn người chết và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, kéo theo cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng.

Trong các chiến dịch truy quét tội phạm được triển khai trong tháng 5 vừa qua, quân đội Ni-giê-ri-a cho biết đã tiêu diệt khoảng 600 phần tử Bô-cô Ha-ram và thành viên các băng nhóm tội phạm. Các chiến dịch diễn ra ở các khu vực đông bắc, tây bắc và miền trung Ni-giê-ri-a, những nơi Bô-cô Ha-ram hoành hành và nhiều nhóm tội phạm ẩn náu. Trong số các phần tử Bô-cô Ha-ram bị tiêu diệt, có cả chỉ huy cấp cao. Quân đội cũng thu giữ, phá hủy nhiều vũ khí, phương tiện cơ giới vũ trang, cơ sở hậu cần của các nhóm khủng bố. Bên cạnh đó, hàng trăm dân thường cũng được giải cứu, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em.

Bạo lực là một trong những nguyên nhân chính khiến đói nghèo vẫn là vấn đề nan giải của Ni-giê-ri-a. Trong báo cáo về tình trạng nghèo và bất bình đẳng giai đoạn từ tháng 9-2018 đến tháng 10-2019, Cơ quan Thống kê quốc gia Ni-giê-ri-a cho biết, khoảng 40% dân số của quốc gia có nền kinh tế lớn hàng đầu châu Phi này vẫn đang sống trong cảnh đói nghèo. Tỷ lệ nghèo ở các vùng nông thôn Ni-giê-ri-a là 52%, trong khi con số này ở các khu vực thành thị là 18%. Bang Xô-cô-tô ở tây bắc Ni-giê-ri-a là địa phương có tỷ lệ nghèo cao nhất nước, với hơn 87% số dân sống dưới ngưỡng nghèo. Ðể khôi phục ổn định tại các khu vực bất ổn, Ni-giê-ri-a tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố.

Chiến công mới đây của quân đội Ni-giê-ri-a được xem là động thái tiếp thêm sức mạnh cho cuộc chiến chống khủng bố, vốn vẫn còn nhiều gian nan và cần nhiều hơn nỗ lực từ chính phủ và người dân Ni-giê-ri-a. Ngoài sự liên kết giữa các địa phương trong nước, Ni-giê-ri-a đang tích cực hợp tác cùng các nước Ca-mơ-run, CH Sát và Ni-giê, nhằm từng bước thiết lập lại an ninh cho cả khu vực Tây Phi còn nhiều bất ổn.