Truyền thông Nhật Bản đánh giá cao EVFTA

Theo tin nước ngoài và TTXVN, nhật báo kinh tế Nihon Keizai của Nhật Bản ngày 20-5 đăng bài viết đánh giá Hiệp định tự do thương mại Việt Nam và Liên hiệp châu Âu (EVFTA), dự kiến được Quốc hội Việt Nam thông qua trong tháng 5, sẽ mang lại lợi ích không chỉ đối với các bên tham gia ký kết mà còn cả doanh nghiệp các nước khác.

Bài viết nêu rõ, theo EVFTA, Việt Nam và EU sẽ gỡ bỏ 99% thuế xuất khẩu trong vòng 10 năm. Điều này có thể giúp tăng lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU, vốn mới chỉ chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Những doanh nghiệp Nhật Bản đang có mặt tại Việt Nam dự kiến cũng sẽ được hưởng lợi từ hiệp định này.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tác động đến tất cả các nền kinh tế trên thế giới, Việt Nam là nước đầu tiên tại Đông - Nam Á sớm bình thường hóa các hoạt động kinh tế sau Covid-19. EVFTA được kỳ vọng sẽ thúc đẩy xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng trở lại.

★ Ngày 20-5, Thủ tướng Italy G.Conte cho rằng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang càn quét “lục địa già”, một số nước thành viên EU vẫn phản đối đề xuất của Pháp và Đức về thành lập Quỹ tái thiết trị giá 500 tỷ euro, đồng thời cảnh báo nguy cơ mở rộng chia rẽ trong EU. Thủ tướng Conte cho rằng đề xuất của Pháp và Đức về Quỹ tái thiết trị giá 500 tỷ euro là một bước đi dũng cảm và ý nghĩa. Tuy nhiên, EU cần làm nhiều hơn nữa nếu muốn vượt qua cuộc khủng hoảng này cùng nhau. Hiện, Áo, Đan Mạch, Thụy Điển và Hà Lan chỉ đồng ý với việc EU cho vay chứ không trợ cấp cho các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong dịch Covid-19 như Italy, Tây Ban Nha và Pháp.

★ Trong cuộc họp trực tuyến ngày 20-5, các bộ trưởng du lịch trong EU đã thảo luận về lộ trình dần mở lại biên giới vào mùa hè theo đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC). Tuy nhiên, các bên không đạt được đồng thuận trong vấn đề này.

★ Ngày 20-5, truyền thông Đức cho biết, Chính phủ Đức đã đạt nhất trí về gói cứu trợ dành cho hãng hàng không Lufthansa đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Theo đó, Thủ tướng A.Merkel và các bộ trưởng đã nhất trí mua lại 25% cổ phần của hãng. Trong ba tháng đầu năm, dịch Covid-19 khiến Lufthansa, hãng hàng không lớn nhất châu Âu, thông báo lỗ 1,2 tỷ euro.