Triển vọng thúc đẩy tăng trưởng từ EVFTA

Các nước Liên hiệp châu Âu (EU) đang ghi nhận kết quả tích cực từ biện pháp phong tỏa để dập dịch Covid-19; kỳ vọng sự phục hồi nhanh trên nhiều lĩnh vực và sớm nối lại hợp tác kinh tế, trong đó có việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu (EVFTA). Điều này nhằm tạo đà tăng trưởng và phát triển cho cả hai bên.

Ngành dệt may Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu sang EU. Ảnh: ROI-TƠ
Ngành dệt may Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu sang EU. Ảnh: ROI-TƠ

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất và xuất nhập khẩu của không chỉ Việt Nam mà cả khu vực EU và trên toàn thế giới. Tăng trưởng kinh tế năm nay ở khu vực EU được dự báo thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra. Trong bối cảnh đó, việc Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi mang ý nghĩa quan trọng, giúp bù đắp sự suy giảm của các nền kinh tế trong giai đoạn dịch bệnh. EVFTA được dự báo mang đến cơ hội thị trường đa dạng hơn cho cả doanh nghiệp Việt Nam và EU để lấy lại đà tăng trưởng.

Truyền thông châu Âu nhận định, một trong những vấn đề quan trọng với các doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận thị trường châu Âu là sự cạnh tranh, nhất là giá sản phẩm đến từ các nền kinh tế có quy mô khác trên thế giới. Thực tế, thị phần hàng hóa của Việt Nam tại EU còn khiêm tốn dù EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới với giá trị khoảng 2.338 tỷ USD/năm. Thị phần xuất khẩu của Việt Nam ở EU là khoảng 2% với chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Do đó với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế trong EVFTA, cơ hội gia tăng xuất khẩu của Việt Nam là rất lớn, nhất là với những mặt hàng lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ...

Khi Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn từ việc giảm, xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU để khai thác thị trường 18 nghìn tỷ USD này. Về nhập khẩu, doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ nguồn hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu với chất lượng tốt và ổn định với mức giá hợp lý hơn của EU. Nguồn máy móc, thiết bị, công nghệ - kỹ thuật cao từ các nước EU sẽ giúp nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm của Việt Nam. Ngoài ra, hàng hóa, dịch vụ từ EU vào Việt Nam sẽ tạo ra sức ép để doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh.

Với EVFTA, chuỗi giá trị mới của Việt Nam với một đối tác quan trọng trên thế giới sẽ được hình thành. Môi trường đầu tư mở, thuận lợi và triển vọng xuất khẩu hấp dẫn hơn sẽ thu hút đầu tư FDI từ EU vào Việt Nam nhiều hơn, nhất là các lĩnh vực như dịch vụ, tài chính, ô-tô, chế biến chế tạo, công nghệ thông tin, công nghệ cao, nông sản... Những yêu cầu đặt ra trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thể chế, chính sách pháp luật... theo hướng minh bạch, thuận lợi và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế sẽ là những tiền đề quan trọng đưa Việt Nam tăng tốc phát triển.

Một số doanh nghiệp Pháp nhận định, tình hình kiểm soát dịch bệnh ở các nước EU có nhiều diễn biến tích cực cho nên có thể kỳ vọng vào sự phục hồi kinh tế, tiêu dùng sau ba đến bốn tháng nữa. Còn Việt Nam đã đạt được kết quả nổi bật khi đối mặt đại dịch Covid-19, hạn chế sự lây lan và đã có thể sớm khôi phục hoạt động trên các lĩnh vực. Sự phục hồi ở EU trong những tháng cuối của năm 2020 có thể thúc đẩy trở lại hoạt động thương mại EU - Việt Nam bị gián đoạn do dịch bệnh. Dù vậy, xuất khẩu của Việt Nam sang EU có thể vẫn phải đối mặt với một giai đoạn khó khăn. Vì vậy, trong thời gian này Việt Nam cần đẩy mạnh hoạt động sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn châu Âu. Khi hết dịch, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của một số ngành từ Việt Nam sang EU có thể tăng đều đối với các sản phẩm như gạo, thủy sản, dệt may... Ngược lại, các cam kết trong Hiệp định EVFTA cũng sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh lớn hơn cho một số ngành của Việt Nam như: dược phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm hay hậu cần (logistics).

Chính quyền cũng như các doanh nghiệp Pháp rất hiểu thị trường Việt Nam và tích cực ủng hộ việc thông qua hiệp định này. Thực thi EVFTA sẽ giúp hai nước mở cửa thị trường với những mặt hàng mang tính bổ sung lẫn nhau. Theo Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp, trách nhiệm của các doanh nghiệp Việt Nam là phải nắm bắt cơ hội. Thứ nhất, để thúc đẩy, xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng có khả năng, nhất là mặt hàng nông sản nhiệt đới. Thứ hai, các mặt hàng vốn được sản xuất ở Việt Nam và có nhu cầu lớn ở Pháp như điện thoại di động. Thứ ba, tạo thuận lợi, cải thiện một cách cơ bản môi trường đầu tư ở Việt Nam. Đây là một thách thức về hệ thống, về môi trường đầu tư ở Việt Nam vì phải làm quen với tiêu chuẩn của các nước công nghiệp phương Tây trong việc giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và nước sở tại.

EVFTA thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của cả EU và Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ song phương phát triển sâu rộng và thực chất hơn. Việc thực thi hiệp định với Pháp cũng như các nước EU còn phụ thuộc vào khả năng vượt qua tác động của dịch Covid-19 và sức khỏe cũng như những ưu tiên của các nền kinh tế EU.

KHẢI HOÀN

Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp