Triển vọng mới

Mới đây, Mỹ tuyên bố dỡ bỏ trở ngại chính trong việc thông qua một thỏa thuận quốc tế về đánh thuế các tập đoàn công nghệ đa quốc gia.

Trụ sở Tập đoàn Google tại Mỹ.
Trụ sở Tập đoàn Google tại Mỹ.

Ðộng thái tích cực nêu trên mở ra triển vọng thúc đẩy nhanh các cuộc đàm phán về thuế dịch vụ kỹ thuật số ở cấp độ toàn cầu.

Trong những năm gần đây, các "ông lớn" về công nghệ như Google, Apple, Facebook… đã thống trị lĩnh vực kỹ thuật số toàn cầu với doanh thu khổng lồ. Tuy nhiên, những tập đoàn đa quốc gia này bị cáo buộc là có xu hướng lập trụ sở hoặc đặt nơi nhận doanh thu tính thuế ở những nước có mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp như Ai-len, Hà Lan… để tránh thuế. Trong bối cảnh các quy tắc thuế hiện hành không còn phù hợp, một số nước châu Âu đã chọn giải pháp xây dựng luật thuế kỹ thuật số riêng. Thực trạng này đã dẫn đến những căng thẳng giữa Mỹ, quốc gia sở hữu các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới và nhiều nước châu Âu.

Pháp là quốc gia đi đầu khi ban hành luật đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số vào năm 2019 đối với các tập đoàn công nghệ lớn. Tuy nhiên, giới chức Mỹ cho rằng, loại hình thuế công nghệ chỉ nhằm mục tiêu vào nước này, vốn là nơi sản sinh ra các tập đoàn công nghệ hàng đầu trên thế giới. Oa-sinh-tơn đã đe dọa tăng thuế đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Pháp. Căng thẳng chỉ dịu bớt khi hai bên nhất trí thỏa hiệp trong khi tìm kiếm một thỏa thuận thuế kỹ thuật số mang tính toàn cầu, dưới sự bảo trợ của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Kế hoạch của OECD hướng đến hai mục tiêu. Một là, bảo đảm các công ty công nghệ lớn phải nộp thuế tại nơi họ kinh doanh, thay vì nơi họ đăng ký công ty con. Cách tính này sẽ chấm dứt tình trạng hiện đang phổ biến ở châu Âu, là những công ty đa quốc gia kinh doanh trực tuyến tại nhiều quốc gia, nhưng chỉ chọn đặt trụ sở ở những nước đánh thuế thấp để giảm các khoản chi. Hai là, ủng hộ mức đánh thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu áp dụng chung trên toàn cầu đối với các công ty đa quốc gia, với mục đích ngăn chặn một số nước hạ thấp thuế để lôi kéo các doanh nghiệp chuyển trụ sở đến nước họ. OECD kỳ vọng, kế hoạch được các nước nhất trí trước cuối năm 2020 và đi vào thực hiện từ năm 2021, song nỗ lực này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Ð.Trăm. Oa-sinh-tơn đã đưa ra một đề xuất gây tranh cãi, theo đó cho phép các tập đoàn công nghệ lựa chọn giữa chế độ thuế mới đang được đàm phán trong OECD và hệ thống thuế hiện hành. Ðề xuất của Mỹ được cho là trở ngại lớn, làm trì hoãn kế hoạch cho ra đời một thỏa thuận đánh thuế kỹ thuật số toàn cầu.

Tuy nhiên, tại cuộc họp gần đây với những người đồng cấp thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Bộ trưởng Tài chính Mỹ G.Y-ê-len tuyên bố, Oa-sinh-tơn đã dỡ bỏ trở ngại nêu trên. Có thể thấy, hành trình thúc đẩy một thỏa thuận quốc tế về đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số đã phải trải qua một chặng đường gập ghềnh. Vì vậy, bước đi tích cực từ phía Mỹ đã nhận được sự hưởng ứng của các nước. Ðức và Pháp nhấn mạnh, đây là một bước đột phá lớn. Trong khi đó, I-ta-li-a cho rằng, lập trường mới của Mỹ mở đường cho việc đạt được thỏa thuận tổng thể về đánh thuế các công ty đa quốc gia tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20, dự kiến diễn ra tháng 7 tới.

Theo Tổng Thư ký OECD A.Gu-ri-a, nếu không đạt được một thỏa thuận quốc tế, nhiều quốc gia sẽ lập kế hoạch đơn phương đánh thuế kỹ thuật số đối với các tập đoàn công nghệ đa quốc gia. Khi đó, những căng thẳng về thuế giữa các nước có nguy cơ biến thành cuộc chiến thương mại. Kịch bản này nếu xảy ra sẽ dẫn đến sự tổn hại nghiêm trọng đối với nền kinh tế các nước. Vì vậy, việc sớm thống nhất một thỏa thuận quốc tế về đánh thuế các tập đoàn công nghệ đa quốc gia có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với châu Âu, mà cả thế giới.

Bảo Châu