Triển vọng đầu tư tại châu Phi

Châu Phi được dự báo đang dần trở lại quỹ đạo tăng trưởng, với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dự kiến tăng 15% trong năm 2019. Cùng với những nhu cầu thực chất về dịch vụ kinh doanh , phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin và kinh tế kỹ thuật số, triển vọng tích cực này có được một phần là nhờ những nỗ lực của chính lục địa này, nhất là tiến trình hội nhập khu vực.

Công nhân làm việc trong nhà máy dệt may ở Ethiopia. Ảnh Bloomberg.com
Công nhân làm việc trong nhà máy dệt may ở Ethiopia. Ảnh Bloomberg.com

Năm 2018 dòng vốn FDI vào một số nền kinh tế lớn của châu Phi, như Nigeria, Ai Cập và Ethiopia sụt giảm, song nguồn vốn vào các nền kinh tế khác lại có mức tăng đáng kể. Ðáng chú ý là Nam Phi, nền kinh tế lớn thứ ba châu lục, với FDI tăng gấp hơn hai lần, từ hai tỷ USD năm 2017 lên 5,3 tỷ USD năm 2018, chủ yếu vào các lĩnh vực khai khoáng, lọc dầu, chế biến thực phẩm và công nghệ thông tin. Báo cáo của Liên hợp quốc về đầu tư toàn cầu mới đây cho biết, tổng vốn FDI vào miền nam châu Phi trong năm 2018 tăng thêm 4,2 tỷ USD. FDI vào châu Phi dự kiến sẽ tăng 15% trong năm 2019.

Cũng theo Liên hợp quốc, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào khu vực châu Phi hạ Sahara trong năm 2018 đạt 32 tỷ USD, tăng 13% so mức năm 2017. Ðây là tín hiệu tích cực đối với “lục địa đen”, trong bối cảnh hoạt động đầu tư tại các quốc gia phát triển có xu hướng giảm thời gian gần đây. Trong khi đó, dòng vốn đầu tư vào khu vực Bắc Phi tăng 7%, đạt 14 tỷ USD. Tuy nhiên, vốn đầu tư vào Tây Phi lại giảm 15%, còn 9,6 tỷ USD (mức thấp nhất kể từ năm 2006), phần lớn do sự giảm mạnh tại Nigeria, căng thẳng thương mại và tăng trưởng kinh tế ảm đạm ở khu vực cận nam Sahara.

Pháp tiếp tục là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở châu Phi, xếp ngay sau là Hà Lan. Trong khi tổng vốn FDI của Mỹ và Anh vào châu lục này giảm trong bốn năm qua do tình trạng thoái vốn và thu hồi lợi nhuận, thì FDI từ Trung Quốc vào đây lại tăng hơn 50% trong giai đoạn 2013 - 2017. Thời gian qua, Nga cũng thúc đẩy đầu tư vào châu Phi, trong đó tập trung vào các lĩnh vực năng lượng và khoáng sản.

Những con số tích cực nêu trên có được là nhờ những nỗ lực của châu Phi trong thúc đẩy hội nhập, nổi bật là Khu vực thương mại tự do châu Phi (AfCFTA) vừa chính thức ra mắt, sau 17 năm đàm phán gian nan. Bên cạnh đó là xu hướng các nhà đầu tư nước ngoài tăng cường làm ăn với các nước châu Phi do nhu cầu thiết thực của lục địa này về dịch vụ kinh doanh, sản xuất, phát triển nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin và truyền thông.

Nền kinh tế kỹ thuật số đang trở thành một trong những động lực tăng trưởng chính của các nước châu Phi. Công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng được coi là trụ cột dẫn đến thành công của các nền kinh tế trong khu vực trong khoảng hai mươi năm qua. Ðiều đó thúc đẩy giới đầu tư để ý hơn đến hạ tầng kỹ thuật số của châu Phi, vốn bị đánh giá là kém chất lượng, nhưng giá thành lại cao hơn mức trung bình của thế giới. Sản xuất nông nghiệp và kinh doanh hàng nông sản cũng là những lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài, khi những ngành này chiếm 25% GDP của lục địa và đóng góp tới 70% số việc làm.

Liên hợp quốc dự báo, làn sóng đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục tăng tại các quốc gia châu Phi hạ Sahara trong năm nay, nhờ AfCFTA vừa có hiệu lực. Trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới chú trọng tăng cường ảnh hưởng tại “lục địa đen”, thông báo mới đây của Cơ quan Ðầu tư tư nhân ở nước ngoài (OPIC) thuộc Chính phủ Mỹ về kế hoạch tăng gấp hai lần quỹ đầu tư vào châu Phi, lên mức 12,4 tỷ USD, nhiều khả năng góp phần tạo nên một làn sóng FDI mới vào châu Phi thời gian tới.