Tổng thống Pháp hiểu sự tức giận của người Hồi giáo nhưng lên án bạo lực

NDO -

Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Al Jazeera của Qatar mới đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng ông hiểu rõ người Hồi giáo có thể bị sốc bởi những bức tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohammed. Dù vậy ông không chấp nhận sự phản đối bằng hành động bạo lực.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng quan điểm của ông đã bị tuyên truyền sai và muốn "mọi việc lắng dịu." Ảnh: BFMTV.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng quan điểm của ông đã bị tuyên truyền sai và muốn "mọi việc lắng dịu." Ảnh: BFMTV.

Người đứng đầu Nhà nước Pháp đưa ra ý kiến như vậy vào thời điểm quan hệ giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn rất căng thẳng, cùng với các cuộc biểu tình và lời kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của Pháp tại một số quốc gia Hồi giáo.

Sự tức giận trong thế giới Hồi giáo bắt đầu bùng lên sau khi Tổng thống Pháp tuyên bố "nước Pháp sẽ không từ bỏ các bức tranh biếm họa" tại lễ tưởng niệm thầy giáo Samuel Paty, bị một người Hồi giáo cực đoan sát hại vào ngày 16-10 ở ngoại ô Paris. 

Trong cuộc phỏng vấn, Tổng thống Pháp lấy làm tiếc về "sự hiểm lầm" dẫn tới sự phản đối và tức giận ở một số nước Hồi giáo. Ông chỉ trích những động thái của một số nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo, tuyên tuyền sai lệch ý kiến của ông về các bức tranh biếm họa.

Tổng Emmanuel Macron tiếp tục khẳng định trách nhiệm "bảo vệ quyền tự do ngôn luận của người Pháp," đồng thời nói rằng các bức tranh biếm họa không phải là tác phẩm của Nhà nước mà là của các phương tiện truyền thông độc lập. Tổng thống Pháp nói rằng nhiều ý kiến từ thế giới đạo Hồi đã làm sai bản chất của sự việc. 

Ông nói: Tôi ủng hộ quyền tự do viết, suy nghĩ hay vẽ ở đất nước của tôi vì tôi cho rằng điều đó là quan trọng, là quyền và quyền tự do ngôn luận của chúng tôi. Đất nước của chúng tôi không có vấn đề với bất kỳ tôn giáo nào, kể cả đạo Hồi. 

Tổng thống Pháp cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của nguyên tắc thế tục của Pháp, tách bạch giữa tôn giáo và nhà nước. Chính vì vậy, nước Pháp trở thành một quốc gia mà mọi người đều có thể là công dân bất kể thuộc tôn giáo nào. 

Về chiến dịch tẩy chay các sản phẩm của Pháp tại một số quốc gia Hồi giáo, ông E. Macron cho là "không xứng đáng" và "không thể chấp nhận được." Báo chí Pháp đã đề cập đến mức thiệt hại đáng kể nếu xu hướng tẩy chay gia tăng trong thời gian tới vì chỉ riêng ở Thổ Nhĩ Kỳ có tới ít nhất 150 sản phẩm của Pháp. Hàng trăm nghìn lao động ở các nhà máy tại Pháp làm ra sản phẩm xuất đi Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Trung Đông có thể bị ảnh hưởng. 

Nhân dịp này, Tổng thống Pháp đề nghị Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng Pháp cũng như các giá trị của nước này và tôn trọng Liên minh châu Âu, không dùng lời lẽ "hiếu chiến," đồng thời mong muốn "mọi việc lắng xuống."

Ngày 31-10, Bộ trưởng Ngoại giao Jean-Yves Le Drian thông báo rằng đại sứ Pháp sẽ quay trở lại Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tuần này để "làm rõ" nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước. Theo ông Jean-Yves Le Drian, không thể để kéo dài sự hiểu lầm cũng như có thêm những tuyên bố thái quá nhằm đẩy Pháp đến tình thế đối đầu với thế giới Hồi giáo. 

Cũng tại Pháp, sau vụ tấn công bằng dao làm ba người chết ở thành phố Nice vào ngày 29-10, Tổng Giám mục Robert Le Gall ở thành phố Toulouse, đã phản đối những bức tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohammed.

Ông cho rằng những sự việc như vậy như "đổ thêm dầu vào lửa" và việc phổ biến các bức biếm họa có thể dẫn tới những tình huống "nguy hiểm." Theo ông, tự do ngôn luận phải được dung hòa với tự do được ở bên nhau, cùng chia sẻ nhưng không được xúc phạm nhau.  

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Bản tin sáng của Nice ngày 31-10, Giám mục André Marceau của thành phố này khẳng định tự do ngôn luận là thiêng liêng ở Pháp nhưng mọi người đều phải có trách nhiệm về hành động của mình và có những nhân vật không thể bị chế diễu quá mức. Vấn đề quan trọng hiện nay là làm cho các tín đồ hiểu rõ và không đi quá xa như chủ nghĩa cực đoan. 

Nhật báo La Croix (Thánh Giá) cũng có bài viết dẫn ý kiến của người theo Công giáo, kêu gọi hành động cương quyết chống khủng bố, đồng thời tăng cường sự đoàn kết giữa các tôn giáo để chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. La Croix cho rằng cần sửa đổi và bổ sung luật để trấn áp bạo lực cuồng tín và không quy chụp hành động khủng bố man rợ cho tất cả người theo đạo Hồi.  

* Trong một diễn biến khác, một linh mục của nhà thờ Chính thống giáo ở thành phố Lyon bị bắn bị thương trong chiều 31-10.

Thông tin ban đầu từ cảnh sát cho biết nguyên nhân có thể là do mâu thuẫn cá nhân. Các lực lượng an ninh đã bắt và tạm giữ một người để điều tra xem có phải là hung thủ và có liên quan đến hành động khủng bố hay không.