Tình trạng tội phạm cực đoan tại Nga gia tăng

NDO -

NDĐT – Theo nguồn tin từ Hội đồng An ninh Liên bang Nga, tình trạng tội phạm cực đoan tại Nga đang có chiều hướng gia tăng so năm 2019.

Cuộc họp của Hội đồng An ninh Liên bang Nga.
Cuộc họp của Hội đồng An ninh Liên bang Nga.

Ngày 20-5, phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng An ninh Liên bang Nga, Phó Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Alexander Grebenkin cho biết: “Một số quốc gia đang mưu toan sử dụng công nghệ thông tin hòng đạt được các mục tiêu địa chính trị của họ, bao gồm cả việc thao túng ý thức cộng đồng của người dân Nga. Đây là một trong những mối đe dọa đối với nền an ninh của đất nước”.

Ông Grebenkin cũng nêu rõ: “Tình hình kinh tế xã hội khó khăn, dịch bệnh Covid-19 lây lan nhanh chóng, khiến số lượng các vụ tội phạm cực đoan gia tăng. Trong bốn tháng đầu năm nay, ghi nhận 263 vụ, tăng 33% so cùng kỳ năm 2019”. Trong đó, khoảng gần một nửa số vụ có mối liên quan những lời kêu gọi cực đoan từ internet và 10% số vụ có tính chất bạo lực, đe dọa đánh, giết, được thực hiện với các mục tiêu chính trị, tư tưởng, chủng tộc, thù hận hoặc tôn giáo.

Phó Thư ký Hội đồng An ninh lưu ý thời gian gần đây tại Nga ghi nhận sự tích tụ các “tác động thông tin - tâm lý phá hoại đối với công dân Nga”, bao gồm cả những nỗ lực lôi kéo giới trẻ vào các hoạt động cực đoan, nhằm gây bất ổn tình hình chính trị xã hội ở nước này. Ông Grebenkin cũng giải thích thêm, bên cạnh lý do nêu trên, sự gia tăng số lượng lao động di cư nước ngoài và khả năng thích ứng kém của số lao động này tại Nga cũng góp phần hình thành các bộ phận biệt lập giữa các dân tộc khác nhau, dẫn đến những mâu thuẫn nhất định.

Phó Thư ký Hội đồng An ninh Grebenkin cho biết thêm, dự thảo Chiến lược chống chủ nghĩa cực đoan ở Nga đến năm 2025 đã lưu ý xu hướng này, do đó, các hướng ưu tiên trong hoạt động chống cực đoan của các cơ quan chức năng nhà nước sẽ là ngăn chặn xung đột sắc tộc và tôn giáo, cũng như tăng cường ngăn chặn các biểu hiện của chủ nghĩa cực đoan trong giới trẻ một cách hiệu quả nhất, “ngăn chặn truyền bá tư tưởng cực đoan và phá hoại khác trong không gian thông tin, đặc biệt là trên internet”. Ông Grebenkin đồng thời nhấn mạnh, hoạt động của các tổ chức và cá nhân cực đoan, nhằm gây bất ổn tình hình chính trị xã hội và phá hủy các giá trị tinh thần và đạo đức truyền thống của Nga sẽ được coi là mối đe dọa đối với nền an ninh Nga.