Tiếp nối chặng đường hợp tác

Kể từ khi Nhóm Visegrad (V4) được thành lập năm 1991 đến nay, quan hệ hợp tác giữa các nước thành viên, gồm Ba Lan, Hung-ga-ri, Séc và Xlô-va-ki-a, ngày càng phát triển tốt đẹp. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập, lãnh đạo các nước V4 khẳng định, tiếp tục tăng cường hơn nữa hợp tác vì lợi ích của người dân, Liên hiệp châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO).

Hội nghị cấp cao V4 tại TP Cra-cốp, Ba Lan. Ảnh: Hội đồng châu Âu
Hội nghị cấp cao V4 tại TP Cra-cốp, Ba Lan. Ảnh: Hội đồng châu Âu

Hội nghị cấp cao V4 nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập được tổ chức tại thành phố Cra-cốp của Ba Lan, nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên V4, với sự tham dự của Thủ tướng Ba Lan M.Mô-ra-véc-ki, Thủ tướng Séc A.Ba-bít, Thủ tướng Hung-ga-ri V.Ô-ban, Thủ tướng Xlô-va-ki-a I.Ma-tô-vích và Chủ tịch Hội đồng châu Âu S.Mi-xen. Tại đây, lãnh đạo bốn nước V4 đã thông qua tuyên bố chung, đánh giá chặng đường phát triển của nhóm cũng như đưa ra phương hướng hợp tác trong thời gian tới.

Tuyên bố của các lãnh đạo V4 khẳng định, V4 đã trở thành thành viên tích cực và đáng tin cậy của EU và NATO. Các nước V4 đã phát triển nhanh và trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của EU, góp phần thúc đẩy hội nhập châu Âu. V4 được đánh giá là một thí dụ về hợp tác khu vực hiệu quả trong EU, đóng góp vào sự phát triển chung của khối. Tuyên bố cũng nhấn mạnh vai trò thiết yếu của NATO với an ninh của khu vực, trong tăng cường khả năng răn đe, phòng thủ tập thể và ứng phó các mối đe dọa, cũng như thúc đẩy quan hệ đối tác xuyên Ðại Tây Dương.

Nhận thức được giá trị và tầm quan trọng của sự hợp tác và đoàn kết tại khu vực, nhất là trong thời kỳ khủng hoảng, V4 đã thành lập Trung tâm trao đổi thông tin V4 về Covid-19, hỗ trợ các nước ngoài nhóm ứng phó dịch bệnh; đưa ra lập trường chung của nhóm nhằm góp phần củng cố biên giới EU trong cuộc khủng hoảng di cư. V4 cũng xây dựng các cơ sở hạ tầng giao thông quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi kết nối giao thông xuyên biên giới và làm sâu sắc hơn sự gắn kết ở châu Âu.

Bên cạnh đó, tuyên bố cũng khẳng định lại vai trò quan trọng của Quỹ Visegrad quốc tế, được thành lập năm 2000, đã cho phép triển khai hơn 6.000 dự án chung ở Trung Âu, Tây Ban-căng và với các đối tác ở phía đông như Bê-la-rút, U-crai-na... Ngoài ra, Quỹ Visegrad quốc tế cũng thúc đẩy giao lưu, hợp tác giữa sinh viên, nhà khoa học, chính quyền địa phương… của các nước thành viên. 

Trong giai đoạn tới, các nhà lãnh đạo V4 khẳng định, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác giữa các chính phủ và giữa nhân dân các nước thành viên, vì lợi ích của nhóm, cũng như của EU và NATO. V4 nhất trí phối hợp chặt chẽ trong các lĩnh vực có lợi ích chung, cùng giải quyết những thách thức đang phải đối mặt. V4 cũng sẵn sàng duy trì hợp tác toàn diện, hiệu quả với các đối tác ở trong và ngoài EU, góp phần thực hiện các mục tiêu chung của khối.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, các nước V4 nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ chống đại dịch và nỗ lực phục hồi kinh tế. Thủ tướng các nước V4 cho rằng, tốc độ phục hồi kinh tế của nhóm phụ thuộc tiến độ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Cùng chia sẻ mối quan tâm này, Chủ tịch Hội đồng châu Âu S.Mi-xen khẳng định, đẩy nhanh tiến độ cung cấp vắc-xin ngừa Covid-19 là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của EU.

Tuyên bố chung của V4 cũng nhấn mạnh vai trò của việc duy trì liên lạc thông suốt, thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến. Dựa trên những kinh nghiệm thu được từ Trung tâm trao đổi thông tin V4 về Covid-19, V4 dự định đẩy mạnh trao đổi thông tin trong lĩnh vực bảo hộ công dân, quản lý khủng hoảng, phòng chống thiên tai…; cũng như nâng cao năng lực ứng phó khẩn cấp của nhóm. Các nhà lãnh đạo V4 cũng tuyên bố, sẵn sàng tăng ngân sách hằng năm của Quỹ Visegrad quốc tế lên 10 triệu ơ-rô từ năm 2022, nhằm thúc đẩy các chương trình kết nối thế hệ trẻ của các nước thành viên.

Những thành quả hợp tác mà V4 đạt được trong 30 năm qua dựa trên mối quan hệ láng giềng hữu nghị, cũng như các giá trị và lợi ích chung. Nhằm tiếp nối chặng đường hợp tác trong thời gian tới, V4 cần tiếp tục nỗ lực, chung tay vượt qua những thách thức do dịch Covid-19 gây ra, sớm đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường và phục hồi nền kinh tế, hướng tới thực hiện mục tiêu chung vì một EU an toàn, thịnh vượng và ổn định.