Thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng

Việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu (EVFTA) được dự báo sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Liên hiệp châu Âu (EU); đồng thời khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong tăng cường hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Dệt may là một trong nhiều ngành được hưởng lợi từ EVFTA. Ảnh ROI-TƠ
Dệt may là một trong nhiều ngành được hưởng lợi từ EVFTA. Ảnh ROI-TƠ

Hiệp định EVFTA là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao và bảo đảm cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Về phát triển kinh tế, EVFTA được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng của Việt Nam. Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, thương mại hai chiều và đầu tư từ EU vào Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động. Các cam kết giảm, xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU sẽ là lợi thế rất lớn với doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU mang tính bổ sung cao. Nếu được đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là cú huých lớn cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) N.Au-đi-ê, EVFTA sẽ mang lại cơ hội giúp Việt Nam tiếp cận thị trường với khoảng 500 triệu dân của EU, nhất là những mặt hàng Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh như nông, thủy sản, dệt may... Hiện nay, EU là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Với quy mô và tiềm năng của EU, Việt Nam có cơ hội trở thành điểm kết nối các hoạt động thương mại, đầu tư của EU tại khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (ASEAN).

Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam P.A-li-bơ-ti và Chủ tịch EuroCham N.Au-đi-ê đều nhận định, Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công trong công tác kiểm soát đại dịch Covid-19. Theo đó, EVFTA sẽ góp phần phục hồi kinh tế Việt Nam thông qua thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, thiết lập các chuỗi cung ứng mới và giúp lấy lại đà tăng trưởng của các doanh nghiệp. Theo Chủ tịch EuroCham, Việt Nam và EU cần tăng cường hợp tác nhằm bảo đảm sự tăng trưởng và cùng phát triển vì tình hình kinh tế thế giới trong thời gian tới sẽ khó dự đoán.

Trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, như sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ, EVFTA khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam và EU trong việc thúc đẩy quan hệ song phương, góp phần đưa quan hệ giữa hai bên phát triển toàn diện và thực chất hơn. Đại sứ, P.A-li-bơ-ti nhận định, năm 2020 là thời điểm thuận lợi để thúc đẩy hơn nữa quan hệ Việt Nam - EU khi hai bên kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Bên cạnh việc tăng cường quan hệ tổng thể với EU, EVFTA cũng mở ra những cơ hội hợp tác mới giữa Việt Nam và từng nước thành viên EU. Với việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, EVFTA sẽ nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong quan hệ EU - ASEAN. EU cũng hướng đến một FTA giữa EU và ASEAN và đây sẽ là công cụ mạnh mẽ để thúc đẩy sự phát triển của hệ thống thương mại đa phương.

Bên cạnh những cơ hội thì việc thực thi EVFTA sẽ đặt ra không ít thách thức. Cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ của EU sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh với Việt Nam. Tuy nhiên, đây là sức ép cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp; đồng thời là động lực cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực, đổi mới và tạo thêm nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng hiệu quả cơ hội cũng như giảm thách thức gặp phải trong quá trình thực thi hiệp định cũng cần được chú trọng. Theo Chủ tịch EuroCham N.Au-đi-ê, công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao sự hiểu biết về các quy định, cam kết của EVFTA cần được đẩy mạnh, giúp doanh nghiệp của hai bên “mở khóa” những tiềm năng của EVFTA ngay từ khi hiệp định đi vào hiệu lực. Là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ngoài những cam kết về thương mại hàng hóa và dịch vụ, EVFTA còn bao gồm các nội dung về lao động, môi trường, mua sắm chính phủ… Theo đó, EVFTA đặt ra các yêu cầu điều chỉnh, sửa đổi các quy định pháp luật ở một số lĩnh vực. Tuy nhiên, nhu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng được xem là xuất phát từ đòi hỏi của nội tại nền kinh tế và phù hợp với các xu thế phát triển trên thế giới.

Việc thực thi EVFTA sẽ gửi đi thông điệp về những nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy liên kết kinh tế quốc tế và ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ. Điều này sẽ đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và EU; góp phần tăng cường kết nối, hợp tác giữa hai khu vực.